Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương những tháng cuối năm 2021

(Mặt trận) - Bất chấp những ảnh hưởng do biến thể Covid-19 Delta đang gây ra trên toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang có sự phục hồi. Tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đại dịch nói chung đã vượt qua kỳ vọng ở một số quốc gia, khi mà các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đáng ngạc nhiên trong điều kiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế vào cuối năm 2021 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hoạt động kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại trong quý 2 của năm 2021 và dự báo tăng trưởng cũng được hạ xuống mức thấp hơn đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,5%, các quốc gia còn lại trong khu vực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 2,5%, ít hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 4/2021. Tỷ lệ việc làm và lực lượng lao động tham gia đã giảm, có tới 24 triệu người dân sẽ không thể thoát nghèo trong năm nay.

Theo Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro, sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phải đối mặt với vận may đảo ngược khi mà vào năm 2020 khu vực này đã kiểm soát được dịch bệnh, trong khi các khu vực khác trên thế giới gặp khó khăn do đại dịch thì năm 2021 số lượng ca mắc mới gia tăng đột biến đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của khu vực.

Các công ty lớn ở khu vực châu Á có khả năng sẽ công bố mức giảm lợi nhuận khoảng 6,19% trong quý 3 năm nay, theo tính toán của hãng Reuters dựa trên dữ liệu của các nhà phân tích về 1.069 công ty có vốn hóa thị trường ít nhất là 1 tỷ USD.

Trong ngắn hạn, lợi nhuận của các công ty này phụ thuộc nhiều vào tiến độ tiêm chủng ở khu vực Đông Nam Á và liệu Trung Quốc có thực hiện thêm các bước để hỗ trợ nền kinh tế của nước mình hay không. Doanh số bán xe hơi của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã giảm 11,9% trong tháng cuối cùng của quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp có sự sụt giảm trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu đang kìm hãm sản xuất.

Toyota Motor Corp - nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới về sản lượng bán ra đã phải cắt giảm sản lượng trong tháng 9 vừa qua xuống 40% so với kế hoạch trước đó do thiếu nguồn cung chip, mặc dù họ vẫn giữ các mục tiêu sản xuất và bán hàng theo năm tài chính. Sự lây lan của biến chủng Delta và sự cố ngừng hoạt động sản xuất ở khu vực Đông Nam Á đã có tác động lớn đến sản lượng của hãng này.

Đại dịch bùng phát ở khu vực Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Biến chủng Delta lây lan rộng ở khu vực này gây tác động không nhỏ đến các chuỗi cung ứng của nhiều nhà sản xuất lớn nhất thế giới, bởi thiếu phụ tùng ô tô và chất bán dẫn được sản xuất tại các nhà máy ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Tại Malaysia và Việt Nam, các biện pháp giãn cách, phong tỏa do nhiều ca lây nhiễm đã buộc nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động trong quý 3 vừa qua. Những thiệt hại do sự tồn tại lâu dài của đại dịch có khả năng gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng bất bình đẳng trong dài hạn. Sự đóng cửa của nhiều công ty dẫn đến việc mất đi các tài sản vô hình có giá trị, các công ty còn hoạt động lại đang trì hoãn các khoản đầu tư. Trong khi các công ty nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì các công ty lớn có khả năng sẽ giảm doanh số bán hàng.

Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo có khả năng bị mất thu nhập, mất an ninh lương thực, con cái họ có thể không được học hành đầy đủ. Việc gia tăng tình trạng suy kiệt vốn nhân lực và mất mát tài sản sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai của các hộ gia đình này. Bất bình đẳng gia tăng giữa các doanh nghiệp cũng có thể làm tăng bất bình đẳng giữa người lao động.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Aaditya Mattoo cho biết việc tiêm phòng và xét nghiệm cấp tốc để kiểm soát lây nhiễm có thể làm hồi sinh hoạt động kinh tế ở các quốc gia đang gặp khó khăn vào cuối năm nay và đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của những quốc gia này có thể tăng gấp đôi trong năm tới. Nhưng về dài hạn, chỉ có những cải cách sâu sắc hơn mới có thể ngăn chặn việc tốc độ tăng trưởng chậm lại và gia tăng bất bình đẳng.

Hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines có thể đạt tỉ lệ tiêm chủng 60% dân số vào nửa đầu năm 2022. Mặc dù điều này sẽ không loại bỏ hoàn toàn được đại dịch, nhưng nó sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, cho phép phục hồi kinh tế.

Ngay cả khi nhiều nền kinh tế trong khu vực đã chấp nhận việc sống chung với dịch Covid-19 thì cường độ ứng phó với đại dịch đã thay đổi rộng rãi trên khắp châu Á - Thái Bình Dương trong những tháng gần đây. Một số nền kinh tế có cường độ phản ứng cao sẽ áp đặt các biện pháp giãn cách, phong tỏa với các đợt bùng phát dịch mới. Các nền kinh tế có cường độ phản ứng nhẹ hơn sẽ ít áp đặt các biện pháp phong tỏa, giãn cách.

Phân tích của hãng S&P Global Ratings (sử dụng các kỹ thuật phân nhóm tiêu chuẩn) đã xếp Đài Loan, Việt Nam và New Zealand vào nhóm có cường độ ứng phó cao nhất, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan có mức ứng phó nhẹ hơn. Nhìn chung, các nền kinh tế có cường độ ứng phó cao có nguy cơ sẽ áp dụng giãn cách và phong tỏa lâu hơn và con đường để trở lại trạng thái bình thường mới cũng khó khăn hơn.

Thương mại quốc tế tiếp tục hỗ trợ chính cho tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mạnh mẽ trên toàn cầu đã thúc đẩy hoạt động thương mại trong khu vực. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Hoa Kỳ và châu Âu mở cửa, người tiêu dùng của họ đang dần chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ, phần lớn là phi thương mại. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu ở châu Á - Thái Bình Dương đã chậm lại và sẽ tác động rõ nét ở các nền kinh tế mở trong khu vực. Về tổng thể, hoạt động thương mại của khu vực vẫn đang duy trì ở mức cao, điều này có nghĩa là thương mại sẽ tiếp tục bù đắp cho những hạn chế trong nước.

Mặc dù có sự ổn định trong thương mại nhưng các chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực chủ chốt như chip điện tử lại gặp khó khăn. Những nút thắt về nguồn cung làm hạn chế tăng trưởng và gia tăng áp lực lạm phát có khả năng gây áp lực lên chính sách lãi suất. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu chạy trước cung, điều này phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu chính từ phía cầu. Đặc biệt do giãn cách, nhiều người lao động làm việc tại nhà hơn đã thúc đẩy nhu cầu về máy tính và các sản phẩm công nghệ. Việc di dời nơi làm việc từ thành phố ra vùng ngoại ô cũng thúc đẩy nhu cầu về xe hơi, vốn là mặt hàng sử dụng nhiều thiết bị công nghệ. Những áp lực về cầu đã tăng lên do sự gián đoạn sản xuất. Các nhà phân tích của S&P Global Ratings tin rằng việc các quốc gia trong khu vực trở lại điều kiện bình thường có thể mất 12-18 tháng do khả năng đáp ứng nguồn cung trong sản xuất chip tương đối thấp. Trong khi đó, giá các mặt hàng sử dụng chip điện tử tăng cao hơn đang mang lại lợi ích cho các công ty trong lĩnh vực này bất chấp phản ứng chậm chạp của nguồn cung.

Triển vọng tăng trưởng trong các tháng cuối của năm 2021 đã tương đối suy yếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do các đợt bùng dịch dai dẳng. Những đợt lây nhiễm này đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay cả ở những nơi trước đây đã kiểm soát được dịch. Chi phí kinh tế trung hạn sẽ cao hơn do sự căng thẳng về cân đối kế toán đối với các hộ sản xuất, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Nhóm này sẽ cắt giảm chi tiêu trong quý cuối năm 2021.

Đông Nam Á sẽ có mức giảm tăng trưởng lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý cuối năm nay, dao động từ 1-2 điểm phần trăm. New Zealand và Singapore là những nền kinh tế duy nhất được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm. Hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc sẽ giảm 30 điểm phần trăm và Ấn Độ gần như không đổi. Đối với toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức 6,7% trong cả năm nay và giảm so với mức 7,1% trong năm trước đó.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm nay của nước ta chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rất nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng quý 4 và cả năm 2021.

Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều