Cần bảo đảm an toàn khi nới lỏng giãn cách

Nhịp sống của TP Hà Nội trong ngày đầu nới lỏng giãn cách trở nên sôi động khi các công sở và nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ… được phép hoạt động trở lại. Trong bối cảnh mầm bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng, các cơ quan, đơn vị của thành phố nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân, an toàn để sản xuất và khôi phục kinh tế.
Các ngả đường trung tâm Thủ đô Hà Nội tràn ngập người và xe tối 21/9. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Sau gần hai tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với việc thành phố khống chế tốt dịch bệnh, chỉ còn một số ổ dịch nhỏ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới. Bắt đầu từ ngày 21/9, việc chống dịch trên địa bàn được thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trở lại nhịp sống sôi động

Phố phường Hà Nội lấy lại nhịp sống quen thuộc ngay trong buổi sáng đầu tiên thành phố nới lỏng giãn cách. Ngày 21/9 đúng vào ngày Tết Trung thu, cho nên từ sáng sớm, các khu chợ dân sinh đông đúc. Nhiều người dân tranh thủ đi sớm để mua đồ lễ cúng rằm. Đến khoảng 7 giờ, đường phố tấp nập người và phương tiện.

Ngoại trừ 22 chốt tại các tuyến đường cửa ngõ vẫn tiếp tục được các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, thì các chốt kiểm soát trong khu vực nội đô đã được tháo dỡ. Lưu lượng phương tiện qua lại khá đông, nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc. Các tuyến đường chính trong nội đô như: Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Tây Sơn, Giảng Võ, Đê La Thành… lượng người đi lại tăng lên đáng kể.

Trong sáng 21/9, nhiều cửa hàng cắt tóc mở cửa sớm và rất đông khách, nhất là các hiệu cắt tóc nam, khi nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt. Anh Đinh Khánh Linh (phố Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết: “Thời gian rồi tôi phải nhờ người trong gia đình cắt tóc tại nhà. Mãi đến hôm nay mới được chăm sóc đầu tóc một cách chu đáo”.

Từ ngày 15/9, thành phố đã cho phép các cửa hàng ăn uống tại 19 quận, huyện là “vùng xanh” được bán hàng mang về, nhưng bắt đầu từ sáng 21/9, 11 quận, huyện còn lại mới được mở cửa trở lại. Song cửa hàng ăn uống trong ngày đầu nới lỏng giãn cách vẫn hoạt động cầm chừng. Những phố có nhiều hàng cà-phê như: Nguyễn Hữu Huân, Triệu Việt Vương… lác đác mới có quán mở cửa trong buổi sáng. Đến trưa và chiều, không khí mới trở nên sôi động hơn. Được quán triệt từ trước, tất cả các quán đều treo biển bán hàng đem về. Thậm chí nhiều quán cà-phê chăng dây trước cửa và khách chỉ có thể đứng từ xa để mua hàng.

Ngày 21/9, các công sở cũng trở lại hoạt động theo nguyên tắc 50% số lao động làm việc tại chỗ, 50% làm việc trực tuyến. Trong ngày đầu tiên làm việc theo “nhịp sống mới”, tại trụ sở các cơ quan chính quyền trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vắng người đến làm các thủ tục hành chính. Tất cả các trụ sở đều bố trí những thông điệp về phòng, chống dịch bệnh, nước sát khuẩn phục vụ nhân dân đến làm thủ tục.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: “Việc hoàn thành các nhiệm vụ trong bối cảnh chỉ bố trí một nửa số cán bộ làm việc tại chỗ khiến anh em phải nỗ lực hơn, nhưng chúng tôi quán triệt mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng đối với bộ phận một cửa cấp quận và bộ phận một cửa của toàn bộ 18 phường bố trí 100% nhân lực đi làm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Bởi sau một thời gian phải giãn cách, có thể nhu cầu của người dân tăng lên”.

Có biểu hiện lơ là, chủ quan

Tại quận Long Biên, ổ dịch ở phường Việt Hưng vẫn diễn biến phức tạp khi tiếp tục xuất hiện thêm một số ca bệnh mới. Tuy nhiên, với tinh thần khoanh vùng hẹp nhất, nhưng bảo đảm “đúng và trúng”, phường Việt Hưng phong tỏa 58 hộ, với gần 200 người dân. Tại ổ dịch phường Ngọc Thụy (lây từ ổ dịch phường Việt Hưng) có 64 hộ, 214 nhân khẩu bị phong tỏa. Cùng với đó, quận Long Biên đã truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 5.000 trường hợp liên quan. Những “điểm đỏ” khác trên địa bàn cũng được triển khai mô hình khoanh vùng, dập dịch tương tự tại quận Long Biên.

Mặc dù phần lớn mọi người đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch, nhưng vẫn còn hiện tượng lơ là, chủ quan. Từ sáng sớm 21/9, nhiều người đã đổ ra các vườn hoa, công viên để tập thể dục, thậm chí, một số người đã bỏ khẩu trang. Đến tối cùng ngày, khu vực phố Hàng Mã bắt đầu đông người mua bán, vui chơi Tết Trung thu. Lực lượng chức năng dựng rào chắn ở đoạn đầu phố, phía gần phố Hàng Đào để hạn chế người đi lại. Tuy nhiên, khu vực cuối phố, vốn ít cửa hàng buôn bán đồ chơi lại trở thành nơi tụ tập đông người.

Tại một số cửa hàng, hàng chục người chen nhau mua đồ, nhiều bạn trẻ tranh thủ tạo dáng chụp ảnh, khiến khu vực này thành nơi tập trung đông người vượt mức cho phép, không bảo đảm khoảng cách an toàn, mặc cho lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở. Bờ hồ Hoàn Kiếm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng là nơi tập trung đông người, không bảo đảm giãn cách.

Trong những ngày tới, các khu vực công cộng dự kiến sẽ có đông người tham gia hoạt động hơn, nhất là khi các ca bệnh có xu hướng giảm. Thực tế tình hình dịch trên địa bàn những ngày qua cho thấy, Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch trong cộng đồng, trong khi đó, độ phủ mũi 2 vắc-xin còn thấp, mới đạt 12%.

Bởi vậy, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị mọi cá nhân, tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế cũng như các phương pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng; tuyệt đối không được chủ quan trong khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều