Xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội bền vững ở các quốc gia lớn trên thế giới

(Mặt trận) - “Phúc lợi xã hội” là cụm từ thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và đóng vai trò là một bộ phận trong thu nhập quốc dân của xã hội. Nó được sử dụng cho các chi phí như trả tiền hưu trí, các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội, học bổng cho học sinh, dịch vụ y tế, nhà trẻ, mẫu giáo, các công trình công cộng cho mọi người dân. Do đó, những quốc gia có hệ thống phúc lợi xã hội tốt sẽ đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần bền vững cho người dân.

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống phúc lợi xã hội lớn trên thế giới. Trên thực tế, so với các quốc gia giàu có khác, Hoa Kỳ có mức chi tiêu cho phúc lợi xã hội theo đầu người trên tổng chi tiêu Chính phủ cao thứ 3 thế giới. Chính sách chi tiêu của Chính phủ nước này chủ yếu nhắm tới những người nghèo và người cao tuổi.

 Chăm sóc sức khỏe cho người dân Hoa Kỳ (Ảnh: PBS)

Chi tiêu cho phúc lợi xã hội trên đầu người của Hoa Kỳ tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của châu Âu. Nếu tính cả phúc lợi y tế và giáo dục thì phúc lợi xã hội trên đầu người của Hoa Kỳ cao hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Chi tiêu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được Chính phủ Hoa Kỳ hướng đến những người cao tuổi, người có thu nhập thấp, những người trung lưu và người lao động chủ yếu dựa vào bảo hiểm sức khỏe do người sử dụng lao động cấp. Do đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Chính phủ Hoa Kỳ phân tán hơn các quốc gia phát triển khác.

Các chương trình phúc lợi của Hoa Kỳ được phân chia thành 13 lĩnh vực lớn, cung cấp lợi ích cho các cá nhân và gia đình có thu nhập thấp. Các chương trình này đại diện cho quyền lợi của mọi người dân Hoa Kỳ. 13 chương trình phúc lợi bao gồm: Thuế thu nhập âm (các khoản tín dụng thuế bao gồm phần hoàn lại được trả cho các cá nhân và gia đình không nợ thuế thu nhập trong năm); SNAP (chương trình hỗ trợ thực phẩm dành cho các gia đình và cá nhân có thu nhập thấp); hỗ trợ nhà ở (hỗ trợ thuê nhà, cung cấp nhà ở công cộng cho người vô gia cư, người có thu nhập thấp); SSI (hỗ trợ thu nhập an sinh cho các cá nhân có thu nhập thấp và người trên 65 tuổi, người tàn tật, mù lòa); hỗ trợ giáo dục (hỗ trợ 5.550 USD cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn); TANF (chương trình trợ giúp tạm thời cho các gia đình khó khăn); dinh dưỡng cho trẻ em (cung cấp các bữa ăn tại trường học và các chương trình sau giờ học); hỗ trợ học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đào tạo việc làm (cung cấp dịch vụ đào tạo nghề cho người dân có thu nhập thấp); WIC (hỗ trợ phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em); chăm sóc trẻ em; LIHEAP (Chương trình hỗ trợ năng lượng cho các gia đình có thu nhập thấp); Lifeline (Chương trình cung cấp dịch vụ điện thoại cho các gia đình có thu nhập thấp).

Singapore

Singapore là một quốc gia giàu có ở khu vực Đông Nam Á luôn được biết đến bởi mức sống cao. Quốc gia này đã đổi mới hệ thống phúc lợi xã hội thay thế cho hệ thống cũ theo phong cách châu Âu. Tại Singapore, mọi người dân cần tiết kiệm để trang trải các chi phí về lương hưu, nhà ở, giáo dục, y tế… Đôi khi tỷ lệ tiết kiệm của người dân Singapore cao hơn đến 50% trong tổng thu nhập.

Người dân Singapore tiết kiệm thu nhập để trang trải các chi phí (Ảnh: Channel NewsAsia)

Hiện nay, người lao động dưới 50 tuổi dành khoảng 20% tiền lương và người sử dụng lao động sẽ đóng góp 16% vào khoản tiết kiệm của người lao động. Khoản tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản và được duy trì theo thời gian cho đến khi phát sinh nhu cầu sử dụng. Một trong những nhu cầu sử dụng khoản tiết kiệm của người dân Singapore là dành cho nhà ở. Khoảng 90% hộ gia đình ở Singapore sở hữu nhà ở, tỷ lệ sở hữu nhà ở cao nhất thế giới.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Singapore đã bắt đầu xây dựng hệ thống “Tài khoản Medisave” từ năm 1984. Khoản tiết kiệm dành cho y tế của mỗi người lao động sẽ được gửi vào tài khoản Medisave riêng của từng cá nhân và các cá nhân cũng tự động tham gia bảo hiểm cho các bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng dành sự lưu tâm đặc biệt trong việc hỗ trợ cho người già, người có thu nhập thấp và trung bình ngày càng nhiều hơn trong các năm qua. Chính phủ đã tiếp cận đối với chi tiêu tài chính của người dân bằng việc giữ mức thuế thấp. Điều này đảm bảo rằng nguồn tài nguyên có hạn của quốc gia sẽ đến được với những người cần hỗ trợ nhiều nhất.

 Australia

Ở châu Đại Dương, Australia là quốc gia có hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội tốt nhất khu vực và tầm cỡ thế giới.

Trong hai thập kỷ qua, hệ thống phúc lợi xã hội của Australia đã được cải thiện rất nhiều với sự điều chỉnh từ quy mô nhỏ. Vào thời điểm năm 1996, gần 25% dân số trong độ tuổi lao động (16-64 tuổi) đã nhận được các khoản trợ cấp. Đây là các khoản hỗ trợ của Newstart và Youth Allowance cho người thất nghiệp, người khuyết tật và người phải nuôi con một mình.

Người già ở Australia nhận được các khoản trợ cấp sau khi nghỉ hưu (Ảnh: SBS)

Đến năm 2014, con số này là 16,8%. Sự sụt giảm mạnh này là kết quả của một loạt các yếu tố bao gồm sự gia tăng dân số và dân số già, thay đổi tỷ lệ thất nghiệp và thị trường lao động, thay đổi trong thành phần hộ gia đình và thay đổi trong chính sách của Chính phủ Australia.

Chính sách kích hoạt của Australia dành cho người ở độ tuổi lao động có mục tiêu tăng cường nỗ lực của những người thất nghiệp để tìm kiếm việc làm. Lý thuyết cho thấy nỗ lực tìm kiếm việc làm của người thất nghiệp càng lớn thì cơ hội tìm được việc làm càng cao hơn. Ngân sách quốc gia năm 2014 đã đề xuất xem xét hình thức kích hoạt mạnh mẽ nhất đó là những người thất nghiệp dưới 30 tuổi sẽ phải đợi 6 tháng mới nhận được khoản trợ cấp của Newstart. Họ nhận được ít hơn 1% tổng chi tiêu ngân sách của quốc gia nhưng họ đã đóng góp gần 10% tổng ngân sách tiết kiệm.

Đối với trợ cấp Wife Pension dành cho phụ nữ, độ tuổi hỗ trợ đã tăng từ 60 lên 65. Số phụ nữ được hưởng trợ cấp thâm niên giảm đáng kể và đặc biệt đối với những người nhận được các khoản trợ cấp phụ thuộc như góa phụ, những người vợ trong gia đình. Ngoài ra, khoản hỗ trợ cho những người nuôi con một mình không có nhiều thay đổi so với trước năm 2006.

CHLB Đức

Tại châu Âu, CHLB Đức là một trong những quốc gia có hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện nhất. Giống như các quốc gia phát triển khác, Đức dành một khoản chi tiêu công lớn cho phúc lợi xã hội. Khoảng 849 tỷ Euro được chi cho phúc lợi trong năm 2014, tương đương với 29% tổng sản phẩm quốc nội của Đức.

Người dân xếp hàng nhận hỗ trợ tại Đức (Ảnh: Zero Hedge)

Đặc biệt đối với người thất nghiệp hoặc không thể đảm bảo đủ sinh kế thông qua thu nhập hoặc tài sản, Chính phủ Đức có 3 loại hỗ trợ. Trợ cấp thất nghiệp được cung cấp trong một khoảng thời gian nhất định, trợ cấp thất nghiệp II được hỗ trợ khi mà người dân trong độ tuổi lao động đang tìm kiếm việc làm. Hỗ trợ thu nhập được cấp cho những người không có khả năng lao động những sống với người có khả năng lao động.

Nếu một người trong độ tuổi lao động từ chối nhận việc làm mà không có lý do chính đáng thì khoản trợ cấp họ được nhận sẽ giảm 30% trong 3 tháng. Nếu họ từ chối công việc lần thứ 2, trong vòng một năm khoản trợ cấp cơ bản sẽ giảm 60% và khoản trợ cấp thất nghiệp II sẽ bị thu hồi hoàn toàn trong trường hợp từ chối công việc lần 3.

Trợ cấp thất nghiệp II có thể được cung cấp cho những người có việc làm nhưng không thể đảm bảo đủ sinh kế bằng thu nhập.

Đối với việc hỗ trợ thu nhập, những người không có khả năng làm việc đang sống với ít nhất một người có khả năng làm việc sẽ được nhận khoản trợ cấp tương tự như trợ cấp thất nghiệp II.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều