Trí tuệ nhân tạo và cuộc cạnh tranh chưa có hồi kết của các quốc gia trên thế giới

(Mặt trận) - Ngày nay, trí tuệ nhân tạo có thể nhận dạng khuôn mặt, cung cấp kết quả tìm kiếm tốt hơn và được sử dụng để điều khiển xe tự lái. Đó là những xu hướng được đánh giá cao, được coi là cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo. Những cường quốc lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức… đang cạnh tranh sít sao để trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Trí tuệ nhân tạo dần hiện diện trong mọi mặt đời sống con người (Ảnh: Spacenews)

Năm vừa qua được coi là năm bùng nổ của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trong đó, các công nghệ thuật toán đã được hiện diện trong nhiều lĩnh vực và bối cảnh khác nhau.

Giám đốc điều hành của Microsoft tại Anh, Dave Coplin đã gọi trí tuệ nhân tạo là “công nghệ quan trọng nhất mà hiện nay mà bất cứ ai trên hành tinh này đều đang sử dụng”. Tuy nhiên, không phải mọi thành tựu về trí tuệ nhân tạo đều được ủng hộ. Những khám phá thành công về thiên văn thường tập trung xung quanh việc nghiên cứu dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và sử dụng những máy móc có khả năng xử lý thông tin tốt. Trên thực tế, các nhà thiên văn đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để sàng lọc dữ liệu thu được trong nhiều năm từ kính thiên văn Kepler giúp xác định một hệ mặt trời gồm 8 hành tinh. Các nhà thiên văn và kỹ sư phần mềm của Google đã cùng phát triển một mạng lưới dựa trên việc vừa sử dụng thông tin từ 15.000 hành tinh con người đã tìm thấy. Họ đã phát hiện được nhiều hành tinh nhỏ hơn mà các nhà nghiên cứu trước đây đã bỏ qua.

Trong lĩnh vực giải trí, trí thông minh nhân tạo do Carnegie Mellon phát triển gần đây đã đánh bại các chuyên gia trong trò chơi bài poker cấp độ khó nhất. Không giống như các trò chơi chiến lược như cờ vua, poker được coi là “trò chơi thông tin không hoàn hảo” bởi vì người chơi phải đưa ra quyết định ngay cả khi một số thông tin bị ẩn. Trong một cuộc thi kéo dài 20 ngày với giá trị giải thưởng là 200.000 USD có 120.000 người tham dự, trí tuệ nhân tạo có tên gọi Libratus của Carnegie Mellon đã đánh bại các chuyên gia chơi bài poker hàng đầu thế giới.

Đối với các chương trình tự học, trí thông minh nhân tạo đã có thành công lớn trong năm vừa qua. Một số chương trình do Google, Microsoft và Facebook phát triển đã tự học cách viết mã cơ bản ở mức độ có thể giúp những người không biết lập trình có thể lập những bảng tính phức tạp.

Sản phẩm trí tuệ nhân tạo có tên DeepCoder do Microsoft phát triển được coi là một trong 3 chương trình cơ bản nhất có thể hiểu được những vấn đề về thuật toán bạn đang cần giải quyết, xem xét các ví dụ về mã hiện có cho các vấn đề tương tự và sau đó phát triển giải pháp dựa trên các mã này. DeepCoder được đánh giá là rất hữu ích cho những người không học lập trình nhưng cần phải sử dụng giải pháp dựa trên các thuật toán này để tính toán.

Máy móc thay thế nhiều công việc của con người (Ảnh: MSN)

Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia thể hiện tham vọng cao về phát triển trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Trung Quốc có nhiều biện pháp để thúc đẩy lĩnh vực này. Vào tháng 7/2017, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công bố một kế hoạch trong đó vạch ra mục tiêu trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo với tổng trị giá 150 tỷ USD vào năm 2030.

Có thể nói đây là một mục tiêu mà Trung Quốc có thể đạt được. Cùng với Mỹ, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Theo đánh giá của trường Đại học Công nghệ MIT, Mỹ, Trung Quốc đã xuất bản hầu hết các báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này trong những năm gần đây. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Trung Quốc đã xuất bản hơn 41.000 bài báo nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, con số này gấp đôi Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc luôn chú trọng đầu tư phát triển công nghệ với ý định trở thành “trung tâm thế giới về trí tuệ nhân tạo”. Họ sở hữu những công ty lớn như Tencent, Alibaba, Baidu. Từ thương mại điện tử đến chế tạo xe tự lái hay công cụ tìm kiếm, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò cơ bản trong thành công của quốc gia này. Trên thực tế với lợi thế từ nguồn cung dữ liệu khổng lồ được tạo ra từ khoảng 750 triệu người dân sử dụng internet, việc Trung Quốc sẽ thống trị thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong một tương lai gần là rất có khả năng.

Xét về số lượng báo cáo nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đã công bố, Mỹ đứng thứ hai thế giới là điều không thể tranh cãi. Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ đều bỏ xa các quốc gia khác. Trong giai đoạn năm 2011-2015, Mỹ đã xuất bản gần 25.500 bài báo về lĩnh vực này.

Trên hết, Mỹ được xếp hạng là quốc gia hàng đầu với nhiều công ty nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo nhất thế giới. Với hơn 1.000 công ty và 10 tỷ USD vốn đầu tư, Mỹ có khả năng trở thành siêu cường về trí tuệ nhân tạo. Các công ty như IBM, Microsoft, Google, Facebook và Amazon không chỉ xuất bản một số lượng lớn những nghiên cứu mà còn đầu tư mạnh vào phát triển trí tuệ nhân tạo.

Thành tựu của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế (Ảnh: SteemKR)

Việc kết hợp giữa kiến thức khoa học vô biên và sức mạnh về kinh tế là yếu tố để đưa Mỹ lên đỉnh cao của trí tuệ nhân tạo. Trong những năm gần đây, những hãng công nghệ lớn như Apple, Facebook và Tesla đã đầu tư hàng tỷ USD vào trí tuệ nhân tạo. Và Microsoft vẫn là công ty hàng đầu về nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm công nghệ có giá trị cao, Google và IBM cũng luôn khẳng định được tên tuổi của mình trong lĩnh vực này.

Tiếp theo bảng xếp hạng về bài báo được công bố là Nhật Bản ở vị trí thứ 3, với khoảng 11.700 bài. Con số này không đáng ngạc nhiên khi mà Nhật Bản đang phải trải qua giai đoạn dân số già, lực lượng lao động giảm. Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản. Hiện nay, khoảng 55% công việc ở Nhật Bản có thể được tự động hóa. Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ tiềm năng của Nhật Bản có thể lên đến 71%, trong khi ở Mỹ con số này ở mức 60%.

Với số lượng lớn nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, lực lượng lao động giảm và tiềm năng tự động hóa cao, Nhật Bản có khả năng tiếp tục duy trì ở top đầu. Kế hoạch phát triển lâu dài khi đầu tư vào công nghệ này của Nhật Bản cũng có thể chứng minh điều này.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo điều khiển xe tự lái (Ảnh: Adage)

Tại châu Âu, Đức nổi tiếng với những bí quyết trong lĩnh vực công nghiệp và hiệu quả lao động cao. Giờ đây, với hy vọng phát huy những giá trị truyền thống sẵn có, Đức cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ về công nghệ. Theo báo cáo về Công nghệ châu Âu, Berlin hiện là trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu châu Âu. Cũng theo báo cáo này, Đức có nhiều khả năng trở thành quốc gia dẫn đầu về phát triển xe tự lái, robot và điện toán lượng tử.

Thung lũng Cyber của Đức đang thu hút nhiều sự quan tâm của quốc tế. Nằm gần Stuttgart và Tübingen, khu vực này được thành lập vào năm 2016 thông qua sự hợp tác giữa cộng đồng Max Planck, một trường đại học và các công ty lớn như Porsche, Daimler, Bosch và cả Facebook. Thung lũng Cyber còn nhận được sự hỗ trợ từ Amazon do công ty này có kế hoạch mở một phòng thí nghiệm tại đây. Thung lũng Cyber được xây dựng để trở thành trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Đức.

Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Đức đã xuất bản gần 8.000 bài báo nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

Giống như Nhật Bản, Đức đang trải qua giai đoạn suy giảm dân số trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, Đức có tiềm năng về tự động hóa cao chiếm 47,9%. Khả năng phát triển công nghiệp mạnh mẽ, sự kết hợp có giá trị cao giữa các công ty cùng hệ thống giáo dục tốt là những yếu tố giúp Đức trở thành một mảnh đất màu mỡ cho trí tuệ nhân tạo phát triển.

Một quốc gia khác ở châu Âu là Anh cũng nằm trong top đầu thế giới về phát triển trí tuệ nhân tạo. Theo một báo cáo năm 2017, năm 2018 đánh dấu giai đoạn trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi ở Anh. Báo cáo này cũng cho biết khoảng 30% số công việc ở quốc gia này có thể được thay thế bằng công nghệ.

Hãng công nghệ DeepMind của Anh được thành lập năm 2010, hiện nay hãng này đã trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. DeepMind có 250 nhà nghiên cứu từ các nhà toán học đến các nhà thần kinh học đang làm việc tại đây.

Trí tuệ nhân tạo đang hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống, giúp con người tiết kiệm sức lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc. Trí tuệ nhân tạo cũng là lĩnh vực được các quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu về công nghệ cũng như đem lại những lợi ích về kinh tế không giới hạn.

Hồng Nhung

Bình luận

Tùng - 16:17 28/10/2018

Cảm ơn Tạp chí Mặt trận

Trả lời

Tùng - 16:17 28/10/2018

Bài viết hay

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều