Triều Tiên đẩy mạnh quảng bá hình ảnh qua mạng xã hội

Việc dùng mạng xã hội phương Tây là bước ngoặt trong chiến lược sử dụng Internet gần 20 năm của Triều Tiên với mục tiêu định hình nhận thức của người nước ngoài về đất nước này.
 

Nữ Youtuber Triều Tiên Un A sở hữu một tài khoản lên tới 23.000 người theo dõi. Ảnh cắt từ video

Tay cầm chiếc guitar điện, nữ "Youtuber" Un A đeo kính, cắt tóc ngắn, khoác lên mình chiếc áo choàng đỏ tự tin thuyết trình trước ống kính máy quay tại thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên). “Tất cả các tòa nhà tại Bình Nhưỡng đang được tân trang để rũ bỏ lớp bụi sau mùa đông dài”, Un A nói bằng tiếng Anh trong một đoạn video đăng tải gần đây trên trang mạng Youtube. Ở một đoạn video khác, Un A này mặc một bộ đồ thể thao chạy bộ dọc dòng sông thơ mộng Taedong trong ngày nghỉ.

“Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn hoạt động mà người Triều Tiên làm trong lúc rảnh rỗi. Hoạt động phổ biến nhất là tập thể thao… như bóng rổ, bóng chuyền, bóng bán”, cô nói.

Đây chỉ là một vài đoạn trích trong chiến dịch đẩy mạnh hình ảnh của Triều Tiên đối với người nước ngoài trên các trang mạng xã hội như Youtube hay Twitter.

Hiện vẫn chưa biết chính xác ai là người đã quay và tạo video trên các kênh YouTube khác nhau.

Kênh của Un A có tên “Âm vang của sự thật” (Echo of Truth) đã thu hút được 23.000 người theo dõi khi thành lập từ năm 2017 và đăng tải khoảng vài chục video. Phần lớn nội dung video tập trung vào các chủ đề về tiêu dùng và phong cách sống. Trong một đoạn video, Un A thảo luận về lợi ích khi sử dụng bộ đồ ăn bằng đồng của Triều Tiên. Tại một video khác, Un A hào hứng khi tham gia trò cưỡi ngựa trong công viên giải trí.

Kênh Youtube của Un A còn liên kết với một tài khoản Twitter có tên @coldnoodlefan với 8.600 người theo dõi. Dòng giới thiệu dưới ảnh chụp Un A miêu tả chủ nhân của tài khoản là một “người ủng hộ hòa bình” đăng tải "tin tức không thiên vị" về Triều Tiên.

Một số báo nước ngoài cho rằng những tài khoản Youtube và Twitter này có liên kết với truyền thông nhà nước hoặc trực thuộc nhà nước Triều Tiên. Giới phân tích tin rằng những đoạn video này không thể do người dân Triều Tiên tự làm.

“Tôi nghĩ chúng có thể được chính quyền hậu thuẫn. Nhưng tất nhiên, không thể nói là do nhà nước điều hành”, Rachel Minyoung Lee – một nhà phân tích về Triều Tiên của Chính phủ Mỹ - nhận định.

Theo ông Lee, dùng mạng xã hội nước ngoài là một bước ngoặt mới trong chiến lược sử dụng Internet gần 20 năm của Triều Tiên với mục tiêu định hình nhận thức của người nước ngoài về đất nước này. Bình Nhưỡng có thể dùng mô hình này để xóa bỏ định kiến “Triều Tiên là quốc gia nghèo” hoặc “người Triều Tiên không được tự do làm bất kỳ điều gì” trong suy nghĩ của người nước ngoài.

Bên cạnh việc giới thiệu đất nước cho khán giả nước ngoài, những đoạn video của người Triều Tiên còn nhắm tới khán giả Hàn Quốc. Các trang web của Triều Tiên bị cấm truy cập tại Hàn Quốc theo luật an ninh song YouTube thì không.

Trong một tập phát sóng trên kênh Youtube “New DPRK”, người xem được chứng kiến cuộc sống của một gia đình tầng lớp trung lưu tại Bình Nhưỡng. Người mẹ mặc áo khoác dỡ đồ sau khi đi chợ, tặng con gái một đôi giày mới, quần áo và một chiếc cặp hiệu Pine cùng nhiều đồ dùng học tập khác.

Kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành lãnh đạo Triều Tiên năm 2011, ông luôn nhấn mạnh việc nâng cao mức sống của người dân Triều Tiên. Ông hối thúc các nhà máy trong nước sản xuất những mặt hàng mà mọi người thực sự muốn mua, bao gồm cả những mặt hàng của thương hiệu Pine và Dandelion. Nhà phân tích Lee cho biết: “Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng người dân nước mình luôn có một mong muốn những điều tốt đẹp hơn”.

Đối với một vài khán giả, cách thực hiện video giới thiệu về Triều Tiên có phần vụng về hoặc hơi thái quá, song chuyên gia Lee chỉ ra ít nhất nó cũng đã thành công trong việc thu hút khán giả nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc trẻ tuổi.

Đã quá mệt mỏi vì những thông tin về kho vũ khí hạt nhân hay nhân quyền, những khán giả này có thể tò mò muốn xem cuộc sống và giải trí tại Triều Tiên – nơi mà họ chưa từng được đặt chân đến.

“Họ nghĩ họ có thể biết thêm nhiều điều về Triều Tiên thông qua những đoạn video như thế này”, chuyên gia Lee kết luận.

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều