Tổng thống Mỹ thăm Pháp: Bất đồng lũy kế

Vượt hơn 6.000km để đến Thủ đô Paris cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm Pháp nhằm dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới I, sự kiện thu hút hơn 70 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tham dự. Diễn ra vào thời điểm mang ý nghĩa biểu tượng, chuyến công du được kỳ vọng là dịp để Mỹ củng cố quan hệ đồng minh với các nước châu Âu. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng lại gây thất vọng khi bỏ lỡ cơ hội này.

Giải tỏa căng thẳng

Trước khi đặt chân tới Paris, ông Trump đã khuấy động bầu không khí hữu nghị Mỹ - Pháp, khi chỉ trích đề xuất của người đồng cấp Emmanuel Macrons về việc thành lập quân đội châu Âu. Ông Trump cho rằng, đây là điều “cực kỳ xúc phạm”, đồng thời nhắc nhở, châu Âu nên chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự trong NATO với Mỹ. Ngày 6/11, Tổng thống Pháp Macron nói rằng, châu Âu có thể là nạn nhân chính của quyết định mà Tổng thống Trump đưa ra về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, lục địa già cần thành lập lực lượng quân đội thực sự, nhằm tự bảo vệ trước các cường quốc như Trung Quốc, Nga và thậm chí Mỹ. Giới quan sát cho rằng, phần lớn phát biểu của ông Macron chỉ là sự lặp lại những gì các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi suốt nhiều tháng qua: Châu Âu cần ngừng lệ thuộc vào Mỹ trong quốc phòng.

Trong bối cảnh đó, phần lớn thời lượng của cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp nước chủ nhà Macron tại Điện Élysée ngày 10.11 được dành để giải tỏa căng thẳng và tạo sự đồng thuận trong lĩnh vực phòng thủ. Phát biểu sau lễ đón tiếp của Tổng thống Macron tại Paris, Tổng thống Trump khẳng định, Mỹ mong muốn một châu Âu hùng mạnh. “Điều này rất quan trọng đối với Mỹ và hai bên có thể thực hiện điều này tốt nhất bằng bất kỳ cách nào nhằm mang lại hiệu quả như mong muốn”, ông Trump cho biết. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh, Mỹ muốn giúp đỡ châu Âu nhưng cần phải xuất phát từ quan điểm công bằng. Về phần mình, nhà lãnh đạo Pháp nhất trí với quan điểm của Tổng thống Trump về việc châu Âu cần “chia sẻ gánh nặng” lớn hơn trong NATO.

Giới chức Pháp cho biết, tại cuộc hội đàm, ông Trump còn nhất trí sẽ tham vấn các đồng minh trong NATO về kế hoạch rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh. Ngoài vấn đề về phòng thủ, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận nhiều vấn đề khác, trong đó có Iran, Syria, Yemen, biến đổi khí hậu và thương mại.

Chuyến đi gây thất vọng 

Sau bữa trưa với người đồng cấp Macron cùng hai phu nhân của họ, Melania và Brigitte, Tổng thống Trump có kế hoạch đến Nghĩa trang và đài tưởng niệm liệt sĩ Mỹ Aisne-Marne tại Belleau, cách Thủ đô Paris khoảng 100km về phía đông bắc. Đây là nơi yên nghỉ của khoảng 2.289 binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã thông báo hủy hoạt động này vì lý do thời tiết xấu. Theo thông báo của Nhà Trắng, Tham mưu trưởng Nhà Trắng John Kelly, nguyên Tổng tư lệnh quân đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ, và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joe Dunford thay Tổng thống Trump dẫn đầu đoàn dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ Mỹ đã ngã xuống trong Chiến tranh Thế giới I.

Ben Rhodes, nguyên cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, người thường giúp lên kế hoạch cho các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống cho rằng, luôn có kịch bản dự phòng cho trường hợp “trời mưa” trong những hoạt động ngoài trời tương tự. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump không đến dự lễ tưởng niệm liệt sĩ Mỹ tại nghĩa trang Aisne-Marne vẫn làm dấy lên làn sóng chỉ trích, nhất là khi nhiều nguyên thủ quốc gia khác, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, vẫn dự lễ tưởng niệm liệt sĩ của những nước này bất kể trời mưa. Kelly Magsamen, cố vấn an ninh quốc gia của nhiều Tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ trích, ông Trump thể hiện sự thiếu nhiệt huyết và tôn trọng đối với những người đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ nước Mỹ.

Đây là chuyến công du thứ hai của ông Trump đến Pháp kể khi lên nắm quyền và là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11. Trước thềm chuyến thăm, giới chức Mỹ cho hay, sự tham dự của Tổng thống Mỹ tại lễ tưởng niệm chính diễn ra tại Khải Hoàn Môn ở Thủ đô Paris ngày 11/11 thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các cuộc xung đột toàn cầu.

Pháp đặc biệt coi trọng sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng này. Nhằm tranh thủ sự quan tâm của dư luận toàn cầu, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm, Tổng thống Macron còn tổ chức Diễn đàn vì hòa bình, nhằm thảo luận vấn đề dân chủ và đa phương hóa, thu hút hơn 70 nguyên thủ quốc gia tham dự. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng cho biết, do eo hẹp về thời gian, nên Tổng thống Mỹ không tham dự diễn đàn này.

 Giới quan sát cho rằng, sự vắng mặt của ông Trump càng thể hiện rõ sự thoái lui của Mỹ khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu cũng như tại các diễn đàn đa phương. Không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng, thời gian qua, Mỹ và các đồng minh EU ngày càng gia tăng bất đồng trong nhiều vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ tiếp tục chọn đi theo con đường riêng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, với việc rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 hay áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa và nhôm, thép nhập khẩu từ châu Âu…

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều