Video độc giả tự tạo - Cú hích phát triển nền tảng số của báo chí

Mang lợi thế nhanh chóng và đáng tin cậy, video UCG – video với nội dung do người dùng tự tạo đã trở thành một công cụ đắc lực cho các hãng truyền thông trong việc đưa những dòng sự kiện tin tức nóng hổi mà chưa thể tiếp cận ngay với hiện trường.

Sự ra đời của các "nhà báo công dân" 

 Với một chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể ghi lại ngay khoảnh khắc diễn ra của một sự kiện nóng hổi.
Với sự phổ biến rộng rãi của các nền tảng xã hội, quá trình thu thập, tạo dựng và phân phối thông tin không còn là công việc độc quyền của các nhà báo và các hãng truyền thông chuyên nghiệp. Giờ đây, chỉ bằng một chiếc điện thọai thông minh, mọi công dân đều có thể biến thành người đưa tin.

Trải qua thời gian, phương tiện làm báo đã thay đổi khi một người dân bình thường gần như có thể sở hữu đầy đủ công cụ mà một nhà báo hay phóng viên trước đây mới có. Cụ thể ở đây là chiếc điện thoại thông minh mà bất kỳ ai cũng mang theo trong túi. Nó là một thiết bị đa chức năng và linh hoạt, có thể quay video và chụp ảnh, hoạt động như một máy ghi âm và công cụ chỉnh sửa, cũng như có thể thực hiện phát trực tiếp, tải lên nội dung trong thời gian thực, đồng thời cho phép tương tác với những người dùng khác. Công nghệ đã góp phần quan trọng mở ra cánh cửa cho sự tham gia trực tiếp của người dân vào việc sản xuất thông tin.

Sự nổi lên của hình thức “báo chí di động” trên trở nên đặc biệt rõ ràng khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố như vụ đánh bom ở London năm 2005, vụ tấn công bằng dao tại Paris năm 2015 hoặc trong trường hợp thiên tai nghiêm trọng như trận động đất ở Haiti năm 2010.

Về phía các hãng truyền thông chính thống, việc sử dụng những đoạn video “tận mắt chứng kiến” không qua chỉnh sửa với nội dung do người dân tự quay, tự chụp góp phần nâng cao mức độ tin cậy và tính chân thực của thông tin, đặc biệt là trong bối cảnh độc giả không còn quá tin tưởng vào những bài viết đăng trên các báo hay đài truyền hình.

Năm 2020 là thời điểm cho thấy mọi người đang trở nên không tin tưởng vào tin tức, chủ yếu là do sự xuất hiện tràn lan của các thông tin sai lệch về một số sự kiện lớn trên thế giới trong đó có cuộc bầu cử Mỹ và dịch bệnh COVID-19. Độc giả coi UCG mang tính xác thực hơn 2,4 lần so với nội dung của những hãng truyền thông có thương hiệu.

Mô hình hoạt động UCG của các hãng truyền thông

Đài truyền hình BBC là đơn vị thông tin đi tiên phong trong xu hướng sử dụng video do người dùng tự tạo. Tháng 4/2005, BBC đã thành lập một nhóm thí điểm nội dung do người dùng tạo với vỏn vẹn 3 nhân viên. Sau vụ khủng bố đẫm máu tại London ngày 7/7 và sự kiện nổ kho nhiên liệu Buncefield, đội ngũ này đã được mở rộng để tiếp nhận nội dung từ độc giả. Trong thảm họa Buncefield, BBC đã nhận được hơn 5.000 bức ảnh từ người xem.

Với thành công ban đầu, trang web chính thức của BBC đã mở hẳn một chuyên mục riêng có tên “Nói lên tiếng nói của bạn”, qua đó độc giả có thể chia sẻ nội dung thông qua ứng dụng Twitter, Whatsapp hoặc trực tiếp bằng tải lên cổng thông tin. Bất kỳ người dùng nào trên 13 tuổi đều có thể đăng ký chia sẻ tin tức, hình ảnh, video đơn giản bằng cách cung cấp địa chỉ e-mail hoặc thông qua Facebook và các mạng xã hội khác để tải nội dung lên trang web.

 Với nền tảng iReport, độc giả có thể chia sẻ câu chuyện, hình ảnh của mình lên CNN.
Năm 2006, CNN ra mắt CNN iReport - một dự án được thiết kế để tiếp nhận nội dung tin tức do người dùng tạo. iReport là một giao diện đa nền tảng cho phép người dùng đóng góp video, hình ảnh và văn bản lên trang web chính CNN. Trung bình mỗi ngày iReport nhận được 500 bài viết, hình ảnh và video.

Đài France 24 của Pháp là hãng truyền thông duy nhất có hẳn một chương trình phát sóng riêng biệt với hai phiên bản - hàng tuần và hàng tháng để trình chiếu những nội dung do độc giả tự tạo và gửi đến. Chương trình có tên gọi “Les Obsevateurs”. Bên cạnh chương trình truyền hình, Les Obsevateurs còn có một trang web hợp tác đa ngôn ngữ với 4 thứ tiếng, gồm tiêng Anh, tiếng Pháp, tiếng Arab và tiếng Ba Tư, đăng tải những nội dung mà người dùng đóng góp.

Năm 2008, hãng truyền thông quốc tế Al Jazeera trụ sở tại Qatar mở một nền tảng dành riêng cho các “nhà báo công dân” có tên gọi “Sharek”. Trong tiếng Arab, Shareck có nghĩa là đóng góp hoặc chia sẻ. Vào thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng cách mạng “Mùa xuân Arab”, Sharek nhận được tới 1.600 video mỗi ngày. Điều này đã thúc đẩy hãng truyền thông làm việc để đổi mới nền tảng. Năm 2012, trang web xuất hiện trở lại được nâng cao các tính năng mới như ghi lại webcam và phát trực tiếp từ điện thoại di động.

Quy trình xác thực và vấn đề bản quyền

 Vụ nổ được ghi lại qua camera trên xe ô tô của cảnh sát trở thành tài liệu để báo chí khai thác.
Tại đài France 24, một đội phóng viên sẽ có nhiệm vụ liên hệ trực tiếp với tác giả của các bức ảnh, video đăng trên mạng xã hội hoặc nền tảng website để xác minh tính xác thực và xin phép sử dụng cho bản tin.

Trong khi đó, đối với đa nền tảng iRerort của CNN, bất kỳ video nào được xuất bản lần đầu đều có gắn một biểu ngữ với dòng chữ “Chưa được xác thực bởi CNN”. Một nhóm kiểm duyệt sẽ phụ trách kiểm tra nội dung đã xuất bản và lược đi những tài liệu không phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có thể chọn các nội dung thú vị và đưa vào bản tin phát sóng của kênh. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nội dung và xác minh không được tiết lộ. Khi một đoạn video được chọn, dòng chữ “Chưa được xác thực bởi CNN” sẽ biến mất và được thay thế bằng ký kiệu “CNN iReport” màu đỏ, cho phép người xem biết rằng hình ảnh hay video đã được hãng xác thực.

Phương thức hoạt động của Sharek tương đối giống với iReport của CNN, ngoại trừ việc nội dung trên trang luôn được sàng lọc trước khi xuất bản. Chỉ những độc giả đóng góp thường xuyên mới được “công nhận” và có thể ấn nút xuất bản mà không qua kiểm duyệt. Tuy nhiên, các tiêu chí để xác minh luôn được giữ kín.

Trước khi đăng ký để được chia sẻ thông tin, độc giả đều phải đồng ý tuân thủ quy định và chính sách của các trang web. Một trong những chính sách mà các hãng truyền thông đưa ra là độc giả sẽ bị mất bản quyền hình ảnh hay video một khi chia sẻ. Cho đến thời điểm hiện tại, cả BBC, France 24 và CNN đều tuyên bố quyền “kiểm tra, sửa đổi, xóa hoặc quyết định không hiển thị” tài liệu do độc giả cung cấp và được phép sử dụng tài liệu đó cho bất kỳ phương tiện nào (bao gồm TV, raddi, Internet) vô thời hạn mà không phải trả tiền.

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều