Vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Đan Mạch

(Mặt trận) - Trong những năm vừa qua, vương quốc 5,5 triệu dân Đan Mạch đã liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng “Những quốc gia minh bạch nhất thế  giới” do Tổ chức Transparency International xếp hạng. Ở Đan Mạch, yêu cầu về sự minh bạch không có ngoại lệ, chính vì thế việc phòng và chống tham nhũng của vương quốc này luôn có hiệu quả cao và được nhiều quốc gia khác học tập.

Vương quốc Đan Mạch luôn được đánh giá cao về phòng, chống tham nhũng (Ảnh: Vacation Idea)

Đan Mạch được coi là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, hối lộ và các hành vi tham nhũng khác không là trở ngại đối với kinh doanh. Bộ luật Hình sự Đan Mạch ngăn cấm hối lộ (cả chủ động và thụ động) và hầu hết các hình thức vi phạm tham nhũng khác có trong các công ước chống tham nhũng quốc tế. Không có sự phân biệt giữa hối lộ và các hình thức tặng quà vì mục đích lợi ích.

Đan Mạch có ngành Tư pháp độc lập với các ngành khác của Chính phủ và luôn được đánh giá cao về tính công bằng. Các công ty có đủ sự tin cậy vào tính hiệu quả của khung pháp lý để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh. Các khoản hối lộ hay khoản thanh toán bất thường để đổi lấy những thuận lợi đều không phổ biến trong xã hội Đan Mạch. Việc thực hiện một hợp đồng mất 485 ngày, nhanh hơn đáng kể so với các quốc gia có thu nhập cao khác trong khối OECD. Đan Mạch đã ký Công ước New York năm 1958 và là thành viên của Trung tâm Quốc tế về Giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID). Trong những năm gần đây, không có tranh chấp lớn về đầu tư vào Đan Mạch được ghi nhận.

Cảnh sát Đan Mạch không bị ảnh hưởng bởi tham nhũng, họ nhận được mức độ tin cậy rộng rãi từ các tổ chức và người dân. Độ tin cậy của các dịch vụ an ninh để bảo vệ các công ty khỏi tội phạm được đánh giá rất cao. Chính phủ Đan Mạch có cơ chế hiệu quả để điều tra và trừng phạt việc lạm dụng quyền lực và tham nhũng của cảnh sát. Các cuộc thăm dò ý kiến công khai cho thấy rằng dịch vụ an ninh được coi là dịch vụ ít có dấu hiệu tham nhũng nhất của Đan Mạch.

Bên cạnh đó, Đan Mạch có hệ thống pháp lý, quy định và kế toán minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Các thủ tục được sắp xếp hợp lý, các luật và quy định mới ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh chỉ có hiệu lực hai lần một năm vào ngày 1/1 hoặc ngày 1/7. Phần lớn chính quyền Đan Mạch được phân cấp và việc giải thích luật có thể khác nhau giữa các thành phố và khu vực. Mặc dù, các thủ tục hành chính vẫn bị coi là vấn đề gây khó chịu đối với các tổ chức và cá nhân, chính phủ quan liêu làm việc không hiệu quả có thể là trở ngại đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên các khoản thanh toán bất thường và hối lộ hầu như không xảy ra trong hệ thống công, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh và các dịch vụ liên quan khác. Thời gian cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp tại Đan Mạch chỉ bằng một nửa thời gian so với các quốc gia phát triển khác trong khối OECD. Các doanh nghiệp có thể khởi động công ty trong vòng vài giờ thông qua hệ thống đăng ký “plug’n’play” rất dễ dàng. Thời gian cấp giấy phép xây dựng tại Đan Mạch cũng ít hơn đáng kể so với các quốc gia có thu nhập cao khác trong OECD.

Các công ty thể hiện sự tin tưởng cao đối với các cơ quan công quyền Đan Mạch (Ảnh: Copenhagencvb)

Nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai của Đan Mạch cũng rất thấp. Các công ty hoạt động tại Đan Mạch thể hiện sự tin tưởng cao đối với các quyền sở hữu đất đai và các luật liên quan để bảo vệ quyền lợi của họ. Các công ty ít có khả năng gặp phải trường hợp quan chức đòi hối lộ trong khi tương tác với các dịch vụ đất đai ở Đan Mạch. Các công ty và cá nhân không thuộc EU, không hoạt động tại Đan Mạch trong vòng 5 năm trước đó chỉ có thể mua bất động sản dưới sự cho phép của Bộ Tư pháp Đan Mạch. Việc đăng ký sở hữu đất đai ở Đan Mạch mất ít hơn 1/5 thời gian trung bình cần thiết ở các quốc gia khác trong OECD.

Nguy cơ tham nhũng ở Đan Mạch ở mức trung bình đến thấp. Các công ty báo cáo rằng hối lộ và thanh toán bất thường cực kỳ hiếm khi thực hiện thanh toán thuế hàng năm. Gần một nửa số công ty được khảo sát coi việc gian lận thuế là hành vi tham nhũng phố biến nhất. Một loạt các vụ bê bối liên quan đến quản lý yếu kém trong các cơ quan thuế của Đan Mạch đã được đưa ra ánh sáng trong những năm trước đây. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên mua dữ liệu có liên quan đến hồ sơ Panama để điều tra trốn thuế. Một trường hợp khác đó là ngân hàng lớn nhất Đan Mạch Danske Bank đã bị lôi kéo vào một vụ tham nhũng liên quan đến một quỹ trị giá 2,5 tỷ EUR được sử dụng bởi một số cá nhân người Azerbaijan nhằm gây ảnh hưởng tới các chính trị gia châu Âu và một số công ty lớn. Ngân hàng Danske được cho là đã phá vỡ một số quy định về chống rửa tiền khi bỏ qua một số dấu hiệu cảnh báo bất thường.

Về quản lý hải quan của Đan Mạch cũng ít có nguy cơ tham nhũng. Hệ thống hải quan vận hành hiệu quả, thời gian làm thủ tục hải quan của Đan Mạch được xem là đạt yêu cầu. Thời gian và chi phí cần thiết cho các thủ tục hải quan của quốc gia này cơ bản không đáng kể.

Nguy cơ tham nhũng đến từ các chi phí công của Đan Mạch cũng ở mức trung bình đến thấp. Rất ít doanh nghiệp được khảo sát tin rằng tham nhũng có khả năng ngăn cản công ty của họ thắng thầu công khai hoặc các quan chức có khả năng tỏ ra ưu ái khi quyết định đơn vị thắng thầu. Các dự án đấu thầu công khai, quy mô lớn ở Đan Mạch đều phải tuân thủ các yêu cầu phù hợp với luật pháp của EU. Các công ty có hành vi tham nhũng có thể bị phạt tiền và có thể bị cấm thực hiện các hoạt động thương mại nhất định, tùy thuộc vào tính nghiệm trọng của hành vi phạm tội. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp Nhà nước không phải là mối lo lắng ở Đan Mạch.

Báo chí Đan Mạch có vai trò lớn trong phòng, chống tham nhũng (Ảnh: Business Insider Nordic)

Hình phạt đối với tội hối lộ theo Bộ luật Hình sự Đan Mạch có thể bao gồm phạt tiền và lên đến 6 năm tù. Chính phủ Đan Mạch thi hành luật chống tham nhũng hiệu quả. Không có sự phân biệt giữa hành vi hối lộ với các khoản thanh toán bất thường, các hình thức tặng quà vì mục đích. Sau khi bị OECD chỉ trích các khoản thanh toán tạo thuận lợi, Giám đốc cơ quan công tố của Đan Mạch đã chỉ thị cho tất cả công tố viên coi các khoản này là cấu thành tội phạm hối lộ. Đạo luật về các biện pháp ngăn ngừa rửa tiền và tài trợ khủng bố đòi hỏi các tổ chức tài chính phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho công tố viên liên quan đến tội phạm kinh tế và tội phạm quốc tế.

Hiến pháp của Đan Mạch đảm bảo tư do ngôn luận. Các phương tiện truyền thông của Đan Mạch đóng vai trò trung tâm trong việc phát hiện những vụ bê bối chính trị. Các trường hợp nghi ngờ gian lận thường được các cơ quan truyền thông phát hiện và sau đó các cơ quan công quyền có liên quan vào cuộc.  

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều