Xả súng tại giáo đường Do Thái ở Mỹ: Vẫn nhức nhối bạo lực súng đạn

Ít nhất 11 người thiệt mạng và 6 người bị thương, trong đó có 4 cảnh sát, trong vụ xả súng tại giáo đường Do Thái ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, ngày 27.10. Vụ xả súng tiếp tục làm dấy lên tranh cãi về kiểm soát súng đạn ở Mỹ, trong bối cảnh bạo lực súng đạn xảy ra như “cơm bữa”.

Xả súng đẫm máu nhất nhằm vào người Do Thái

Vụ xả súng xảy ra trước 10 giờ sáng ngày 27.10 (theo giờ Mỹ) tại giáo đường Tree of Life ở khu dân cư Squirrel Hill, thành phố Pittsburg. Kẻ tấn công đã xông vào giáo đường và hét lớn “Tất cả người Do Thái phải chết” trước khi xả súng vào các tín đồ Do Thái có mặt tại đây. Ước tính, khoảng 30 - 40 tín đồ Do Thái có mặt tại giáo đường, để tham dự lễ Sabbath - lễ đặt tên tiếng Hebrew cho em bé, Văn phòng Tư pháp bang Pennsylvania cho biết.

Ngay khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, nghi phạm đã giao tranh với cảnh sát, trước khi rút lui và giam mình trong một căn phòng trên tầng ba của giáo đường. Trong quá trình giao tranh, tên này đã bị vài phát đạn. Cảnh sát sau đó đã nhanh chóng bắt giữ nghi phạm và đưa đi điều trị vết thương tại bệnh viện của Đại học Pittsburgh.

Nghi phạm được xác định danh tính là Robert D.Bowers, 46 tuổi, chưa có tiền án hình sự. Theo hãng tin AP, Bowers đã thể hiện quan điểm chống Do Thái cực đoan trên mạng xã hội Gab. Các quan chức liên bang cho biết, nghi phạm Bowers đối mặt với 29 tội danh hình sự, trong đó có tội cản trở quyền tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và tội sử dụng vũ khí để giết người.

Squirrel Hill là một trong những khu vực tập trung đông người Do Thái hiếm hoi nằm giữa thành thị ở Mỹ. Liên đoàn Chống phỉ báng, một tổ chức phi chính phủ chống chủ nghĩa bài Do Thái ở Mỹ cho biết, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào cộng đồng Do Thái trong lịch sử Mỹ. Giám đốc An ninh Công cộng Pittsburgh Wendell Hissrich mô tả, hiện trường vụ xả súng là một trong những hiện trường tồi tệ nhất từng chứng kiến.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịch liệt lên án hành động bạo lực nhằm vào cộng đồng Do Thái ở Mỹ, đồng thời kêu gọi mức án tử hình đối với thủ phạm gây ra vụ xả súng tại giáo đường Tree of Life.

 Hiện trường vụ xả súng tại giáo đường Do Thái. Nguồn: AP

Gia tăng tranh cãi trên chính trường

Cảnh sát cho hay, nghi phạm Bowers đã mang một khẩu súng trường AR-15 và ít nhất 3 khẩu súng ngắn để gây án. Theo Mike Doyle, dân biểu đại diện cho khu vực bầu cử số 14 của bang Pennsylvania, nơi giáo đường Do thái trực thuộc, Bowers có tổng cộng 21 khẩu súng được đăng ký dưới tên của y. Vụ xả súng vừa qua đã lập tức làm dấy lên tranh cãi lâu nay về vấn đề kiểm soát súng đạn ở Mỹ, trong bối cảnh bạo lực súng đạn tiếp tục là vấn đề nhức nhối trong xã hội nước này. Tàng trữ và sử dụng súng là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp Mỹ công nhận. Theo Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, được QH nước này thông qua ngày 15.12.1791, người dân có quyền giữ và mang vũ khí mà không vi phạm luật pháp.

Tổng thống Donald Trump cho rằng, trong vụ xả súng vừa qua, kết cục có thể khác nếu giáo đường “được bảo vệ dưới hình thức nào đó” bởi lực lượng bảo vệ có vũ trang. Quan điểm này từng được ông Trump đưa ra sau vụ xả súng tại trường trung học ở Parkland, bang Florida ngày 14.2, làm 17 người thiệt mạng. Tại thời điểm đó, ông Trump cho rằng, trang bị vũ khí cho giáo viên có thể giúp ngăn chặn các vụ xả súng giống như thảm kịch ở trường Marjory Stoneman Douglas. Tuy nhiên, quan điểm này vấp phải sự phản đối kịch liệt của những tiếng nói kêu gọi siết chặt kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Thống đốc bang Pennsylvania, thành viên đảng Dân chủ Tom Wolf cho rằng, các loại vũ khí đang đẩy người dân Mỹ vào mối nguy hiểm.

Trong khi tranh cãi về siết chặt kiểm soát súng đạn ở Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, các vụ xả súng đang trở thành hiện tượng như “cơm bữa” và các cơ sở tôn giáo cũng trở thành đối tượng thường xuyên hơn của bạo lực súng đạn ở nước này. Trước đó, Mỹ từng chứng kiến không ít vụ bạo lực nhằm vào nhà thờ và các giáo đường. Năm 2017, 26 người thiệt mạng và 20 người bị thương trong vụ xả súng tại nhà thờ ở Sutherland Springs, bang Texas. Năm 2015, một tay súng người da trắng đã nã súng vào đám đông các tín đồ đang cầu nguyện tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal của người da màu ở trung tâm thành phố Charleston, bang South Carolina, làm 9 người thiệt mạng. Năm 2012 chứng kiến vụ xả súng tại đền thờ Sikh giáo ở Oak Creek, bang Wisconsin, làm  6 người thiệt mạng.

Mỹ cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh các vụ án xuất phát từ lòng thù hận và phân biệt đối xử. Theo báo cáo thường niên của Liên đoàn Chống phỉ báng công bố hồi đầu năm, số các vụ bài người Do Thái ở Mỹ đã tăng 57% trong năm 2017, mức tăng cao nhất trong vòng một năm, mà Liên đoàn ghi nhận từ năm 1979.

Vụ xả súng tại giáo đường ở Pittsburg xảy ra trong bối cảnh chính trường Mỹ vốn đang chia rẽ sâu sắc liên tiếp chứng kiến nhiều vụ tấn công đáng chú ý thời gian gần đây. Mới nhất, một loạt bưu kiện chứa thuốc nổ được gửi đến một số nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ và văn phòng kênh tin tức CNN, làm gia tăng căng thẳng không khí chính trị trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Theo Nhật An/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều