Vai trò của phụ nữ trong sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á

(Mặt trận) - Sự tiến bộ của phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh, cải thiện hiệu quả kinh tế và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, đều dẫn tới thúc đẩy GDP tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong 50 năm tới, hầu hết tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới được dự đoán sẽ diễn ra bên ngoài các nước G7. Vậy, ai sẽ là động lực cho sự tăng trưởng này? Nhiều câu trả lời đã đề cập đến vai trò của phụ nữ.

Phụ nữ chiếm 40% lực lượng lao động toàn cầu (Ảnh: World Finance)

Hơn 50 năm trước, Charlotte Whitton, một nhà nữ quyền và là nữ thị trưởng đầu tiên của một thành phố lớn ở Canada đã nói rằng: “Bất cứ công việc nào phụ nữ đảm nhiệm, họ phải làm gấp hai lần nam giới để được công nhận”.

Phụ nữ chiếm 40% lực lượng lao động toàn cầu và họ cũng là đối tượng tiêu dùng chính trên thị trường bởi họ thực hiện phần lớn các quyết định mua hàng của các hộ gia đình.

Mặc dù bình đẳng giới được ca ngợi là một yếu tố quan trọng trong một nền kinh tế thông minh và đóng vai trò không thể thiếu để phát triển đầy đủ tiềm năng của một tổ chức, nhưng việc trao quyền cho phụ nữ vẫn còn chậm chạp, đặc biệt ở một số khu vực trên thế giới như châu Á. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ chủ chốt như dệt may, may mặc, hành chính văn phòng và trung tâm chăm sóc khách hàng. Do cả lợi ích về tài chính và xã hội của việc cho vay vốn, hỗ trợ phụ nữ, hầu hết các tổ chức tín dụng vi mô đều nhắm vào đối tượng này. Đồng thời một nửa số dân di cư trên thế giới là phụ nữ cũng đóng góp đáng kể vào nền kinh tế châu Á bằng cách chuyển những khoản thu nhập của họ về nhà.

Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến trong khu vực này. Nhiều phụ nữ châu Á vẫn chưa được tiếp cận với giáo dục cơ bản, không được góp ý kiến vào việc đưa ra quyết định ở chính gia đình và nơi họ làm việc. Hơn thế nữa, phụ nữ cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bắt đầu khởi nghiệp.

Mặc dù nhiều nền kinh tế châu Á đang tăng trưởng bùng nổ nhưng vẫn có rất ít phụ nữ có chỗ đứng trong những vai trò mang tính quyết định về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ châu Á đã tăng đều đặn, trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016 do Forbes bình chọn, có đến 24 phụ nữ châu Á, đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Việt Nam… Mặc dù có nhiều yếu tố văn hóa cần xem xét ở mỗi quốc gia, nhưng sự gia tăng số phụ nữ châu Á trong danh sách này là một dấu hiệu tiến bộ. Nó cho thấy một sự chuyển đổi lớn đang diễn ra và phụ nữ có thể đạt được thành công bằng cách hỗ trợ và cố vấn lẫn nhau trên con đường phát triển.

Phụ nữ ASEAN trong thời đại mới (Ảnh: Asean.org)

Tại khu vực Đông Nam Á, phụ nữ ở các thị trường đang phát triển như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đã có những bước tiến trong giáo dục. Từ báo cáo của MasterCard Index về Sự tiến bộ của phụ nữ năm 2016, có thể thấy hiện nay, phụ nữ ở khu vực ASEAN đã tham gia học đại học nhiều hơn nam giới.

Tuy nhiên, cũng tại các thị trường đang phát triển này, bất chấp sự đa dạng của các nền văn hóa, vẫn còn một nghịch lý đang tồn tại, ngăn cản phụ nữ đạt được tất cả những tiềm năng kinh tế của họ. Phụ nữ ở khu vực ASEAN thường thể hiện năng lực tốt hơn nam giới, nhưng số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động lại ít hơn. Ngay cả ở thị trường phát triển như Singapore, tỷ lệ nữ giới đi làm là 89%, nhưng phụ nữ vẫn bị hạn chế ở nơi làm việc. Họ nhận được ít hơn so với những nỗ lực của họ. Trung bình, thu nhập của phụ nữ thấp hơn 10% so với nam giới ở cùng một vị trí công việc trong đa số các ngành công nghiệp.

Mặc dù, năng lực đã được chứng minh nhưng phụ nữ khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển nguồn “tài sản tri thức” của họ thành sự trao quyền tài chính và kinh tế. Họ thường phải làm những công việc phi chính thức mà không được bảo vệ pháp lý hoặc nhận được trợ cấp việc làm. Tại Singapore, phụ nữ không chỉ có thu nhập thấp hơn nam giới mà cứ 10 người thì có 1 người có việc làm không chính thức.

Bên cạnh đó, việc đầu tư quá ít cho phụ nữ có năng lực cũng làm giảm chất lượng lao động và cản trở khả năng tăng trưởng tính cạnh tranh. Theo báo cáo về Các vấn đề của phụ nữ năm 2014 của McKinsey, nếu mỗi quốc gia có tiến trình cân bằng giới phù hợp thì GDP toàn cầu có thể tăng 12 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế châu Á có thể tăng trưởng 30% thu nhập bình quân đầu người cho một thế hệ nếu sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động tăng từ 57,7% lên 66,2%.

10 quốc gia thuộc khu vực ASEAN vẫn còn nhiều cơ hội để vượt qua cuộc hành trình tiến tới sự cân bằng giới, một mục tiêu chỉ có thể đạt được nếu nó được xem là ưu tiên cấp quốc gia. Tuy nhiên, nỗ lực này khó có thể thực hiện khi chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân.

Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách có thể thu hẹp khoảng cách về giới bằng cách thực thi chặt chẽ luật về bình đẳng giới cùng với những luật chống phân biệt đối xử hoặc quấy rối nơi làm việc. Khu vực tư nhân cần giải quyết các vấn đề văn hóa và tổ chức vốn đang tạo ra sự ngăn cản phụ nữ thăng tiến lên hàng ngũ lãnh đạo.

Phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau chính là chìa khóa tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á (Ảnh: Bloomberg)

Phụ nữ ngày nay hiểu rằng, việc cân bằng giữa công việc và vai trò của phụ nữ truyền thống trong chăm sóc gia đình, con cái là một cuộc đấu tranh liên tục trên toàn thế giới. Phụ nữ cần giúp đỡ, hướng dẫn và hỗ trợ lẫn nhau để điều hướng những thách thức này trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. “Phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau” chính là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á.

Một ví dụ điển hình của hình thức tư vấn này đã được thực hiện tại DuPont, Nhật Bản, nơi có một mạng lưới liên kết phụ nữ đã tồn tại 10 năm qua. Mạng lưới này được hình thành từ một sáng kiến được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ phụ nữ trẻ đạt đến những vị trí cao trong công ty. Diane Gulyas, Chủ tịch của DuPont Performance Polymers đã gặp gỡ nhóm phụ nữ nòng cốt ở Nhật Bản từng làm việc tại DuPont trong hơn 25 năm qua, để lắng nghe họ chia sẻ những suy nghĩ về những việc cần làm để đạt được những vị trí hàng đầu. Bà nhận định rằng, mặc dù Nhật Bản ngày nay đã rất khác so với 10 năm trước, nhưng phụ nữ Nhật Bản vẫn có rất nhiều thứ để chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau đạt thành công trong công việc. Những sự thay đổi về văn hóa ở cả đàn ông và phụ nữ để thích ứng với một trật tự thế giới mới đã phản ánh rằng lực lượng lao động nữ đóng góp vai trò quan trọng vào sự thịnh vượng của nền kinh tế thế giới.

Phụ nữ có thể chia sẻ với nhau về cách họ sử dụng các khoản tín dụng vi mô (các khoản vay nhỏ) để bắt đầu công việc kinh doanh. Phụ nữ có thể làm việc cùng nhau để thúc đẩy sự thay đổi trong giáo dục cho trẻ em gái, đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ, dẫn đến tăng trưởng kinh tế to lớn hơn.

Khi các công ty vừa và nhỏ ở khắp châu Á đã mở rộng trên phạm vi toàn cầu thì họ cần đầu tư nhiều hơn và giải quyết những vấn đề quan trọng đối với phụ nữ để phụ nữ có thể tham gia đầy đủ vào đội ngũ lãnh đạo thế hệ tiếp theo. Điều này cũng đòi hỏi sự thay đổi bối cảnh văn hóa của các tổ chức đối với các sáng kiến lãnh đạo của phụ nữ. Những thay đổi văn hóa như vậy có thể xảy ra và có sự tùy chỉnh theo từng quốc gia.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều