“Cán bộ 'bảo kê” doanh nghiệp của người nhà thì phải xử lý nghiêm“

Câu chuyện "sân sau" của cán bộ gây dư luận thời gian qua, nhất là qua xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao. Do đó, hiện tượng này cần được chấn chỉnh.

Cho rằng có trường hợp doanh nghiệp và quan chức có mối liên quan về lợi ích, thậm chí bắt tay với nhau, TS Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra nhấn mạnh, hiện tượng này không chỉ ở Việt Nam mà là câu chuyện của nhiều quốc gia.

Qua một số “đại án” được đưa ra xét xử thời gian gần đây có thể thấy điểm chung là những người trong cuộc đã dùng tiền để chi phối việc thực hiện chính sách nhằm trục lợi hoặc bị tiền bạc chi phối. 

 TS Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh Tra Chính phủ).

Theo ông Minh, một người có được chức vụ, quyền hạn “mang ơn” doanh nghiệp thì có thể sẽ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp đó. Ngoài ra, doanh nghiệp dễ trở thành “sân sau” để “anh gửi gắm, cổ phần, cổ phiếu hoặc các lợi ích khác găm ở doanh nghiệp nhằm hợp thức hóa nguồn tiền bạc, tài sản nào đấy. Đó là hiện tượng đang tồn tại trong thực tế hiện nay”.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện nay, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, trong đó có doanh nghiệp ngoài nhà nước, là “sân sau”, được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn. Một số cán bộ, công chức có chức vụ cao đã bị xử lý, kỷ luật vì các hành vi vi phạm này.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu Quốc hội này, cần nhìn nhận khách quan là không phải tất cả các trường hợp doanh nghiệp có cán bộ, công chức góp vốn vào hay có người nhà làm doanh nghiệp thì đều là “sân sau” của quan chức.

Theo luật, một người “làm quan” không có nghĩa là người nhà của anh ta không được làm doanh nghiệp, cũng không có nghĩa là anh ta không được góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải xác định được có sự xung đột gì giữa lợi ích công và lợi ích tư không, lĩnh vực mà người đó được giao quản lý có liên quan trực tiếp gì tới lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp hay không? Nếu có thì thực sự anh ta đã vi phạm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, không thể nhìn qua một vài hiện tượng bên ngoài để đánh giá một vấn đề, “khi nói một vấn đề cụ thể, chúng ta phải có phân tích, đánh giá, có bằng chứng rõ ràng, nếu không rất dễ dẫn đến quy kết một cách cảm tính, không công bằng”.

Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành chỉ cấm cán bộ, công chức thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp khu vực tư; cấm người đứng đầu cơ quan và cấp phó không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: Báo Quảng Bình).

Cán bộ, công chức giữ các chức danh quản lý trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; không được cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình.

Luật cũng nghiêm cấm bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

Như vậy, việc một quan chức không tham gia thành lập, điều hành, mà chỉ tham gia góp vốn, mua cổ phần vào một doanh nghiệp nào đó; hoặc người thân thích của quan chức (nhưng không phải là vợ, chồng, bố, mẹ, con) có thành lập, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực do quan chức đó quản lý thì không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đây là vấn đề sẽ tiếp tục được xem xét khi sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng để bảo đảm kiểm soát tốt hơn về xung đột lợi ích, tránh lạm dụng để vụ lợi cá nhân.

Cho rằng việc có doanh nghiệp lobby, "bôi trơn" cho cá nhân cán bộ nào đó là có thực, ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định chúng ta có thể ngăn chặn được hiện tượng này. Theo đó, đối với quy trình bổ nhiệm, chúng ta cần có nhiều biện pháp chặt chẽ hơn. Đặc biệt, trong suốt quy trình bổ nhiệm một cán bộ lên vị trí nào đó, cần chú trọng nhất là sự minh bạch. Khi các cơ quan đưa sự minh bạch vào toàn bộ quy trình kiểm soát thì những ai không đủ điều kiện, ai có vấn đề, ai có vướng mắc, có điều còn mờ ám thì sẽ không thể bổ nhiệm được, tránh tình trạng “chạy chọt”. 

Còn theo TS Đinh Văn Minh, khi cán bộ “lén lút” bảo kê hoặc có lợi ích nào đó trong doanh nghiệp “người nhà” mà thiếu minh bạch hay vi phạm thì khi thanh tra phát hiện chắc chắn sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận đây là một trong những thách thức lớn của ngành thanh tra.

“Bản thân hoạt động của các doanh nghiệp phải rất minh bạch để không có chuyện quan chức có thể “gửi gắm” lợi ích vào trong đó. Doanh nghiệp là để phát triển đất nước, không thể là "sân sau" của ai đó"- ông Đinh Văn Minh mong muốn cũng như tin tưởng sự quyết liệt của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua tiếp tục lan tỏa nhằm chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Theo VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều