Xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc: Thành tựu và kinh nghiệm

(Mặt trận) - Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI (10/2005), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra chủ trương thúc đẩy xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Từ khi thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới đến nay, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn; đồng thời cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm thành công. Bài viết phân tích bối cảnh, nội dung và ý nghĩa của chính sách xây dựng NTM ở Trung Quốc; đồng thời nêu lên một số thành tựu và kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở quốc gia này.

 Từ một ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn sau động đất ở Tứ Xuyên, làng Jintai đã chuyển mình thành một khu nhà xinh xắn với những đổi mới tiên tiến. Ảnh minh họa

Chủ trương xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra năm 2005 là một chủ trương chiến lược nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa xây dựng nông thôn mới với nội dung toàn diện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc.

Xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc - Bối cảnh, nội dung và ý nghĩa

Từ thập niên 50 của thế kỷ XX đến nay khái niệm “nông thôn mới” đã được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI (10/2005) khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương: “Căn cứ vào yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, phát triển văn minh nông thôn, quản lý dân chủ nhằm thúc đẩy xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” thì khái niệm này mới mang ý nghĩa như hiện nay. Xây dựng nông thôn mới là một yêu cầu được đặt ra trong bối cảnh Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới lấy công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị thúc đẩy sự phát triển của nông thôn, cũng là một yêu cầu tất yếu nhằm phát triển và xây dựng xã hội hài hòa. Hiện nay, một vấn đề lớn trong công cuộc xây dựng xã hội khá giả toàn diện ở Trung Quốc chính là vấn đề nông thôn. Theo các nhà nghiên cứu của Trung Quốc, không có sự khá giả của khu vực nông thôn thì không thể có sự khá giả của toàn xã hội; không có sự hiện đại hóa của nông nghiệp thì không thể có sự hiện đại hóa của quốc gia. Nhiều nước trên thế giới sau khi tiến hành công nghiệp hóa đạt được thành tựu nhất định đều thực hiện chiến lược phát triển lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, lấy đô thị hỗ trợ sự phát triển nông thôn. Hiện nay, kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế là đến từ phi nông nghiệp. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn lấy công nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, vì thế, việc thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc là nhằm mục đích để phát triển toàn diện sức sản xuất ở nông thôn, thiết lập cơ chế tăng thu nhập ổn định cho người nông dân, nâng cao thu nhập cho khoảng 900 triệu nông dân, nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực chính trị là tăng cường giáo dục và nâng cao năng lực thực hành dân chủ của nông dân để phát huy dân chủ và tăng cường xây dựng pháp quyền ở khu vực nông thôn, từng bước để người nông dân thực hiện quyền làm chủ của mình theo quy định của pháp luật.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực văn hóa chủ yếu là trên cơ sở tăng cường đầu tư và xây dựng dịch vụ văn hóa công ở khu vực nông thôn, thực hiện nhiều hình thức và nhiều hoạt động văn hóa quần chúng để làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực xã hội là tăng cường sự đầu tư của nhà nước đối với sự nghiệp công ở nông thôn nhằm phổ cập giáo dục và phổ cập nghề, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống chăm sóc y tế ở khu vực nông thôn, thiết lập và hoàn thiện hệ thống bảo đảm xã hội ở nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực pháp quyền có nghĩa là đồng thời với xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phải nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật; nâng cao ý thức pháp luật của người nông dân, nâng cao sự hiểu biết và năng lực của nông dân trong việc sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới là biện pháp quan trọng để thực hiện quan điểm phát triển khoa học.

Nội dung quan trọng của quan điểm phát triển khoa học chính là đảm bảo sự phát triển hài hòa, toàn diện và bền vững về kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn. Quan điểm phát triển khoa học đòi hỏi phải bảo đảm để đại đa số nông dân tham gia vào tiến trình phát triển và thụ hưởng thành quả của phát triển. Nếu coi nhẹ nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nông dân, để kinh tế - xã hội vùng nông thôn lạc hậu kéo dài, thì sự phát triển ấy không thể là sự phát triển toàn diện và bền vững, quan điểm phát triển khoa học cũng không thể thực hiện.

Thứ hai, xây dựng nông thôn mới là một yêu cầu nhằm bảo đảm cho sự thuận lợi của tiến trình hiện đại hóa ở Trung Quốc.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa thành thị và nông thôn là tiền đề quan trọng để thực hiện hiện đại hóa. Một số quốc gia đã giải quyết tương đối tốt mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, thành thị và nông thôn, nhờ đó kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, sớm đứng vào nhóm các quốc gia hiện đại hóa. Cũng có một số quốc gia giải quyết chưa tốt mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, dẫn đến sự lạc hậu kéo dài của nông thôn, cản trở tiến trình hiện đại hóa. Từ kinh nghiệm quốc tế, Trung Quốc coi xây dựng nông thôn mới là một nội dung quan trọng của tiến trình hiện đại hóa; là chính sách chiến lược để làm cho sự phát triển của nông thôn đồng bộ với công nghiệp hóa và đô thị hóa, làm cho gần 1 tỷ nông dân được thụ hưởng thành quả của hiện đại hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa và đồng bộ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn.

Thứ ba, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Để đảm bảo tất cả mọi người dân đều có thể thụ hưởng thành quả của cải cách và phát triển thì cần đặc biệt quan tâm đến nông thôn. Bởi lẽ, từ khi cải cách mở cửa đến nay, cho dù diện mạo đô thị Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn, nhưng sự thay đổi của phần lớn nông thôn lại tương đối nhỏ. Nông thôn ở nhiều nơi chưa có đường, người dân nông thôn ở một số nơi chưa được đảm bảo chăm sóc về y tế, chưa được sử dụng nước sạch, con em nông dân chưa có điều kiện để đến trường. Thực trạng này nếu không thay đổi thì sự nghiệp xây dựng xã hội khá giả sẽ trở thành “lời nói suông”. Vì thế, xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc hiện nay là một nội dung đặc biệt quan trọng của sự nghiệp xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Thứ tư, xây dựng nông thôn mới là động lực lâu dài bảo đảm cho sự phát triển nhanh và ổn định về kinh tế của Trung Quốc.

Mở rộng nhu cầu trong nước là phương châm chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nông thôn là khu vực tập trung người tiêu dùng nhiều nhất, có tiềm năng lớn nhất của Trung Quốc, cũng là nguồn động lực đáng tin cậy nhất và lâu dài nhất cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Thông qua thúc đẩy xây dựng nông thôn mới sẽ đẩy nhanh sự phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người nông dân, nâng cao khả năng chi tiêu của cư dân vùng nông thôn, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt, việc tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở, năng lượng, thủy lợi, thông tin liên lạc… ở nông thôn vừa có tác dụng cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của nông dân, vừa có tác dụng thúc đẩy tiêu thụ một bộ phận sản phẩm hàng hóa ở trong nước.

Thứ năm, xây dựng nông thôn mới là cơ sở quan trọng của xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, quan hệ xã hội ở khu vực nông thôn Trung Quốc là lành mạnh, tích cực; nhưng cũng tồn tại một số mâu thuẫn và vấn đề không thể coi nhẹ. Thông qua thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế xã hội nông thôn phát triển có lợi cho việc thực hiện quyền và lợi ích của cư dân nông thôn, hóa giải một số mâu thuẫn xã hội ở nông thôn, giảm thiểu nhân tố không ổn định ở nông thôn, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa.

Thành tựu trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc

Với việc thực hiện nhiều chính sách khác nhau, đến nay, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Các ngành nghề trong nông nghiệp và khu vực nông thôn phát triển mạnh mẽ. Nông nghiệp Trung Quốc đã hình thành nên nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, như: Lương thực, chăn nuôi, cao su tự nhiên, hoa quả... Nhiều sản phẩm của ngành trồng trọt được canh tác trên diện tích lớn, sản lượng nhiều và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Số lượng các doanh nghiệp đầu đàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như số lượng hợp tác xã và hiệp hội không ngừng tăng lên. Đến cuối năm 2010, đã có 1.100 doanh nghiệp đầu đàn, quy mô lớn hoạt động trong gia công và lưu thông sản phẩm nông nghiệp, doanh thu của các doanh nghiệp đầu đàn đạt 150 tỷ nhân dân tệ. Bên cạnh các doanh nghiệp đầu đàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2011 đến nay, số lượng các hợp tác xã chuyên ngành và các hiệp hội ở nông thôn cũng không ngừng tăng lên; việc thực hiện mục tiêu “một xã một doanh nghiệp, một trấn một sản phẩm” đã đạt được bước tiến quan trọng; cơ cấu kinh tế nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng tích cực, hiệu quả kinh tế nông nghiệp và thu nhập của người nông dân đều tăng lên. Thu nhập từ ngành dịch vụ đã trở thành một trong ba nguồn thu nhập chính của người nông dân ở nhiều địa phương. Thực hiện chính sách dịch chuyển lao động nông thôn, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành đào tạo nghề cho 50 triệu lượt nông dân. Bên cạnh đó, chính quyền ở nhiều địa phương cũng tích cực thiết lập và vận hành mạng dịch vụ công về lao động việc làm, thực hiện tốt công tác hướng dẫn, quản lý và phục vụ về lao động việc làm; tăng cường hợp tác với các đơn vị đào tạo nghề và sử dụng lao động; góp phần tăng tỷ lệ lao động dịch vụ ở nông thôn Trung Quốc. Lĩnh vực thương mại, lưu thông hàng hóa và du lịch ở khu vực nông thôn có bước phát triển quan trọng.

Kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển nhanh chóng, thu nhập thuần bình quân của người nông dân tăng lên đáng kể. Tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản không ngừng tăng lên, năm 2006, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của Trung Quốc đạt 24.700 tỷ nhân dân tệ, thu nhập thuần bình quân của người nông dân là 3.587 nhân dân tệ; năm 2016, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của Trung Quốc đạt 63.671 tỷ nhân dân tệ, thu nhập thuần bình quân của người nông dân hơn 8000 nhân dân tệ. Sản lượng và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp không ngừng tăng lên. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc là 589,57 triệu tấn, tổng sản lượng bông là 6,84 triệu tấn; tổng sản phẩm dầu thực vật (đậu phộng, dầu hạt cải, hạt vừng...) là 34,76 triệu tấn; sản lượng thịt bò, thịt dê và thịt lợn là 82,2 triệu tấn, tổng sản lượng sữa bò là 37,44 triệu tấn; thì năm 2016, tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc đạt 616,24 triệu tấn, tổng sản lượng bông là 5,34 triệu tấn, tổng sản phẩm dầu thực vật đạt 36,13 triệu tấn, sản lượng thịt (lợn, bò, cừu, gia cầm) là 85,4 triệu tấn, tổng sản lượng sữa bò đạt 36,02 triệu tấn.

Kết cấu hạ tầng của khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể. Hệ thống kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn như đường giao thông, nước, điện, nhà ở, nhà văn hóa, trạm y tế... đều được xây dựng và phát triển theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới. Khu vực nông thôn nhiều nơi đã xây dựng cơ sở thu gom và xử lý rác thải, phòng cháy chữa cháy, năng lượng mặt trời; quan tâm cải thiện hệ thống điện, nước, xây dựng phòng văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi và các công trình thủy lợi; đầu tư phát triển hệ thống internet ở vùng nông thôn; nâng cao khả năng thu phát và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng lên. Những biện pháp này đã góp phần cải thiện diện mạo của nông thôn Trung Quốc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân.

Xây dựng đời sống văn hóa ở vùng nông thôn đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều tập tục lạc hậu ở vùng nông thôn đã được thay thế bằng nếp sống mới; tính tích cực của người nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới không ngừng được nâng cao… Với việc triển khai nhiều phong trào, nhiều đợt vận động, số gia đình và số thôn đạt chuẩn “Hộ gia đình mười sao”, “Gia đình bình an”, “Con cái hiếu thuận”, “Thôn hài hòa”, “Thôn làng thành tín”… ngày càng nhiều; quan niệm và tư tưởng của người dân vùng nông thôn không ngừng được đổi mới, trình độ văn hóa giáo dục của người dân ngày được nâng cao; trình độ văn minh của người dân nông thôn từ ăn, mặc, ở, đi, sử dụng đồ sinh hoạt, nói chuyện đến sự ứng xử đối với người và vật đều được nâng lên một cách rõ nét. Các cấp chính quyền của Trung Quốc còn tổ chức để người dân tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao do cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tổ chức.

Dân chủ pháp quyền vùng nông thôn không ngừng được tăng cường, hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố. Các cấp ủy đảng và chính quyền của Trung Quốc rất coi trọng việc tăng cường giáo dục pháp luật và ý thức dân chủ cho người dân, đặc biệt coi trọng xây dựng hệ thống chính trị, nhất là tổ chức cơ sở đảng, đẩy mạnh và tăng cường thực hiện tự quản, tự trị ở cấp thôn. Thông qua việc tăng cường giáo dục, ý thức pháp luật và ý thức dân chủ của người dân và cán bộ, công chức được nâng lên. Nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người nông dân, như: Luật Nông nghiệp, Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân, Luật Hợp đồng, Luật Giải quyết tranh chấp dân sự… đã được tuyên truyền đầy đủ cho người dân; việc thực hiện quản trị thôn theo pháp luật, thực hiện quản lý dân chủ, giám sát dân chủ có bước cải thiện đáng kể. Tổ chức cơ sở đảng ở cấp thôn được quan tâm củng cố, giữ vai trò hạt nhân chính trị ở thôn và phát huy được vai trò lãnh đạo của mình trong các lĩnh vực ở cấp thôn. Dân chủ trong công tác lựa chọn và bầu cử cán bộ ở cấp thôn được phát huy. Cán bộ cấp thôn được dân bầu trực tiếp, còn Chi ủy Chi bộ thôn được hình thành thông qua “hai giới thiệu, một lựa chọn”. Với việc thực hiện dân chủ hóa công tác cán bộ ở cấp thôn, những người am hiểu về khoa học kỹ thuật, biết kinh doanh, biết quản lý, có tri thức được bầu cử vào tập thể lãnh đạo của thôn. Ở một số nơi, người dân còn thành lập nên nhiều hiệp hội văn hóa thể thao, hình thành nên Ủy ban xây dựng nông thôn mới, Ủy ban quản lý do người dân tự quản lý, tự phụ trách. Việc thực hiện quyền được biết, quyền được bàn, quyền kiểm tra, giám sát của người dân đã được coi trọng.

Hình thành nên nhiều mô hình và điểm sáng về xây dựng nông thôn mới. Mô hình lấy sản xuất làm chủ đạo dựa vào phát triển sản xuất để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (chẳng hạn như có nơi dựa vào phát triển nghề gia công để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác; có nơi dựa vào phát triển du lịch để thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực khác; có nơi dựa vào phát triển thương mại để thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác…); mô hình lấy dự án làm chủ đạo dựa vào việc thực hiện các dự án xây dựng để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (dự án di dân, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thôn trang, dự án xây dựng nông điền và thủy lợi, dự án giảm nghèo, dự án doanh nghiệp công nghiệp); mô hình lấy doanh nghiệp làm chủ đạo, có nghĩa là doanh nghiệp tích cực thực hiện nhiều nội dung trong xây dựng nông thôn mới, có nhiều đóng góp về nguồn lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới; mô hình lấy kinh tế tập thể làm chủ đạo, có nghĩa là thông qua kinh tế tập thể để huy động các nguồn lực phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới; mô hình phát huy tối đa năng lực tự chủ của người dân; dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, người dân tự xây dựng nên quy hoạch xây dựng nông thôn mới, sau đó dựa vào nguồn lực và sức mạnh của mình để thực hiện; mô hình hỗn hợp; thực hiện sự kết hợp của các mô hình nói trên.

Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc

Thứ nhất, sự coi trọng của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với xây dựng nông thôn mới; quan tâm xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế đánh giá và bồi dưỡng cán bộ trong xây dựng nông thôn mới.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu to lớn là vì, các cấp ủy Đảng và chính quyền rất coi trọng chính sách xây dựng nông thôn mới, coi đây là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của Đảng và chính quyền. Để đảm bảo sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp đã thành lập nên các Tổng đội phụ trách về xây dựng nông thôn mới do một lãnh đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã làm đội trưởng, thành viên của Tổng đội là lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân, cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, Trung Quốc rất coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đồng thời lấy kết quả trong xây dựng nông thôn mới làm một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá tổ chức và cán bộ hàng năm.

Thứ hai, xuất phát từ thực tế để lựa chọn nơi làm thí điểm, ban hành các quy định có liên quan để điều chỉnh việc triển khai, thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi tỉnh (khu tự trị), mỗi huyện và mỗi xã, chính quyền các cấp tiến hành đánh giá và phê duyệt đơn vị lựa chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời đưa ra quy hoạch cụ thể đối với nơi được lựa chọn. Để điều chỉnh việc triển khai, thực hiện theo quy hoạch chính quyền các cấp còn ban hành nhiều quy định khác nhau (cấp xã đề xuất lên cấp trên về thôn điểm xây dựng nông thôn mới, sau đó cấp trên xác định những thôn hay nhóm các thôn có điều kiện tương đối tốt làm thôn hay nhóm thôn làm thí điểm). Hàng năm, chính quyền các cấp đều ban hành quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của năm, trong đó nêu rõ tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc cơ bản, mục tiêu công việc, trọng tâm công việc và biện pháp thực hiện; đồng thời xác định các dự án, ngành sản xuất chủ yếu, vấn đề trọng tâm cần giải quyết đối với thôn điểm về xây dựng nông thôn mới. Với nguyên tắc “quy hoạch đi trước”, nhiều tỉnh đã rất chú trọng công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết đối với từng lĩnh vực, như quy hoạch thị trấn, quy hoạch giao thông thôn trang, quy hoạch đất nông nghiệp và thủy lợi, quy hoạch phát triển sản xuất… Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã xây dựng và ban hành nhiều quy định có liên quan điều chỉnh tất cả các khâu, các mặt của quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là quyền và trách nhiệm của cán bộ chuyên trách, đánh giá và phản hồi thông tin…

Thứ ba, tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính từ nhiều nguồn khác nhau.

Kinh phí phục vụ việc xây dựng các điểm nông thôn mới được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là nguồn kinh phí từ các dự án, nguồn kinh phí từ nhà nước, nguồn kinh phí do người dân đóng góp, nguồn kinh phí do doanh nghiệp đóng góp và nguồn kinh phí do cá nhân tài trợ, trong đó sự đóng góp của người dân (bao gồm sự đóng góp về ngày công) chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư.

Thứ tư, coi trọng công tác truyên truyền, tổ chức và động viên sự tham gia của tất cả các lực lượng, phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

Tổ chức Đảng và chính quyền rất coi trọng công tác truyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy Đảng và chính quyền đã thông qua nhiều kênh và phương thức khác nhau, như thông qua băng rôn khẩu hiệu, bảng biển tuyên truyền, hội nghị thôn dân, truyền hình - phát thanh để giúp người dân hiểu rõ về ý nghĩa, nội dung và yêu cầu của chính sách xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thông qua vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên và nhân sỹ tiêu biểu để thúc đẩy tính tích cực và vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết một số suy nghĩ và biểu hiện không tốt của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới mới như trông chờ, ỷ lại, không muốn đóng góp, không tích cực tham gia bảo vệ một số hạng mục kết cấu hạ tầng sau khi xây dựng… Các cấp chính quyền còn động viên sự tham gia và đóng góp về nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân cũng như có sự ghi nhận và biểu dương kịp thời đối với những đóng góp của tổ chức và cá nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, phát huy đầy đủ vai trò và tác dụng của nhân viên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới).

Tất cả các tỉnh (khu tự trị), thành phố, huyện, xã và thôn ở Trung Quốc đều hình thành nên đội ngũ nhân viên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (có tỉnh gọi là nhân viên công tác nông thôn). Nhân viên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm và hỗ trợ của tổ chức Đảng, chính quyền và Tổng đội công tác xây dựng nông thôn mới; thông qua nhiều phương thức khác nhau để phát huy tốt vai trò “người tuyên truyền chính sách, người tham mưu chính sách, người phục vụ dự án, người hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật, người phối hợp quản lý công việc thôn” của nhân dân viên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, tập trung đổi mới cơ chế, thể chế xây dựng nông thôn mới, khắc phục một số rào cản của thể chế.

Trung Quốc rất coi trọng việc đổi mới cơ chế phối hợp nhằm tích hợp và phát huy sức mạnh của nhiều chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Trong lĩnh vực đầu tư nguồn lực tài chính, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ nhà nước, còn có cơ chế để huy động sự tham gia và đóng góp của người dân, doanh nghiệp, xã hội và cá nhân trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh vai trò quan trọng của chính quyền còn coi trọng việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn người dân khắc phục tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào chính quyền.

Thứ bảy, coi trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa tổ chức cơ sở Đảng với đội ngũ nhân viên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Dưới sự lãnh đạo của của tổ chức cơ sở Đảng, đội ngũ nhân viên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là vai trò điều tiết nguồn lực của nhiều dự án, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và bồi dưỡng khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Thông qua đội ngũ nhân viên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới mà tổ chức cơ sở Đảng phát huy tốt hơn vai trò và sức ảnh hưởng ở cơ sở. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, tổ chức Đảng cũng đã được thành lập trong các hợp tác xã chuyên ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, qua đó đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Ngoài ra, tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên cũng đã phát huy vai trò tiền phong của mình trong việc thay đổi những thói quen, tập quán không tốt ở khu vực nông thôn; đồng thời triển khai nhiều hoạt động nhằm củng cố mối quan hệ máu thịt giữa đảng và nhân dân ở cơ sở.

Thứ tám, tập trung phát triển ngành nghề có thế mạnh, bảo đảm việc nâng cao thu nhập của người dân.

Việc quy hoạch sản xuất, củng cố, phát triển các ngành nghề chủ lực, có thế mạnh và hình thành ngành nghề mới, thúc đẩy việc nâng cao thu nhập cho người nông dân. Hầu hết các địa phương đều kiên trì tư tưởng “quy hoạch sản xuất đi trước” và coi trọng sự kết hợp giữa “quy hoạch phát triển sản xuất” với “quy hoạch phát triển tổng thể đô thị”, “quy hoạch xây dựng kinh tế tuần hoàn”, “quy hoạch xây dựng sinh thái lâm nghiệp”; đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch với điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và chợ của mỗi xã và trấn, đảm bảo tính khả thi và tính khoa học của quy hoạch sản xuất; tập trung củng cố và nâng cao ngành chủ lực truyền thống, coi trọng hình thành các ngành nghề sản xuất mới và đặc thù. Bên cạnh đó, coi trọng việc tăng cường và đa dạng hóa các hình thức liên kết giữa các chủ thể trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế. Với việc thực hiện nhiều hình thức phối hợp, liên kết, như “chi bộ - trung tâm - nông hộ”; “doanh nghiệp - trung tâm - hợp tác xã kinh tế chuyên ngành - nông hộ”; “công ty - trung tâm - nông hộ”; “chi bộ - hiệp hội - nông hộ” và phát triển các doanh nghiệp đầu đàn, hợp tác xã và hiệp hội, nhiều địa phương đã giải quyết có hiệu quả việc tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhiều nơi còn coi trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và phát triển du lịch sinh thái, thương mại, gia công hàng nông sản… nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thứ chín, coi trọng xây dựng văn hóa nông thôn, làm cho văn hóa trở thành một trong những trụ cột quan trọng của xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng văn hóa nông thôn là một nhân tố đặc biệt quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nên kiên trì lấy chính quyền làm chủ đạo, lấy hương trấn làm cơ sở, lấy thôn làm trọng điểm, lấy nông hộ làm đối tượng, quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cấp huyện, xã và trấn, xây dựng mạng lưới dịch vụ công về văn hóa.

Thứ mười, tăng cường xây dựng dân chủ pháp quyền, tôn trọng tôn giáo tín ngưỡng, tăng cường đoàn kết, coi đây là bảo đảm quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Coi trọng xây dựng pháp chế nông thôn, nâng cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật cho người nông dân, nâng cao tính tự giác của người nông dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật; đặc biệt quan tâm giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, duy trì và thực hiện lợi ích thiết thân của người nông dân. Chú trọng phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua các phương thức như tăng cường giáo dục ý thức dân chủ cho cán bộ và quần chúng, kiện toàn chế độ bầu cử Ủy ban thôn dân, hoàn thiện cơ chế đánh giá của người dân ở thôn đối với cán bộ thôn, đảm bảo thực hiện “quyền được biết”, quyền tham gia quyết sách, quyền giám sát, quyền tự quản của người dân ở cấp cơ sở.

Thứ mười một, tạo ra mô hình tốt và phát huy vai trò dẫn dắt của các mô hình và điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.

Coi trọng xây dựng các mô hình, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới, như: Mô hình dựa trên vai trò chủ đạo của doanh nghiệp; mô hình và điển hình về dựa vào sức mạnh của người nông dân; mô hình và mô hình dựa trên vai trò chủ đạo của kinh tế tập thể; mô hình và điển hình về xây dựng văn hóa dân tộc; mô hình và điển hình về bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái. Các mô hình, điển hình thành công về xây dựng nông thôn mới đều thực hiện tốt xây dựng văn minh tinh thần, xây dựng văn hóa nông thôn, xây dựng văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng của xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Trọng Bình

Tiến sĩ, Học viện Chính trị khu vực IV

Tài liệu tham khảo:

1. Mã Khải (2006): Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ XI của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nxb. Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh (bản tiếng Trung).

2. Cục Thống kê Trung Quốc: Báo cáo thống kê phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc năm 2016, http://www.stats.gov.cn/tjsj/zxfb/201702/t20170228_1467424.html.

3. Gao Shu-tao (2011): Nghiên cứu vấn đề “tam nông” trong xây dựng nông thôn mới, Nxb. Đại học Giao thông Tây Nam, Trung Quốc.

4. Song Hong-yuan (2012): Xây dựng nông thôn mới Trung Quốc - chính sách và thực tiễn, Nxb. Nông nghiệp Trung Quốc.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều