Ba định hướng lớn phát triển tỉnh Bình Phước

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 31/3/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước chiều 20/3/2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 3 định hướng lớn cho phát triển tỉnh Bình Phước trong giai đoạn tới. Đó là: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường; thu hút tận dụng các nguồn lực cho phát triển và tập trung nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thành dứt điểm, không dàn trải.

Bình Phước là tỉnh đất đai màu mỡ, khí hậu hiền hòa và ít xảy ra bão lụt, “đất rộng, người thưa”, người dân có truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường, thân thiện, yêu lao động; với nhiều di tích lịch sử như căn cứ cách mạng Tà Thiết, có địa danh Phú Riềng là một trong cái nôi của giai cấp công nhân phía Nam.

Tỉnh còn là nơi sinh sống của đồng bào 41 dân tộc anh em; địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Bình Phước hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hiện đại, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng sạch.

Sau 25 năm tái lập tỉnh Bình Phước, diện mạo và tiềm lực kinh tế của Tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: Quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, con người của tỉnh; kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng và chất lượng còn hạn chế. Bình Phước phát triển chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hiệu quả sử dụng đất chưa cao; chưa xây dựng được nhiều nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm lớn, chất lượng cao trong nước và quốc tế...

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, tỉnh cần xác định những thách thức, khó khăn còn nhiều ở phía trước, từ đó để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và nhất là các cấp chính quyền phải nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, để quyết tâm xây dựng Bình Phước ngày càng phát triển, xứng đáng với vị trí quan trọng của vùng, với tiềm năng sẵn có của thiên nhiên và đặc biệt với tiềm năng về con người cần cù, thân thiện.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tỉnh cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của vùng, không chỉ với vùng Đông Nam Bộ mà còn kết nối với vùng Tây Nguyên, cửa ngõ cho các địa phương Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh - cực tăng trưởng lớn của đất nước; phấn đấu sớm đưa Bình Phước trở thành một động lực phát triển quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh cần cụ thể hóa chỉ đạo 3 định hướng lớn: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay khối óc của mình; có giải pháp, kế hoạch thu hút tận dụng các nguồn lực cho phát triển và tập trung nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế -xã hội, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp... đảm bảo hiện đại, bền vững, hiệu quả, phát triển xanh; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thành dứt điểm, không dàn trải, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Bình Phước cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với trọng tâm là các đột phá chiến lược về hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đất đai, với quan điểm phát triển bền vững, đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân theo yêu cầu, mục tiêu đã đề ra.

Nhiệm vụ, giải pháp khác của Bình Phước là phát huy cao độ các lợi thế về nguồn lực đất đai, vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ. Tỉnh phát huy thế mạnh để phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khẩn trương rà soát các Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo phân cấp, gửi Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện, đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật theo chỉ đạo tại Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 26/1/2021 và Công văn số 1643/VPCP-QHĐP ngày 15/3/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời hóa giải các khó khăn, thách thức của địa phương, cần quy hoạch và sử dụng đất đai hiệu quả, đồng thời phải bảo vệ môi trường.

Bình Phước cũng cần thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; không ngừng cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị hành chính công, cải cách hành chính cấp tỉnh; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chuyển đổi số, xã hội số, công dân số, kinh tế số.

Cùng với nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tỉnh cần ưu tiên, dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ và đặc biệt là đường cao tốc. Cần tập trung ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội.

Bình Phước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Bình Phước tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề người lao động, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh quan tâm công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ gia đình nghèo không có khả năng lao động để thoát nghèo.

Đồng thời, tỉnh coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bình Phước cũng cần tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần mỗi người dân là một cột mốc; nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Về đề nghị nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai chuẩn bị đầy đủ hồ sơ; giao Bộ Giao thông vận tải (Bộ cử một đồng chí Thứ trưởng trực tiếp thực hiện) khẩn trương chủ trì, làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2022.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) trong giai đoạn 2021-2025 để sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Về đề nghị lập và bổ sung 1 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 200 ha vào Quy hoạch tổng thể các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương kiến nghị của Tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, trong đó có tích hợp nội dung đầu tư phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2022.

UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương xây dựng hồ sơ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo đúng quy định của Luật Công nghệ cao và pháp luật khác liên quan.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều