Bài học từ việc cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà: Cần có giải pháp xử lý mạnh tay, triệt để đối với tình trạng vi phạm trật tự xây dựng

(Mặt trận) - Tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, xuất hiện nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm, phức tạp, gây bức xúc dư luận, cử tri. Đối với những trường hợp vi phạm này nếu không được xử lý dứt điểm, triệt để sẽ tạo ra tiền lệ xấu, hiện tượng “luật nước, lệ làng”, làm xói mòn niềm tin của nhân nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Với các vi phạm về trật tự xây dựng, xử lý nghiêm là rất cần thiết. Có thể có sự lãng phí về tài sản ở một vài đơn vị nhưng để giữ gìn kỷ cương, phép nước thì phải kiên quyết làm để tránh tái diễn, không tạo ra những tiền lệ xấu.

Nếu vì sợ lãng phí mà chấp nhận 1-2 trường hợp cho tồn tại thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, tình trạng nhờn luật, không đảm bảo tính răn đe khi xử lý các công trình vi phạm.

Công viên nước Thanh Hà (Hà Nội) bị cưỡng chế đầu năm 2020. Ảnh Báo Dân Việt.

Ở một vụ việc điển hình cụ thể, Công viên nước Thanh Hà từng là công viên nước lớn nhất Hà Nội có mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng do Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Việc công trình bị bắt buộc phải cưỡng chế chỉ sau 6 tháng đưa vào khai thác đã có rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù có hy sinh một phần nào lợi ích xã hội nhưng cuối cùng sẽ đem lại lợi ích lớn hơn, đó là tránh được tình trạng khinh nhờn luật pháp, bảo đảm xử nghiêm, nhanh và triệt để các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, theo đánh giá của chính quyền địa phương, dự án Công viên nước Thanh Hà được xác định là công trình xây dựng không phép và có sai phạm tại toàn bộ 19 hạng mục.

Dù có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng về việc không được tiếp tục triển khai xây dựng do chưa đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý, thế nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng công trình.

Đến đầu tháng 6/2019, chủ đầu tư đã đưa dự án đã đi vào sử dụng. Kể từ khi khai thác, Công viên nước Thanh Hà đã để xảy ra 2 vụ trẻ em bị chết do đuối nước.

Giai đoạn cuối năm 2019, các cấp chính quyền quận Hà Đông đã xây dựng phương án xử lý và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm này.

Sau một thời gian, chủ đầu tư không tự thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm, lực lượng chức năng quận Hà Đông buộc phải tiến hành cưỡng chế công trình sai phạm tại Công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương).

Liên quan đến việc phá dỡ Công viên nước Thanh Hà, chủ đầu tư cho rằng việc này gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho doanh nghiệp, trong khi lãnh đạo quận Hà Đông cho rằng “làm đúng các quy định pháp luật”.

Ngày 22/4/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1878/BXD-TTr phúc đáp Thanh tra Hà Nội về việc áp dụng pháp luật trong cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng. Văn bản do ông Chu Hồng Uy - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ký ban hành. Nội dung văn bản có nêu:

“…

1. Về phương án, giải pháp phá dỡ và thẩm quyền cưỡng chế

Điều 4 Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng hoặc thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp, mà hành vi này đã kết thúc thì ngoài việc bị xử phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không tự giác chấp hành biện pháp tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ.

2. Về việc thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ

Phương án, giải pháp phá dỡ đối với từng công trình, phần công trình xây dựng vi phạm được thể hiện cụ thể trong hồ sơ được phê duyệt. Do đó, Thanh tra Thành phố Hà Nội căn cứ theo quy định của pháp luật, hồ sơ xử lý vi phạm và phương án, giải pháp phá dỡ đã được phê duyệt tại Công viên nước Thanh Hà để xác định và kết luận theo thẩm quyền đối với trường hợp cụ thể này…”.

Một số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm diễn ra gần đây cho thấy thực trạng đáng báo động, lo ngại của cử tri và dư luận về tình trạng khinh nhờn, thách thức, thậm chí vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài ở một bộ phận cá nhân, doanh nghiệp là có cơ sở.

Tình trạng khinh nhờn kỷ cương, phép nước nếu không được xử lý nghiêm sẽ như một “căn bệnh truyền nhiễm” gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tạo ra thách thức đối với những nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng chính quyến kiến tạo, lành mạnh giúp thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Do đó, để đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật, nếu cố ý sai phạm mà không tự giác, khẩn trương khắc phục hậu quả thì việc đập bỏ hoàn toàn cả công trình vi phạm là đúng đắn và cần phải làm.

Hai là, nhiều ý kiến cho rằng, cần mạnh tay hơn nữa trong xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng như cắt điện, cắt nước, cưỡng chế phá dỡ và phải làm quyết liệt chứ không làm nửa vời.

Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn… lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương xác minh, xử lý, thậm chí cá nhân, chủ thể vi phạm có thể phải chịu những chế tài nặng hơn ở khung pháp luật hình sự.

Ba là, việc xây dựng không phép, trái phép phải cần phải được phát hiện xử lý ngay, không để dây dưa, kéo dài với phương châm lấy dân làm gốc, các cấp chính quyền, hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, lực lượng chuyên trách cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ. Mặt khác, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách và nếu làm sai phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều