Vai trò của lao động nữ trong tăng trưởng GDP toàn cầu

(Mặt trận) - Đàn ông và phụ nữ không có vai trò đại diện ngang nhau trong lực lượng lao động toàn cầu. Mặc dù, chiếm hơn một nửa dân số trưởng thành trên thế giới nhưng phụ nữ không được đánh giá cao trong lực lượng lao động. Tỷ lệ nữ giới lao động thấp hơn so với nam giới ở hầu hết các quốc gia, điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng GDP.

Tỷ lệ lao động nữ thấp hơn sơ với lao động nam ở hầu hết các quốc gia (Ảnh: Medium)

Theo thống kế trên toàn cầu, trong năm 2018, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 48,5%, giảm từ 51,4% vào năm 1990. Có nhiều lý do khiến phụ nữ có thể bị từ chối hay gặp phải rào cản khi theo đuổi các cơ hội tìm việc làm chính thức như chăm sóc trẻ và các thành viên trong gia đình, hay tham gia vào hoạt động sản xuất nằm ngoài thị trường lao động chính thức. Bên cạnh đó, luật pháp, các chuẩn mực văn hóa và sự phân biệt đối xử cũng làm giới hạn cơ hội có việc làm của phụ nữ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, sự bình đẳng giới tăng lên là một tiềm năng tích cực cho sự gia tăng của phụ nữ trong thị trường lao động chính thức. Ngân hàng Thế giới đã gợi ý rằng cải thiện bình đẳng giới làm tăng sự ổn định chính trị và giảm khả năng xảy ra các xung đột bạo lực.

Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động với tỷ lệ khác nhau trên khắp thế giới. Tại Australia, tỷ lệ lao động nữ đạt mức cao nhất được ghi nhận vào tháng 1/2018 là 60,5%. Tại Canada, có 61,5% phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Tại Liên minh châu Âu thì gần một nửa (47,7%) phụ nữ được tuyển dụng trong năm. Tại Ấn Độ, tỷ lệ này đã giảm từ 35,1% năm 1990 xuống còn 27,2%. Phụ nữ Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động tăng từ 48,4% năm 2005 lên 51,1%.

Phụ nữ ở nhiều quốc gia kém phát triển phải lao động trong môi trường không đảm bảo (Ảnh: Financial Express)

Tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng tạo cơ hội cho các quốc gia gia tăng quy mô lao động, đồng thời thêm giá trị cho tăng trưởng kinh tế. Để xem xét tầm quan trọng của phụ nữ đối với tăng trưởng GDP, cần biết tỷ lệ phụ nữ trưởng thành đang tham gia vào thị trường lao động ở mỗi quốc gia. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động phản ánh số người trưởng thành đang có việc làm hoặc đang tìm việc làm được coi là thành phần cơ bản trong tổng sản lượng kinh tế của một quốc gia. Ví dụ, nếu nhân lực của hai quốc gia có năng suất lao động như nhau nhưng hai quốc gia này khác nhau về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động trên dân số thì quốc gia nào có tỷ lệ người lao động nhiều hơn sẽ tạo ra sản lượng kinh tế lớn hơn. Do đó, nếu quốc gia nào tăng số lượng nữ giới trong lực lượng lao động sẽ có khả năng tăng sản lượng kinh tế.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới cao nhất ở các quốc gia có thu nhập đầu người thấp nơi mà phụ nữ tham gia lao động để chi trả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, khi GDP tăng, một số phụ nữ có thể lựa chọn dành thời gian đó cho các hoạt động bên ngoài thị trường lao động. Ví dụ, một số phụ nữ chọn ở nhà để chăm sóc gia đình, con cái hay nhiều người khác đang đi học có thể sẽ tiếp tục học lên cao hơn để phát triển năng lực nhằm tăng năng suất lao động khi họ tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế giữa các quốc gia có GDP thấp thường xuất phát từ việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa. Điều này làm thay đổi số lượng và tính chất công việc dành cho phụ nữ. Sự tham gia của lực lượng lao động nữ cũng có thể giảm vì sự kỳ thị liên quan đến việc phụ nữ làm việc công sở trong môi trường công nghiệp.

Ngược lại, ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao - nơi mà sự tham gia của lao động nữ sẽ tăng theo GDP. Khi phụ nữ có trình độ học vấn và kỹ năng cao hơn, tỷ lệ sinh thấp thì số lượng việc làm của phụ nữ ở những vị trí nhân viên văn phòng cũng tăng và họ không gặp phải bất kỳ rào cản xã hội nào. Ngoài ra, nếu năng suất trên mỗi lao động không đổi thì sự gia tăng tỷ lệ người trưởng thành tham gia lao động bởi việc gia tăng số lao động nữ cũng trực tiếp làm tăng GDP bình quân đầu người ở các quốc gia này.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng, nếu phụ nữ đóng góp vào GDP với tốc độ tương đương nam giới thì họ có thể thêm 28 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu đến năm 2025. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng, để đạt được sự bình đẳng giới hoàn toàn trong vòng một thập kỷ là không thể. Để ước tính thực tế hơn, các nhà kinh tế đánh giá rằng nếu tỷ lệ lao động nữ ở mỗi quốc gia tăng cùng tốc độ với quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực thì GDP toàn cầu có thể tăng 12 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm. Điều này tương đương với việc thêm 1 điểm phần trăm mỗi năm vào tăng trưởng GDP toàn cầu.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng việc giảm 25% khoảng cách về giới sẽ giúp tăng GDP toàn cầu thêm 5,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Phần lớn sự gia tăng này được cho là sẽ xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi, nơi mà bất bình đẳng giới còn lớn. Tốc độ tăng trưởng này phản ánh sự thay đổi từ hoạt động sản xuất tại nhà của phụ nữ (không nằm trong GDP) sang các hoạt động trên thị trường lao động (nằm trong GDP).

Các phân tích chỉ ra rằng, có rất nhiều vị trí công việc dành cho phụ nữ trên thị trường lao động đem lại sự tăng trưởng kinh tế. Bằng cách xem xét tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động, con đường phát triển kinh tế của từng quốc gia, các cơ hội phát triển dành cho phụ nữ cũng như chuẩn mực xã hội, luật pháp và chính sách chúng ta có thể hiểu rõ hơn về con đường để đưa phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Lao động nữ tại Việt Nam vẫn chịu sự phân biệt đối xử (Ảnh: Bloomberg)

Tại Việt Nam, lao động nữ tham gia thị trường lao động chiếm tỷ lệ cao, 49%, nhưng tiềm năng của lực lượng lao động này vẫn chưa được phát huy tối đa do sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong cơ hội việc làm, quyền lựa chọn công việc, các gánh nặng không cân xứng trong trách nhiệm chăm sóc gia đình và những nguyên nhân khác. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo chiếm 81,6% đang đối mặt với nhiều thách thức. Phụ nữ chưa qua đào tạo làm các công việc giản đơn, tập trung ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, có tôn giáo, nhóm học vấn thấp, thuộc nhóm dân tộc ít người, nhóm người sống ở nông thôn, khu vực miền núi.

Theo khảo sát, với công việc có cùng trình độ, thu nhập trung bình của lao động nữ tại Việt Nam luôn thấp hơn nam giới 10,7%. Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao.  Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong việc hoạch định và hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ, mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ, tạo điều kiện trao đổi cởi mở các ý tưởng với phụ nữ, nâng cao tính minh bạch trong hoạch định chính sách.       

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều