UNESCO công nhận nghệ thuật cà kheo Bỉ là di sản văn hóa phi vật thể

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 16/12, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ghi danh nghệ thuật cà kheo vùng Namur của Bỉ vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 Theo truyền thuyết, truyền thống đi cà kheo có từ thời thành phố thường xuyên bị ngập lụt bởi lũ sông Meuse và Sambre. Ảnh: en.wikipedia.org
Ông Patrick Dessambre, Chủ tịch Hiệp hội cà kheo Namur, vui mừng nhấn mạnh đây là "một con dấu chất lượng và một chứng chỉ của sự tin cậy. Đó là một thành tựu nhưng cũng là một cột mốc quan trọng".

Trong nhiều thế kỷ, nghệ thuật cà kheo được thực hiện nhân dịp các lễ hội lớn của Namur và ngày nay là trong các lễ hội của vùng Wallonia (vùng nói tiếng Pháp).  Theo truyền thuyết, truyền thống đi cà kheo có từ thời thành phố thường xuyên bị ngập lụt bởi lũ sông Meuse và Sambre. Để giữ khô ráo, người dân phải di chuyển trên cà kheo. Dấu vết đầu tiên của việc thực hành đi cà kheo được chính thức xác định trong kho lưu trữ ngày 8/12/1411, trong đó Bá tước Namur cấm thực hành đối với những người trên 13 tuổi.

Hàng năm, trong dịp cuối tuần của lễ hội Wallonia, những người đi cà kheo tham gia một cuộc thi văn hóa dân gian, được tổ chức dưới bóng râm của Nhà thờ St Aubain. Hai đội thi đấu là Mélans (cư dân của khu phố cổ) và Avresses (cư dân của vùng ngoại ô). Đội Mélans có cà kheo màu đen và vàng trong khi đội Avresses có màu đỏ và trắng. Trang phục truyền thống giống nhau cho cả hai đội là màu đỏ và trắng.

Trong cuộc thi đấu, những người tham gia cố gắng hạ gục đối thủ của nhóm khác bằng cách sử dụng các thủ thuật khác nhau như đẩy vai, cùi chỏ,...Mục tiêu là hạ gục tất cả các đối thủ. Một khi đã bị đẩy xuống đất, một vận động viên không thể trở lại cà kheo của mình. Thông thường, trận đấu kết thúc khi một trong hai đội chiếm lĩnh khu đất một mình.

Trong suốt lịch sử, nhiều nhân vật quan trọng được cho là đã tham gia vào cuộc thi đấu truyền thống này ở Namur như các vị hoàng đế Charles V,  Louis XIV, Peter Đại đế của Nga và thậm chí cả Napoléon của Pháp.

Hiện nay, nghệ thuật cà kheo được đưa vào chương trình giáo dục ở các trường học ở Namur. Hiệp hội cà kheo đã tạo ra một bộ công cụ cho giáo viên để dạy học sinh. Từ 6 tuổi, các em có thể tham gia học môn này. Kể từ năm 2018, Hiệp hội cà kheo Namur cũng đào tạo các học viên hỗn hợp với mục tiêu cuối cùng là có thể tổ chức trận thi đấu dành cho nữ đầu tiên trong lịch sử.

Theo Hương Giang (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều