Bí thư huyện bị cấp dưới quát vì “đóng vai” dân thường?

Bí thư Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) ăn mặc bình dân, đến thăm nơi làm việc tại phòng “một cửa” trong trụ sở UBND xã Ia Pếch, thấy một cán bộ ngủ trong giờ làm việc. Khi ông thắc mắc về việc này thì vị cán bộ tỉnh giấc và quát “có việc gì?”.

 (Đồ họa của Motthegioi.vn)

Vị cán bộ “ngủ ngày” tên N.C.T, là cán bộ địa chính xã. Cán bộ này còn gác chân lên bàn làm việc và ngả ra lưng ghế trong khi ngủ. Hình ảnh này chắc hẳn là không đẹp của một cán bộ tiếp dân, thường được xem là “công bộc”, là “đầy tớ của nhân dân”, và cũng làm xấu hình ảnh của cả công sở.

“Có việc gì?”. Câu hỏi ấy với giọng điệu ấy nghe quen rồi. Đó là câu mà các cán bộ quan liêu, cửa quyền, trịch thượng… thường dùng giao tiếp với dân khi “đến cửa công”. Tình trạng này không phải là hiếm, từng xảy ra ở một số nơi và tất nhiên là chỉ đối với người dân mà thôi. Chỉ khác là trong trường hợp Bí thư huyện bị quát, “lỗi” do ông đã ăn mặc bình dân quá, không ra vẻ quan chức nên anh cán bộ xã kia không nhận ra. 

Nhưng có đóng vai dân thường thì ông bí thư huyện mới ít nhiều thấu được dân tình còn khổ bao thứ khi đến cửa quan/cửa công. Không chỉ có quát tháo, cật hỏi, mà còn hành năm lần bảy lượt chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ thủ tục bất nhất đến “lên bờ xuống ruộng” nữa kia, thưa ông Bí thư.

Một bộ máy còn có cán bộ, công chức, viên chức chiếm đến vài chục phần trăm “sớm vác ô đi tối vác ô về”, và khi làm việc thì “ngủ ngày” gà gật, rồi quát tháo người dân… thì đủ thấy nền hành chính công chúng ta không chỉ kém hiệu quả giải quyết công việc mà thái độ ứng xử, phục vụ người dân còn nhiều vấn đề khó có thể chấp nhận được.

Song như vậy không có nghĩa là vơ đũa cả nắm. Hiện ở nhiều phường tại một số thành phố lớn, tinh thần cải cách hành chính phụng sự người dân cũng đã mang lại thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính công và thái độ phục vụ của cán bộ cũng rất nhiệt tình. Thế nhưng, chính những cán bộ ở các khu vực này lại bị quá tải công việc trong khi đồng lương, thu nhập chưa tương xứng. Bởi về mặt lí thuyết, những cán bộ công chức làm việc tích cực đã bị san sẻ đồng lương thu nhập cho những cán bộ công chức “sớm vác ô đi tối vác ô về” hay những cán bộ “ngủ ngày”, quan liêu, cửa quyền…

“Có việc gì?”, lối hỏi lâu nay luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân đến cửa công trong một nền hành chính còn nặng xin – cho cứ như được mặc định người dân đến để “xin”, còn cán bộ thì có quyền “cho” hay không.

Theo Thế Lâm/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều