Bão số 9 rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp: Những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp

Bão số 9 cùng không khí lạnh sẽ khiến mưa lớn, lũ quét, sạt lở. Vùng ảnh hưởng trải suốt từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa – Vũng Tàu và khả năng mở rộng xuống tới Bến Tre

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 04 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 230km về phía Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.

 Dự báo hướng đi và vị trí bão số 9

Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, từ trưa nay ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; từ sáng mai (24/11) gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ chiều tối và đêm nay (23/11) đến ngày 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Cảnh báo lũ: Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Tất cả các vùng núi đều có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các vùng đô thị, vùng trũng ven sông có nguy cơ ngập lụt cao. Tại Nam Trung Bộ, thủy triều đang ở mức cao. Đỉnh triều rơi vào khoảng 20-23h. Cơn bão số 9 được dự báo đổ bộ vào bờ lúc rạng sáng, do đó, thời gian đỉnh triều vào đêm hôm trước đến khi bão vào lúc sáng sớm sẽ gây nguy cơ ngập lụt cao nửa đêm và sáng ở các khu vực ven biển.

 

Ảnh vệ tinh.

Khu vực chịu ảnh hưởng có thể xuống Bến Tre

Trong Hội thảo trực tuyến về công tác dự báo phục vụ cơn bão số 9 năm 2018 diễn ra vào đêm 22/11, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ 1h sáng 22/11 Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã vượt qua Philippines đi vào biển Đông, vào khoảng 14h chiều 22/11 đã mạnh lên thành cơn bão số 9 trong năm 2018.

 

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

“Từ chiều tối 22/11 bão số 9 đã di chuyển lệch về hướng Tây và chúng tôi dự báo ngày 23/11, bão sẽ tiếp tục di chuyển lệch về phía nam theo hướng Tây và Tây tây nam. Khu vực trọng tâm chịu ảnh hưởng sẽ bắt đầu từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu và có thể mở rộng xuống khu vực Bến Tre. Hiện tại đang có khối không khí lạnh di chuyển xuống và tương tác sẽ làm cho cơn bão số 9 có đường đi rất phức tạp”, ông Hưởng cho hay.

Phân tích về hướng đi và kịch bản của bão số 9 ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng: “Với sự tương tác với khối không khí lạnh có khả năng sẽ làm cho cơn bão số 9 sẽ yếu đi và trôi xuống phía nam khi đi vào gần bờ. Kịch bản xấu nhất theo chúng tôi nhận định thì bão số 9 sẽ tương tác với không khí lạnh di chuyển vào khu vực từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và gây gió mạnh ở khu vực đó”.

Ông Hưởng cho biết thêm: “Cơn bão số 9 có khả năng mạnh hơn bão số 8 và vùng ảnh hưởng trên biển và trên đất liền của bão số 8 và 9 hoàn toàn khác nhau. Bão số 8 ảnh hưởng trên đất liền trọng tâm là Khánh Hòa – Phú Yên và Ninh Thuận, tuy nhiên bão số 9 vùng ảnh hưởng trải suốt từ Quảng Ngãi trở vào đến tận Bà Rịa – Vũng Tàu và có khả năng xuống tới Bến Tre. Từ chiều 23/11, vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6 – 7 và sáng 24/11 gió khu vực đó sẽ mạnh lên cấp 8 và vùng tâm bão sẽ đi qua có thể cấp 9 – 10. Trên đất liền từ khu vực từ Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu từ sáng ngày 24/11 sẽ có gió mạnh cấp 6 và tăng dần lên khi bão vào đất liền. Khu vực tâm bão khả năng đi vào sẽ có gió mạnh cấp 8 – 9 và gió giật lên tới cấp 11 – 12”.

Lượng mưa lớn tập trung ở nhiều nơi

Trao đổi với PV ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 9 tương đối phức tạp do tương tác với khối không khí lạnh tràn xuống.

 

Ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

“Quá trình tương tác với không khí lạnh sẽ làm ảnh hưởng đến lượng mưa, gió mạnh của cơn bão đối với khu vực ven biển và đất liền của nước ta. Đầu tiên khi tương tác với không khí lạnh sẽ làm cho bão mạnh lên do đó trước khi bão vào bờ thì sẽ có gió mạnh, sau khi bão đổ bộ vào thì gió sẽ yếu nhanh. Thứ 2 mưa do không khí lạnh ảnh hưởng trước do đó khu vực Trung Trung Bộ từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi là sẽ có mưa to trước. Sau khi bão vào thì lượng mưa dịch xuống phía nam, trọng tâm lúc đó sẽ tập trung vào khu vực Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Trọng tâm mưa lớn nhất sẽ vào lúc kết hợp giữa bão và không khí lạnh, tức là trong ngày và đêm 24/11. Thời điểm đó trọng tâm sẽ nằm vào khu vực Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa”.

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm: “Đối với khu vực Nam bộ, trước khi bão vào hầu như không mưa, mưa chủ yếu tập trung vào phần phía tây và Tây Bắc. Sau khi bão đổ bộ, mưa sẽ tăng trong ngày 25/11 tại khu vực Nam bộ, tuy nhiên cường độ mưa sẽ không cao bằng khu vực Trung Trung Bộ. Sau khi bão đổ bộ tại khu vực Trung Trung Bộ mưa sẽ duy trì nhiều ngày vì còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với địa hình của dãy Trường Sơn”.

 

Hội thảo trực tuyến về công tác dự báo phục vụ cơn bão số 9 năm 2018 diễn ra vào đêm 22/11, tại Trung tâm điều hành tác nghiệp Khí tượng Thủy văn (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, số 8 Pháo Đài Láng, Hà Nội).

Trong khi đó trong Hội thảo phía Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo về gió mạnh, từ sáng 23/11 ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Từ đêm 23/11 đến ngày 26/11, mưa lớn sẽ xuất hiện ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên, lượng mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 di chuyển chậm (10km/h) và liên tục mạnh lên. Bộ trưởng NN&PTNT - Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền mang theo mưa lớn, với trọng tâm đi vào 14 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, lũ quét, sạt lở dễ xảy ra ở khu vực 9 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu, Tây Nguyên.

Theo Nguyễn Ngân/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều