Xây dựng Đông Nam Á bền vững từ hệ thống thành phố thông minh

(Mặt trận) - Vào tháng 5 vừa qua, Chính phủ 10 nước thành viên ASEAN đã phê duyệt việc tham gia Mạng lưới Thành phố thông minh của 26 thành phố trong khu vực. Đây được xem là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng một Đông Nam Á phát triển bền vững trong tương lai không xa.

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 (Ảnh: National Multimedia)

Theo cách hiểu phố biến hiện nay, thành phố thông minh hay đô thị thông minh là một hệ thống hữu cơ tổng thể, được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số giống như các dây thần kinh, hệ thống nhúng thông minh giống như bộ não, các cảm biến giống như các giác quan và phần mềm giống như tinh thần và nhận thức, kết nối với nhau theo hướng ngày càng hiệu quả hơn.

Phần lớn sự tăng trưởng của ASEAN đã và sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các đô thị trung tâm. Dự kiến đến năm 2030, 90 triệu người dân Đông Nam Á sẽ sống trong các đô thị lớn. Các thành phố trung bình với dân số từ 200.000 - 2 triệu người được dự báo sẽ tăng trưởng 40%. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh chóng cũng đem lại nhiều thử thách cho các quốc gia trong khu vực bởi nó có tác động đến các vấn đề quan trọng như tắc nghẽn giao thông, chất lượng nước, không khí, đói nghèo, bất bình đẳng gia tăng, phân biệt thành thị với nông thôn, an ninh, trật tự xã hội. Các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề này đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ, từ đó cải thiện đời sống của người dân trên khắp đô thị - nông thôn, tạo cơ hội mới cho người dân đồng thời đảm bảo không ai bị bỏ lại.

Các nước thành viên ASEAN (AMS) đã nhận ra xu hướng này, nhiều nước đã xác định phát triển một số khu vực trở thành thành phố thông minh. Trong bối cảnh này, Singapore đã đề xuất thành lập Mạng lưới Thành phố thông minh (ASCN) nhằm hợp thức hóa những nỗ lực này và đưa các thành phố thông minh của AMS vào một mạng lưới, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững.

ASCN được hình dung là một nền tảng tương tác, nơi mà 3 thành phố của mỗi quốc gia thành viên bao gồm cả thủ đô có không gian để mở rộng khi nó phát triển và cùng hướng tới mục tiêu chung đó là phát triển các đô thị thông minh và bền vững. Các quốc gia hợp lực cùng nỗ lực phát triển ở tất cả các cấp. Mục tiêu chính của ASCN là cải thiện cuộc sống của các công dân ASEAN bằng cách sử dụng công nghệ. Tập trung vào con người, các quốc gia AMS sẽ áp dụng cách tiếp cận toàn diện để phát triển thành phố thông minh tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. ASCN trên toàn ASEAN cũng sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa các nền văn hóa.

Mục tiêu xây dựng mạng lưới này nhằm tạo thuận lợi cho các thành phố thành viên và quốc gia đại diện cùng nhau khám phá những tiềm năng bổ sung, chia sẻ các phương pháp hay nhất, xây dựng kế hoạch hành động của từng thành viên để phát triển thành phố thông minh trong giai đoạn 2018 - 2025 và xây dựng khuôn khổ duy nhất để phát triển các thành phố thông minh cho ASEAN. Các thành phố thành viên liên kết với các nhà cung cấp giải pháp để bắt đầu tiến hành các dự án thực tế với kết quả hữu hình.

ASCN có mục tiêu khác là bảo đảm tài trợ và hỗ trợ các đối tác bên ngoài khu vực ASEAN. Các thành phố thành viên sẽ kết hợp với các đối tác bên ngoài trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi để thúc đẩy phát triển các thành phố thông minh, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài ở cấp thành phố. Các tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á cũng nằm trong số các đối tác này.

Việc phát triển các thành phố thông minh bao gồm nhiều lĩnh vực như vận tải, chất lượng nước, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ công, dữ liệu, công nghệ thông tin và truyền thông. Đối với mỗi thành phố, các lĩnh vực này được ưu tiên khác nhau. ASCN được thiết kế cho phép các thành phố thành viên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, phù hợp với bối cảnh văn hóa và đặc điểm kinh tế - xã hội của mỗi thành phố.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32, các nhà lãnh đạo đã cùng đưa ra một tuyên bố về tầm nhìn, một số nguyên tắc then chốt và cam kết tập thể. Theo đó, các nhà lãnh đạo công nhận sự thay đổi và những bất ổn ngày càng gia tăng trong bối cảnh toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cam kết xây dựng một ASEAN bền vững và sáng tạo, có khả năng “điều hướng những thách thức bằng cách phối hợp, tích hợp hiệu quả”.

Hội nghị ASCN đầu tiên vào tháng 7/2018 kết hợp với Hội nghị thượng đỉnh thế giới 2 năm một lần sẽ cung cấp nền tảng để đưa ASCN tới một mạng lưới đối thoại rộng hơn. Những hội nghị này là nơi các thành viên tham gia thảo luận và phát triển các khuôn khổ trong khu vực và của từng thành viên. Các kế hoạch này sẽ tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các thành viên trong ASCN cũng như các đối tác tiềm năng hay các Đối tác đối thoại của ASEAN. Việc hợp tác này dựa trên một quy trình kết đôi tự nguyện giữa một đối tác bên ngoài với một thành phố thành viên.

Singapore một trong những thành phố phát triển nhất khu vực Đông Nam Á (Ảnh: Engadget)

Hiện tại, ASCN bao gồm 26 thành phố thí điểm trên tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN bao gồm: thành phố Singapore (Singapore); Manila, Cebu và Davao (Phillipines), Bandar Seri Begawan (Brunei); Bangkok, Chonburi và Phuket (Thái Lan); Banyuwangi, Jakarta và Makassar (Indonesia); Battambang, Phnom Penh và Siem Reap (Campuchia), Johor Bahru, Kota Kinabalu, Kuala Lumpur và Kuching (Malaysia); Luang Prabang và Vientiane (Lào); Mandalay, Nay Pyi Taw và Yangon (Myanmar) và Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (Việt Nam). 26 thành phố sẽ tham gia mạng lưới để thúc đẩy các nỗ lực ở các cấp. Mục tiêu chung là cải thiện cuộc sống của các công dân nhờ ứng dụng công nghệ làm đòn bẩy.

Tại Đông Nam Á, các dự án trong khuôn khổ thành phố thông minh đang được thực hiện bao gồm: Thái Lan với kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn hai thập kỷ tới; Việt Nam giới thiệu mô hình thanh toán không dùng tiền mặt và đưa vào ứng dụng các thiết bị hoặc hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020; Kula Lumpur (Malaysia) ký thỏa thuận với dịch vụ đám mây của Alibaba để sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho cơ sở hạ tầng máy tính đám mây của quốc gia này. Hệ thống này sẽ hoạt động hỗ trợ hệ thống giao thông, quy hoạch thành phố và ứng phó với các tình huống bất ngờ. Surbana Jurong, công ty quy hoạch đô thị có trụ sở đặt tại Singapore đã ký Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Philippines nhằm phát triển New Clark City, định hướng như một thành phố thay thế cho thủ đô Manila đang quá tải. Giai đoạn đầu sẽ được hoàn thành vào năm 2022. 10 thành phố thí điểm của Indonesia đã áp dụng thẻ thông minh trong việc cung cấp các hỗ trợ và các dịch vụ xã hội tích hợp. Vào tháng 6/2017, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sĩ đã thành lập quỹ đầu tư ủy thác đô thị hóa bền vững của Indonesia trị giá 13,4 triệu USD, nhằm đảm bảo quá trình đô thị hóa được diễn ra một cách ổn định về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Australia cam kết 23,2 triệu USD nhằm phát triển các thành phố thông minh tại ASEAN. Chương trình này sẽ thiết lập một ngân hàng thông tin về các ý tưởng quy hoạch đô thị bền vững nhằm chia sẻ thông tin giữa ASEAN và Australia.

Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh trong tương lai không xa (Ảnh: VnEconomy)

Với mục tiêu hướng tới xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số hệ thống điều hành thông minh. Trung tâm giám sát điều hành tập trung của thành phố, gồm 6 chức năng chính: giám sát - điều hành giao thông và an ninh công cộng; điều hành thông tin ứng cứu khẩn cấp; giám sát bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; tổng hợp phân tích dữ liệu; thông tin hỗ trợ công dân và dịch vụ công ích; thông tin báo chí truyền thông. Hệ thống giao thông thông minh dự kiến được xây dựng với 8 chức năng: bản đồ giao thông, vận tải hành khách công cộng; an ninh, điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; hệ thống thu phí không dừng, điều tiết giao thông, hạn chế giao thông tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường...

Hệ thống du lịch thông minh gồm 7 chức năng: Hình thành kho dữ liệu tích hợp cho ngành du lịch; Bản đồ số du lịch; cổng thông tin du lịch và ứng dụng trên di động; Hệ thống phân tích dữ liệu lớn (Big Data) cho dự báo du lịch thông minh; hệ thống wifi công cộng; hệ thống Booth tra cứu thông tin du lịch và hỗ trợ khẩn cấp; thiết bị đầu cuối tại khách sạn 5 sao.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục hình thành các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, năng lượng, môi trường…

TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề án “Thành phố thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn” (Ảnh: SGGP)

TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề án “Thành phố thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn”. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...

Đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực.

Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác.

Còn đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

TP. Đà Nẵng và Công ty CP FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác, cùng đầu tư nguồn lực để xây dựng mô hình “Thành phố thông minh” (Ảnh: Nhan Dan)

Vào tháng 4 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng và Công ty CP FPT ký kết thỏa thuận hợp tác, cùng đầu tư nguồn lực để xây dựng mô hình “Thành phố thông minh” tại Đà Nẵng, lộ trình từ nay đến năm 2020. FPT và Đà Nẵng sẽ trao đổi và hoàn thành xây dựng Cổng thông tin trực tuyến về giao thông; cổng thông tin về nông nghiệp và nông thôn để người dân và chính quyền kết nối thông tin nhanh chóng, minh bạch.

Trong lĩnh vực y tế, hai bên sẽ xây dựng và triển khai hệ thống quản lý bệnh viện, các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố; hệ thống quản lý thuốc (kê khai giá, thuốc theo đơn…); hệ thống dữ liệu về phác đồ điều trị; các giải pháp tổng thể về y tế dự phòng.

Ở lĩnh vực du lịch, sẽ xây dựng hệ thống kiểm tra thông tin thẻ hướng dẫn viên, xe vận chuyển du lịch di động, tra cứu thông tin doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đạt chuẩn; hệ thống thẻ du lịch thông minh.

Chương trình và kế hoạch thực hiện dạy và học tiếng Anh cho toàn dân tại Đà Nẵng cũng sẽ được hai bên tập trung thực hiện. Các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; một số ứng dụng thông minh trong dạy và học tiếng Anh cho học sinh, sinh viên và cán bộ công chức sẽ được triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm triển khai diện rộng.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều