Cả hệ thống Mặt trận cùng vào cuộc trong đấu tranh với tham nhũng, lãng phí

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tám (Khoá VIII), chiều 5/1, các cụ, các vị và các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chia làm 4 tổ thảo luận về Dự thảo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2017 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2018; Đề án tổ chức Đại hội Mặt trận các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024; Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần này chia tổ thảo luận với mục đích lắng nghe tâm tư, ý kiến của đại biểu về việc triển khai các hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới.

Hệ thống Mặt trận phải là một hệ thống không có tham nhũng

Tại tổ thảo luận số 3 do Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì, ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Trưởng Ban Tổ chức UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc thảo luận tại tổ là sự đổi mới và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu tại các hội nghị trước đó.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, hoạt động của Mặt trận cần phải thiết thực hơn. Mặt trận muốn vận động nhân dân lên tiếng về các vụ việc tham nhũng thì phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Cũng như phải lên tiếng phổ biến tác hại của việc sản xuất thực phẩm bẩn, hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống”…

Bày tỏ niềm vui mừng trước Chỉ thị số 17 về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 của Ban Bí thư, ông Vĩnh cho rằng, Chỉ thị đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể như Đại hội là một phong trào thi đua, trong đó có những điểm mới, mạnh mẽ như Thường vụ cấp uỷ sang làm Bí thư Đảng đoàn và trực tiếp là Chủ tịch Mặt trận.

Trăn trở với công tác bảo tồn các giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới, bà Linh Nga Niê Kdăm, dân tộc Êđê, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn hoá Dân gian Việt Nam cho rằng, Mặt trận nên chú trọng vấn đề bảo tồn văn hoá khi xây dựng nông thôn mới, vì thực tế hiện nay tại các buôn làng Tây Nguyên đều có nhà Rông, trong khi nhà Rông chưa sử dụng hết mục đích thì lại phải xây dựng nhà văn hoá theo tiêu chuẩn nông thôn mới, do vậy người dân không đồng thuận.

Chia sẻ với các đại biểu tại cuộc thảo luận tổ, ông Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân bàn đến việc phát huy dân chủ ở cơ sở.

Theo ông Lâm, phải hiểu đây là một cuộc vận động hay để nhân dân đóng góp ý kiến vào xây dựng Đảng, xây dựng chế độ. Bởi thực tế, việc giám sát dân chủ ở cơ sở chưa thực chất. Ví dụ phường có 300 hộ dân nhưng khi đi họp chỉ được 20 hộ, những ý kiến phát biểu không bám sát vào đời sống thiết thực. Chính vì vậy, Mặt trận phải suy nghĩ, làm thế nào để người dân nói được tâm tư, nguyện vọng của mình đối với công việc của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, ông Lê Kế Lâm đề nghị đưa việc phát huy dân chủ ở cơ sở vào việc phát huy đạo đức của công dân. “Đạo đức công dân đang báo động. Người buôn bán thì buôn hàng giả, hàng lậu, người sản xuất thực phẩm thì làm ra những thực phẩm ô nhiễm… Rõ ràng đạo đức công dân, trách nhiệm cộng đồng cần phải phát động thành cuộc vận động sâu rộng.”, ông Lê Kế Lâm nhấn mạnh.

Trong công tác đối ngoại nhân dân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cho rằng, trên đất liền đã làm rất tốt nhưng công tác đối ngoại nhân dân với các nước có đường biển như Philippines, Indonesia, Singapore... chưa được phát huy, chính vì vậy phải đẩy mạnh đối ngoại trên lĩnh vực này để tạo thuận lợi hơn cho ngư dân của Việt Nam hành nghề trên biển.

Ghi nhận các ý kiến thảo luận tại tổ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, ý kiến của các đại biểu sẽ được bổ sung vào báo cáo, vào đề án nhân sự và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam. 

Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong thời gian qua, những ý kiến cử tri và nhân dân phản ánh lên Mặt trận tại 2 kỳ họp Quốc hội đều được Thủ tướng Chính phủ ra văn bản chỉ đạo và giao cho các bộ, ngành giải quyết.

Sự tham gia của nhiều Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương trong việc tham dự Ngày hội Đại đoàn kết thời gian qua cũng chính là một cách để lắng nghe ý kiến của nhân dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hệ thống Mặt trận.

Nhắc lại quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cho rằng, Mặt trận có bàn tay sạch, không có dự án, không liên quan đến tiền bạc nhiều, cho nên Mặt trận phải vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, huy động toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, sắp tới trong toàn quốc, hệ thống Mặt trận phải là một hệ thống không có tham nhũng, mỗi địa phương phải phát hiện vụ việc tham nhũng để báo cáo cấp ủy để cấp ủy xử lý.

Tăng cường năng lực giám sát và phản biện của Mặt trận

Tại phiên họp tổ 2 do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì, ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần phải khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó phải có các ban chỉ đạo tại từng cơ sở cấp huyện; ngoài ra tổ chức CVĐ trong các tổ chức doanh nghiệp, các đơn vị trực tiếp sản xuất ra sản phẩm hàng Việt để đạt được hiệu quả cao nhất.

Trong vấn đề giám sát, ông Trần Phù Tiêu đề nghị giám sát, phản biện của MTTQ phải thực chất, phải phối hợp được với các tổ chức đoàn thể xã hội và chính quyền để đạt được hiệu quả, mục tiêu, yêu cầu đề ra. “Cấp ủy và chính quyền phải thay đổi nhận thức về vai trò của MTTQ tham gia vào giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền phải cung cấp tiêu chí, chủ động phối hợp với MTTQ để có sự giám sát theo chủ đề phản biện. Ngoài ra, phải giải quyết được những vấn đề sau giám sát”, ông Trần Phù Tiêu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Phù Tiêu, hiện nay việc phòng, chống tham nhũng được cả xã hội quan tâm và MTTQ tham gia trong với vai trò giám sát, tập hợp ý kiến phản ánh của người dân về tham nhũng. Vấn đề là tạo một cơ chế tiếp thu để chính quyền, cấp ủy lắng nghe, tiếp thu thì công việc của MTTQ mới có ý nghĩa, chứ không chỉ làm cho có.

Đối với công tác nhân sự, ông Trần Phù Tiêu cho rằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh phải là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để tăng vai trò, tiếng nói của MTTQ, đúng với vị thế, vai trò của tổ chức Mặt trận trong thời kỳ mới.

Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ góp ý, trong các ngày hội đại đoàn kết tại khu dân cư, ngoài xây tặng nhà Đại đoàn kết, biểu dương người nghèo thì cần phải biểu dương cả những hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo để khuyến khích, động viên họ, cũng như lấy đó làm gương để các hộ còn nghèo vươn lên thoát nghèo. Bà Nhung cũng đề nghị Thông tư về giám sát, phản biện xã hội cần phải được cụ thể hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận tham gia hiệu quả. Tuy nhiên, tại nhiều nơi thì Mặt trận hoạt động chưa hiệu quả.

“Tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần có hướng dẫn hoặc chỉ thị cụ thể để tổ chức Mặt trận có thể tham gia hiệu quả hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội. Ở Cần Thơ, trước khi HĐND họp thì các nội dung họp được Thường trực HĐND gửi cho MTTQ tỉnh để xin ý kiến phản biện, góp ý kiến. Tôi cho rằng, mô hình này có thể nhân rộng”, bà Nhung nói.

Ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của các cụ, các vị và đại biểu liên quan đến vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những ý kiến này sẽ giúp Mặt trận Trung ương đưa ra chương trình hành động sao cho phù hợp với vị trí, vai trò của Mặt trận và phát huy được hình ảnh Mặt trận là nơi đoàn kết, đại diện cho tiếng nói của nhân dân; từ đó phát huy vai trò của các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội.

Có hiện tượng chỉ nói “lời hay ý đẹp” tại các hội nghị phòng, chống tham nhũng

Tại tổ thảo luận số 1 do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì, Giáo sư Quách Sỹ Hùng trăn trở về vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong thách thức của xã hội hiện này. Theo ông, cần nhìn rõ vào tình trạng thực tế của khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay, nhất là những tồn tại để có giải pháp khắc phục. Trong đó đã bắt đầu xuất hiện tình trạng giảm lòng tin của người dân vào chính quyền với nguyên nhân chủ yếu là tham nhũng.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đang có một tình trạng không đồng nhất trong xử lý các vấn đề hiện nay của xã hội. Cụ thể như vấn đề tham nhũng, ở cấp trên xử lý rất nghiêm khắc nhưng các cấp dưới vẫn chưa thực hiện nghiêm. Nhiều đơn thư tố cáo của người dân phải vượt cấp, phải gửi ra Trung ương xuất phát từ nguyên nhân trên. Ngoài ra, ông Đệ cũng cho rằng, có một hiện tượng nói “lời hay ý đẹp” tại các hội nghị bàn về tham nhũng, khiến cho vấn nạn này chưa được giải quyết dứt điểm, đúng như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước. Ông cũng cho biết, trong một số cuộc họp với lãnh đạo Trung ương gần đây, ông nhận thấy đã có sự xuất hiện của việc các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đang đổi mới, ít “nghe báo cáo” bằng văn bản của cấp dưới mà lắng nghe ở các “kênh” khác như báo chí, người dân để nâng cao hiệu quả trong công tác chống tham nhũng; đồng thời xóa bỏ tư tưởng “nói thẳng, nói thật” các vấn đề tồn tại sẽ bị cho nghỉ việc ở khóa sau.

Nhiệm vụ của Mặt trận thời gian tới cần hướng nhiều về cơ sở

Tại tổ thảo luận số 4 do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì, ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Lương Bạch Vân, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách UB MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cho rằng, kiều bào đóng góp phần quan trọng vào việc đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, nhưng hiện chúng ta chưa quan tâm nhiều đến công tác này. Theo bà Vân, ngoài lượng kiều hối chuyển về nước, thì nhiều chuyên gia, trí thức sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa Việt kiều và đồng bào trong nước, giúp quảng bá hình ảnh đất nước được tốt hơn.

Theo bà Vân, trong đợt lũ lụt, thiên tai vừa qua, kiều bào cũng đã đóng góp, ủng hộ về đồng bào các nước. Đây là những việc làm góp phần thắt chặt tình cảm giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với đồng bào trong nước. Bà Vân đề nghị, trong báo cáo tổng kết của Mặt trận cần đề cập đến vấn đề này.

Linh mục Phan Khắc Từ, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hồ Chí Minh đề nghị, cần tăng cường vị thế của tôn giáo, nhất là ở các địa phương đông người theo đạo, giúp cho họ có vị thế cao hơn ở Mặt trận, vì Mặt trận là điểm tựa, là tiếng nói của các các tầng lớp nhân dân. Thông qua Mặt trận, người theo đạo nói lên được tiếng nói của mình, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, và khi đã tháo gỡ được thì bà con sẽ gắn bó hơn, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những ý kiến thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, hiện nay, có nhiều vấn đề của đất nước cần giải quyết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có thủ tục hành chính, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho người dân. Theo Điều 39 của Luật Thanh tra quy định, phải công khai kết luận thanh tra để nhân dân biết, tuy nhiên việc công khai này vẫn còn hạn chế.

Về phản biện xã hội, một số nơi thực hiện tốt, nhưng nhìn chung là chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhiều. Thời gian tới, đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ, thực hiện tốt từng quy trình, chọn vấn đề trọng tâm để phản biện có hiệu quả cao nhất.

Thời gian qua, đã xuất hiện không ít vấn đề gây bức xúc trong dư luận, cũng vì thế mà xuất hiện những phản ứng tiêu cực. Vì vậy nhiệm vụ của Mặt trận cần hướng nhiều về cơ sở, đi sâu vào những vấn đề “nóng”, người dân quan tâm.

Hương Diệp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều