Việt Nam trúng cử Hội đồng Khai thác Bưu chính thế giới

Trong khuôn khổ Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ 27 được tổ chức tại Abidjan (Bờ biển Ngà), đại diện 192 nước thành viên đã biểu quyết để bầu ra các thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính thế giới (POC) nhiệm kỳ 2022-2025. Với tỷ lệ phiếu bầu cao, Việt Nam là 1 trong 48 nước trúng cử vào Hội đồng.
 Toàn cảnh Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ 27.
Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới lần thứ 27 diễn ra từ ngày 9 đến 27/8. Đây là cơ quan cao nhất của UPU, được triệu tập 4 năm/lần với sự tham dự của đại diện các nước thành viên.

Chính thức gia nhập UPU từ năm 1976, Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế quốc gia trong cộng đồng bưu chính thế giới thông qua 4 nhiệm kỳ tham gia tích cực các hoạt động của Liên minh trên cương vị là Thành viên Hội đồng Điều hành (CA). Vượt qua sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc bầu cử tại Đại hội UPU 27, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Khai thác Bưu chính thế giới (POC) nhiệm kỳ 2022-2025.

Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự ghi nhận của UPU cũng như các nước thành viên về những đóng góp tích cực của Bưu chính Việt Nam vào sự phát triển chung của bưu chính thế giới thời gian qua. Đồng thời, thể hiện sự tham gia tiếp nối của Việt Nam trong các hoạt động chung của UPU, đặc biệt trong xu hướng thương mại điện tử và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới hiện nay.

Việc Việt Nam trở thành thành viên của POC là cơ hội cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát huy vai trò của 1 doanh nghiệp bưu chính quốc gia trong việc tham gia sâu rộng vào các hoạt động chuyên môn của UPU tại nhiệm kỳ mới, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của bưu chính Việt Nam khi có thể đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng các chính sách về nghiệp vụ quốc tế cũng như về chính sách nghiệp vụ hợp lý bảo đảm quyền lợi cho các nước đang phát triển.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có Bưu điện Việt Nam tiếp cận sâu các hoạt động của Hội đồng POC, cập nhật thêm nhiều nguồn thông tin, xu hướng phát triển của bưu chính thế giới để công tác triển khai các hoạt động bưu chính quốc gia thêm phần hiệu quả. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước thành viên trong Hội đồng POC, cũng như trong Liên minh, tạo cơ hội đẩy mạnh và thu hút các hoạt động hợp tác, hỗ trợ dự án để cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, mạng lưới bưu chính.

Tại Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới lần thứ 27, bên cạnh việc tích cực tham gia xây dựng và có nhiều đóng góp về nội dung trong các ủy ban, nhóm công tác chuyên trách của Hội đồng Điều hành (CA) và các hoạt động chung của UPU, đoàn Việt Nam còn tiến hành các hoạt động vận động ứng cử thông qua các kênh chuyên ngành, kênh ngoại giao. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Ngoại giao trong suốt thời gian qua có thể xem là yếu tố quan trọng, góp phần vào thành công của Việt Nam tại Đại hội lần này.

Theo THÁI LINH/Báo Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều