Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – Một con người đổi mới và sáng tạo

Đó là chủ đề hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (10-10-1917 – 10-10-2017) do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10-10-1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc. Với gần 40 năm tham gia cách mạng nhất là từ khi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo. Tiêu biểu là Nghị quyết 68-NQ/TU, ngày 10-9-1966 “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Đây là đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, một trong những cơ sở để Trung ương ban hành Chỉ thị 100/CT-TƯ ngày 13-1-1981 và Nghị quyết 10/NQ-TƯ ngày 5-4-1988, từ đó làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Tại thời điểm Nghị quyết ra đời và triển khai, “Khoán hộ” bị coi là đốt cháy giai đoạn, không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là một sự “vượt rào”, vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp thời bấy giờ nên không thể triển khai rộng rãi.

Thời gian thực hiện Nghị quyết 68 không dài nhưng những kết quả mà “khoán hộ” tạo ra là vô cùng to lớn, đem lại hiệu suất lao động ngày càng cao. Tính đến cuối năm 1967, Vĩnh Phúc có 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt 222 nghìn tấn, tăng hơn năm trước 4.000 tấn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo của nông thôn Vĩnh Phúc giữa những năm 60 của thế kỷ XX. Hình tượng Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là nguồn cảm hứng để nhà văn Vân Thảo viết thành tiểu thuyết “Bí thư Tỉnh ủy” và sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình. Với những cống hiến to lớn và thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, đồng chí Kim Ngọc đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009.

Gần 20 bài tham luận của các nhà khoa học tham gia tại hội thảo đã khẳng định, làm sáng tỏ cuộc đời hoạt động cách mạng, những cống hiến xuất sắc của đồng chí Kim Ngọc đối với cách mạng và tư duy đổi mới mang tính đột phá “khoán hộ” trong nông nghiệp. Trong đó, khẳng định khoán hộ là tín hiệu dự báo một hướng đi mới của nông nghiệp, nông thôn, tìm ra lời giải cho những vấn đề nảy sinh từ mô hình hợp tác hóa và tập thể hóa, nhất là vấn đề cơ chế quản lý. Bài học lớn từ tư duy Kim Ngọc và thực tiễn ở Vĩnh Phúc là những đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, là một trong những cơ sở để Trung ương tham khảo, hoạch định đường lối đổi mới, mà trước hết là đổi mới nông nghiệp.

Theo Đức Tùng/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều