Bộ GDĐT công bố 31 đơn vị xác nhận hồ sơ "không chuẩn xác" cho ứng viên GS, PGS

Chiều 5/4, Bộ GDĐT đã công bố danh sách các đơn vị xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS 2017, trên cơ sở công khai, minh bạch và sẽ có hình thức xử lý nghiêm.

 Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong việc xác nhận hồ sơ của ứng viên GS, PGS.

Liên quan đến lùm xùm xét duyệt, công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua, Bộ GDĐT vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót khi xác nhận thời gian giảng dạy của các giảng viên thỉnh giảng liên quan đến việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ (qua Vụ Giáo dục Đại học) trước ngày 30.4.2017.

 

Danh sách các cơ sở đào tạo vi phạm trong việc xác nhận hồ sơ của ứng viên GS, PGS. 

Kèm theo công văn này là danh sách các trường, cơ sở giáo dục đã có sai phạm trong việc xác nhận sai về giờ giảng dạy của 41 ứng viên GS, PGS không được công nhận đạt chuẩn.

Cũng trong công văn này, Bộ GDĐT nhìn nhận sai sót của việc xét duyệt hồ sơ và công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS chủ yếu nằm ở các khâu: Ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể; cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ; các Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên chưa kỹ càng.

Để chấn chỉnh tình trạng xảy ra sai sót khi xác nhận thời gian giảng dạy của các giảng viên thỉnh giảng liên quan đến việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 và nâng cao trách nhiệm của các đại học, học viện trường đại học trong việc tổ chức, quản lý và đánh giá chất lượng hoạt động thỉnh giảng, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

Rà soát quy định, quy trình của cơ sở đào tạo liên quan đến quá trình tổ chức và quản lý hoạt động thỉnh giảng, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định hiện hành về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở đào tạo.

Chấn chỉnh công tác mời giảng viên thỉnh giảng, quản lý, đánh giá chất lượng hoạt động thỉnh giảng, lưu trữ hồ sơ thỉnh giảng và xác nhận kết quả thực hiện hoạt động thỉnh giảng gửi đến cơ quan, tổ chức liên quan.

Công khai số lượng và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hoạt động thỉnh giảng hằng năm theo quy định trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Theo Đặng Chung/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều