Trung Quốc có thể trở thành hình mẫu ‘xoá sổ’ bệnh sốt rét của thế giới?

Sau 70 năm dập dịch, Trung Quốc đã "xóa sổ" bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng. Giờ đây, nước này đang nỗ lực giúp đỡ các quốc gia trên thế giới chống lại căn bệnh do muỗi truyền, giúp tránh nguy cơ tái bùng phát.
Sốt rét là bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu lây truyền bởi muỗi Anophen cái. Ảnh: Shutterstock 

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Jun Cao, Phó giám đốc Viện Bệnh ký sinh trùng Giang Tô, đã dành cả sự nghiệp của mình cho cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét. Ông cũng là người được chứng kiến thời khắc lịch sử vào đầu năm nay khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Trung Quốc đã “xoá sổ” căn bệnh chết người do muỗi lây truyền.

Nhưng đối với các chuyên gia y tế công cộng như ông Cao, vượt qua cột mốc đó cũng có nghĩa là chuyển sang một giai đoạn mới, khi đó Trung Quốc đóng một vai trò khác: đó là áp dụng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ cuộc chiến chống sốt rét toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Phi và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Châu Phi chiếm 94% số ca sốt rét và tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019. Trong năm đó, ước tính có khoảng 229 triệu ca mắc và 409.000 ca tử vong vì căn bệnh này.

Không chỉ ở châu Phi, Tiểu vùng sông Mekong mở rộng cũng đã trở thành một mối quan tâm lớn sau khi khu vực này xuất hiện một số chủng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.

Ông Cao cho biết: “Chúng tôi từng nhận được sự giúp đỡ và công nghệ từ các nước khác. Nhưng trong những năm gần đây, chúng tôi đã làm việc nhiều hơn với các nước kém phát triển và đảm nhận vai trò chuyển giao công nghệ. Với sự hợp tác trong nước và quốc tế, chúng tôi đã xoá sổ được bệnh sốt rét ở Trung Quốc. Chúng tôi cũng tin rằng kinh nghiệm của mình sẽ giúp đánh bại bệnh sốt rét trên toàn thế giới”.

Trong báo cáo thường niên do Quỹ Bill & Melinda Gates công bố tuần trước, Trung Quốc được ca ngợi không chỉ vì đánh bại được bệnh sốt rét mà còn tiếp tục hỗ trợ các quốc gia khác ngăn chặn căn bệnh này, bao gồm việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm, cung cấp thuốc và dược phẩm chống sốt rét, hỗ trợ Châu Phi thiết lập hệ thống y tế công cộng, tài trợ nguyên vật liệu và hỗ trợ kỹ thuật.

Trung Quốc đã phát triển thuốc Artemisinin vào năm 1972. Giờ đây, liệu pháp phối hợp dựa trên Artemisinin đã trở thành phương pháp điều trị bệnh sốt rét tốt nhất trên thế giới. Viện Khoa học Trung Quốc cũng đang nghiên cứu để tìm ra các loại thuốc mới, an toàn và thân thiện hơn với môi trường hơn, để diệt muỗi nhằm giải quyết vấn đề kháng thuốc.

Các chủng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã được xác định ở Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Ảnh: AP 

Các loại thuốc dựa trên Artemisinin, cùng với các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả khác, đã giúp Trung Quốc giảm tỉ lệ mắc sốt rét từ 30 triệu ca mỗi năm vào những năm 1940 còn 30.000 ca mỗi năm vào cuối những năm 1990.

Hồi năm 2010, Trung Quốc đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia nhằm loại bỏ bệnh sốt rét ở địa phương đến cuối năm 2020. Ngay sau đó, chiến lược giám sát và ứng phó mới - được gọi là cách tiếp cận 1-3-7 - đã được áp dụng trên toàn quốc.

Chiến lược này yêu cầu phát hiện các trường hợp sốt rét trong vòng 1 ngày, cơ sở y tế công cộng địa phương sẽ điều tra dịch tễ trong vòng 3 ngày và các cơ quan chức năng phải có các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn sự lây truyền thêm trong vòng 7 ngày. Nhờ cách tiếp cận này, Trung Quốc đã không ghi nhận bất kỳ trường hợp lây nhiễm địa phương nào kể từ năm 2017.

Ông Scott Filler, người đứng đầu chương trình sốt rét của Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét cho rằng những khu vực có khả năng lây truyền cao có thể áp dụng phương pháp 1-3-7 của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc châu Phi có thể áp dụng chiến lược 1-3-7 hay không do hệ thống chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng cơ bản khác nhau.

Song ông Jun Cao tại Viện Bệnh ký sinh trùng Giang Tô cho rằng kinh nghiệm của Trung Quốc trong các giai đoạn kiểm soát dịch bệnh khác nhau - bao gồm sử dụng thuốc, sự phối hợp của cộng đồng, đào tạo kỹ thuật, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát chung ở các tỉnh có bệnh sốt rét phổ biến nhất - vẫn có thể mang lại lợi ích cho các nước châu Phi.

“Kinh nghiệm quý giá nhất đối với châu Phi là áp dụng các biện pháp phù hợp với điều kiện của từng địa phương và đưa ra hướng dẫn cho các biện pháp khác nhau. Nếu Châu Phi áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc và điều chỉnh nó theo điều kiện của từng khu vực, điều đó sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn”, ông Cao nói.

 Nhân viên phun khử khuẩn tại Ấn Độ trong thời gian phát động chiến dịch chống lại bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và virus Chikungunya, ở New Delhi, hồi tháng 8/2020. Ảnh: EPA-EFE/STR

Giúp đỡ cuộc chiến chống sốt rét toàn cầu cũng đem lại lợi ích cho Trung Quốc, khi nước này ghi nhận khoảng 3.000 ca bệnh nhập khẩu mỗi năm. Ông Filler cũng nhấn mạnh cách tốt nhất để xóa sổ các chủng ký sinh trùng kháng thuốc này là diệt trừ toàn bộ các loài ký sinh trùng gây bệnh. Tuy nhiên, ông thừa nhận để diệt trừ toàn bộ các mầm bệnh sốt rét từ biên giới sang là điều phức tạp. 

“Biên giới được kiểm soát chặt chẽ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhưng khó có thể ngăn chặn muỗi xâm nhập qua biên giới, điều đã trở thành thách thức lớn đối với Trung Quốc. Cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh sốt rét du nhập từ châu Phi. Với mối đe dọa này, sốt rét có khả năng quay trở lại”, ông Cao cảnh báo.

Còn theo ông Cao, tỉ lệ mắc bệnh sốt rét dự kiến sẽ tăng lên đáng kể ngay sau khi dự án kiểm soát bệnh sốt rét chấm dứt, điều này từng xảy ra ở các quốc gia châu Phi cũng như các quốc gia phát triển khác.

“Cách duy nhất để ngăn chặn sự bùng phát trở lại là hợp tác với WHO và Quỹ Toàn cầu để tăng cường kiểm soát bệnh sốt rét, không chỉ ở Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, mà còn ở Trung Phi, để loại bỏ nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại ở Trung Quốc”, ông nói.

Theo Hải Vân/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều