Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Mốc son lịch sử ​

Tại Liên hợp quốc, mỗi nước thành viên đều có một hiện vật biểu tượng của quốc gia để trưng bày tại trụ sở chính ở New York (Mỹ). Và vì vậy, phiên bản trống đồng Ngọc Lũ của Việt Nam được lựa chọn để trưng bày tại đây. Nhưng điều đặc biệt là biểu tượng của Việt Nam được đặt ở ngay lối vào tòa nhà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một vị trí trang trọng bậc nhất tại trụ sở của một tổ chức có ảnh hưởng lớn tới hòa bình và an ninh thế giới. Đây thực sự là niềm vinh dự, thành quả của quá trình tranh đấu gian nan, cũng như những đóng góp không ngừng nghỉ của Việt Nam.

40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Hơn 30 năm kiên trì đấu tranh

Liên hợp quốc chính thức được thành lập ngày 24-10-1945, ngay sau khi nhân loại thoát khỏi sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh thế giới thứ hai với sứ mệnh cao cả được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc, đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới cùng mục đích hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người. Với ý nghĩa đó, sự ra đời của Liên hợp quốc có giá trị như một bước ngoặt trong lịch sử, mang lại những biến đổi to lớn cho hòa bình và tiến bộ chung của nhân loại.

Việt Nam có nguyện vọng tham gia Liên hợp quốc từ rất sớm, chỉ 4 ngày sau khi tổ chức này họp khóa đầu tiên, ngày 10-01-1946 tại thủ đô London (Anh). Ngày 14-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc. Tuy nhiên, phải đợi 31 năm sau, qua bao thăng trầm của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, ngày 20-9-1977, đúng 9 giờ sáng tại tòa sảnh chính của trụ sở Liên hợp quốc, lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của Liên hợp quốc.

Để có được điều này, trước đó, ngày 27-01-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, khẳng định “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”. Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Theo lời kể của ông Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao, người trực tiếp tham gia đoàn miền Bắc và miền Nam Việt Nam sang New York (Mỹ) tháng 7-1975 để vận động tham gia Liên hợp quốc, khi đó các nước đều hoan nghênh và ủng hộ hai miền Việt Nam tham gia Liên hợp quốc. Một Nghị quyết được 123 nước bỏ phiếu thuận, không phiếu chống, Mỹ và một số nước theo Mỹ bỏ phiếu trắng, đề nghị Hội đồng Bảo an “xem xét lại ngay và thuận lợi việc Việt Nam tham gia Liên hợp quốc”. Tuy nhiên, tại Hội đồng Bảo an, đại biểu Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an để ngăn cản. Dù chưa được là thành viên chính thức của Liên hợp quốc trong năm đó, nhưng Việt Nam vẫn được Đại Hội đồng Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tiếp tục hai năm kiên trì vận động sau đó, Việt Nam chính thức vượt qua được các rào cản để trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.

Bốn mươi năm đóng góp tích cực

Trải qua 72 năm phát triển, Liên hợp quốc đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu hết các quốc gia độc lập trên thế giới. Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên, là tổ chức có vai trò hàng đầu trong ngăn ngừa, giải quyết các cuộc xung đột, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình, xây dựng một thế giới phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột: hòa bình - an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người. Liên hợp quốc cũng đảm nhiệm ngày càng tốt hơn vai trò trung tâm trong xây dựng hệ thống các quy định, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thúc đẩy giải quyết các thách thức toàn cầu, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo, hỗ trợ phát triển cho các nước nghèo và kém phát triển.

Kể từ khi chính thức gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm. Việt Nam luôn chủ động và có nhiều đóng góp thiết thực vào các hoạt động của Liên hợp quốc với sự tham gia ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam được các nước thành viên tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc cho thấy vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam - một quốc gia đang phát triển năng động, chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm giải quyết các thách thức của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu tiêu biểu của sự hợp tác phát triển giữa các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc và các nước thành viên.

Nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996.

Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2000, năm 2005, năm 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, năm 2003...

Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đó là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ năm 1997; thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 1997 - 1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc tháng 5-2000; bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa tháng 10-2001; Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2003.

Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số Liên hợp quốc; thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Tháng 6-2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác 3 bên (ban đầu giữa Việt Nam, FAO, Senegal về trồng lúa) đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam. Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc” được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.

Trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất Hành động - Một Liên hợp quốc, một Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc lần đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội. Đây là ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam. Dự kiến, Chương trình hợp tác giai đoạn 2017 - 2021, Liên hợp quốc sẽ tập trung hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Hình mẫu hợp tác vì hòa bình, phát triển

Hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa và nhân đạo. Sự hợp tác đã giúp Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, khi Việt Nam đứng trước bao khó khăn, thách thức, Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam khắc phục một phần khó khăn về kinh tế - xã hội, tái thiết cơ sở hạ tầng sau chiến tranh để đáp ứng nhu cầu tái thiết, phát triển của Việt Nam. Các tổ chức Liên hợp quốc đã cung cấp viện trợ không hoàn lại nhằm tài trợ cho các dự án tiền đầu tư và nhập các vật tư, trang thiết bị thiết yếu, giúp giải quyết hậu quả của chiến tranh, thiên tai, hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em..., tạo cơ sở quan trọng về năng lực thể chế, khoa học kỹ thuật cho những năm đổi mới sau này của Việt Nam.

Hiện nay, hệ thống phát triển của Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực cấp thiết trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như bảo đảm phát triển bền vững và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam, giúp nâng cao năng lực, thể chế luật pháp, cải cách hành chính, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường…, cũng như đối phó với nhiều vấn đề xã hội phức tạp như phòng chống ma túy, bệnh dịch HIV/AIDS, dịch bệnh khác, thiên tai… Nguồn vốn, tri thức, kinh nghiệm từ hệ thống điều phối viên và tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chính là một trong những nguồn ngoại lực quan trọng giúp Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ, trong đó có việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra.

Nhân dân Việt Nam ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của Liên hợp quốc, sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các cá nhân đối với mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc. Việc phát triển quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc cũng là một nội dung quan trọng của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, theo đó, Việt Nam cam kết duy trì đóng góp tích cực vào việc thực hiện các sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc.

Theo Minh Duy/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều