Cần 'bàn tay sắt' như Đảng đang làm trong tinh giản biên chế

"Phải có "bàn tay sắt" như Đảng đang làm trong công tác cán bộ, coi bộ máy, biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh", Đại biểu (ĐB) Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ý kiến khi thảo luận về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sáng nay, 30/10.

Thảo luận về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đa số các ĐB đồng tình cao với nội dung báo cáo giám sát về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày trước Quốc hội.

Các ĐB nhấn mạnh tính cấp thiết, khách quan trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đồng thời đề xuất một loạt giải pháp liên quan đến việc rà soát, hoàn thiện hệ thống VBQPPL về tổ chức bộ máy, đánh giá cán bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử...

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng việc giao biên chế còn chưa sát thực tế, lấy dẫn chứng nhiều bộ ngành còn dư biên chế được giao (tại các Tổng cục, cục, vụ), ĐB đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ việc giao biên chế, tránh cơ chế xin cho, thống nhất cơ quan quản lý biên chế.

ĐB Xuân dẫn chứng, khi vào website của một tỉnh thì thấy lãnh đạo của UBND tỉnh có 4 đồng chí, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh phải kiêm nhiệm Trưởng ban hoặc Chủ tịch của 27 tổ chức liên ngành, 3 Phó Chủ tịch còn lại phải kiêm nhiệm - người ít nhất là 10 tổ chức, người nhiều là 25 tổ chức, ĐB đề nghị khẩn trương rà soát, kiên quyết giảm các tổ chức liên ngành ở cả Trung ương, địa phương.

ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nhấn mạnh tình trạng lãnh đạo quản lý không thực hiện các chỉ đạo của cấp trên về tinh giản bộ máy, tinh giảm biên chế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm, tránh tình trạng xử lý kỷ luật 'nhẹ trên, nặng dưới'...

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng kết quả cải cách tổ chức bộ máy tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa vững chắc, ĐB Thúy phân tích tình trạng cấp trên "ôm đồm", cấp dưới "đẩy việc" lên cấp trên, việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở Trung ương, cấp dưới bị động, ỷ lại, cơ chế xin cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, và cuối cùng công việc của dân, của nước bị ách tắc...

ĐB của đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho rằng đạo đức công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế, chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân, nguyên nhân công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch là do họ ít phụ thuộc vào người dân, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào người dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, phần lớn công chức không thạo việc (dù bằng cấp rất đầy đủ); tình trạng phân cấp phân nhiệm thiếu triệt để, rõ ràng dẫn tới cấp trên phải làm thay cấp dưới... Cán bộ chính trị bị sa vào công việc hành chính cụ thể...

ĐB Thúy đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng bộ phận trong bộ máy; về lâu dài các quan chức chính trị phải được dân bầu hoặc giới thiệu; quan chức hành chính phải được tuyển dụng theo tiêu chí cụ thể; xây dựng quy chế cụ thể đánh giá công chức trên cơ sở hài lòng của người dân một cách thực chất.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm cán bộ công chức sai phạm, "vô cảm", kỷ luật công vụ không nghiêm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế không đạt yêu cầu.

"Phải có "bàn tay sắt" như Đảng đang làm trong công tác cán bộ, coi bộ máy, biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh", ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ý kiến đồng quan điểm với nhiều ĐB.

Theo P. Luật/Báo Pháp luật Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều