Các tỉnh Tây Nam Bộ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 1/4, tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ (Cụm thi đua) do tỉnh Kiên Giang làm Cụm trưởng tổ chức tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2021, đề ra phương hướng và ký kết thi đua năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân dự và chỉ đạo hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị. 

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo 12 tỉnh Tây Nam Bộ và các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận, biểu dương các tỉnh Tây Nam bộ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường đã nỗ lực, tập trung quyết liệt, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Các tỉnh tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, kịp thời giúp cho người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và 12/12 tỉnh đạt chỉ tiêu giảm nghèo năm 2021. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền Tây Nam Bộ, an ninh trên biển, tuyến biên giới tiếp tục ổn định và được giữ vững.

 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 
Phó Chủ tịch nước đề nghị các tỉnh Tây Nam Bộ trong năm 2022 tiếp tục thực hiện bình thường mới, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tốc độ cao hơn, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Các tỉnh nắm chắc những chủ trương, quan điểm mới của Đảng về thi đua - khen thưởng, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới đi vào thực chất đời sống nhân dân và hiệu quả, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tại hội nghị lãnh đạo các tỉnh trình bày tham luận, thảo luận, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm trong thực hiện giao ước thi đua năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022. Cụm thi đua 12 tỉnh Tây Nam Bộ thống nhất thực hiện đạt mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân”, cùng với tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với chỉnh đốn Đảng và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Chuyển đổi số Quốc gia”…
 
Đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng

 Trao cờ luân lưu cho Cụm trưởng thi đua tỉnh Đồng Tháp năm 2022. 
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, xác định nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”, các tỉnh trong Cụm thi đua đã đạt nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết: “Với trách nhiệm là Cụm trưởng, tỉnh Kiên Giang đã cùng với các tỉnh kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của nhiều năm trước, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Cụm thi đua; tổ chức phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của 9/12 tỉnh có mức tăng trưởng dương, trong đó cao nhất là Bạc Liêu 5,05%, đạt 56,11% kế hoạch; 3 tỉnh tăng trưởng kinh tế âm là Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Tổng thu ngân sách của Cụm thi đua này là 87.995 tỷ đồng, đạt 101,37% kế hoạch; tổng kim ngạch xuất khẩu 17.899 triệu USD, đạt hơn 94% kế hoạch, 4 tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau đạt và vượt chỉ tiêu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội toàn cụm là 298.488 tỷ đồng, đạt gần 94% kế hoạch, các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội toàn Cụm thi đua có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện, ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh trong cụm ổn định và được giữ vững.

Ngoài ra, các tỉnh thi đua thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cụ thể là tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đảm bảo kịp thời và cụ thể hóa của từng địa phương. Tổ chức có hiệu quả, nhiều cách làm mới và mô hình hay để tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Các tỉnh trong Cụm thi đua tổ chức, triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do Trung ương phát động. Cụ thể, là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, với 265 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, vượt 7,72% chỉ tiêu. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, cải tiến công nghệ. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó các tỉnh tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; phát triển hạ tầng vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm và nghĩa vụ, đổi mới phong cách làm việc, gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, thân thiện trong thực thi công vụ.

 Các tỉnh Tây Nam bộ ký giao ước thi đua năm 2022. 
Cùng với đó, phong trào thi đua của các tỉnh thể hiện được nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, bình xét khen thưởng đảm bảo dân chủ, đúng đối tượng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các tỉnh trong Cụm thi đua.

Thực hiện giao ước thi đua năm 2021, tỉnh Hậu Giang xếp hạng 1, Bạc Liêu xếp hạng 2 và An Giang xếp hạng 3.
 
Kết thúc hội nghị, Cụm trưởng thi đua năm 2021 Kiên Giang trao cờ luân lưu cho Cụm trưởng thi đua năm 2022 là Đồng Tháp và 12 tỉnh ký kết giao ước thi đua năm 2022.

Theo Lê Huy Hải (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều