“Cán bộ kê khai rất nghèo, hồ sơ bổ nhiệm không thấy tài sản gì cả”

Cán bộ của ta không nói là nghèo nhưng theo kê khai rất nghèo. Đọc hồ sơ khi phê chuẩn, bổ nhiệm nhiều khi không thấy có tài sản gì cả!

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói thẳng như vậy khi góp ý vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, luật mới này có quy định đánh thuế 45% giá trị tài sản không rõ nguồn gốc hay mở rộng đối tượng kê khai thì vẫn không khác gì luật cũ nếu không có cơ quan kiểm soát được kê khai.

“Giờ kê khai thì vẫn như lâu nay. Tại sao không trung thực? Vì chẳng kiểm soát gì cả, tôi kê khai cũng thế mà không kê khai cũng thế, ai kiểm soát tôi?” – ông Phúc đặt vấn đề.

Vị đại biểu này cũng nói thẳng: “Cán bộ của ta không nói là nghèo nhưng kê khai thì nghèo. Phê chuẩn, bổ nhiệm thì một tập hồ sơ đọc thấy rất nghèo, có trường hợp nhà đi thuê, không có tài sản gì cả!”. Do đó, cần phải có một cơ quan độc lập kiểm soát, xác minh tài sản, tốt nhất là Quốc hội bầu ra chứ không nên giao Thanh tra Nhà nước, nếu không luật sửa đổi này không khác nhiều với luật hiện hành.

 Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thảo luận tại tổ về dự án Luật PCTN sửa đổi, ngày 31/5.

“Vừa qua chúng ta chống tham nhũng, luật có gì mới đâu, vẫn là văn bản cũ, vẫn là quy chế đó nhưng tại sao nhiệm kỳ này làm mạnh và tốt thế. Đâu phải ta thiếu chế tài và văn bản pháp luật” – ông Phúc lưu ý.

Đại biểu Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì nhấn mạnh, vấn đề kê khai tài sản được dư luận quan tâm, nhưng phòng chống tham nhũng thì phải đồng bộ. Đưa ra các giải pháp quyết liệt và xử lý nghiêm chính là cách phòng ngừa tốt.

Theo bà Lê Thị Thuỷ, bây giờ đi xuống địa phương thấy ngay lãnh đạo làm việc khác hẳn so với trước vì họ tự thấy rằng, trách nhiệm của mình đến đâu phải làm đến đó, còn nếu vượt qua thẩm quyền, trách nhiệm thì có khi nghỉ cũng không yên. Do đó, theo bà Thuỷ, khi xây dựng Luật này phải cân đối giữa phòng và chống. Trong thời điểm hiện nay phải quan tâm chống, không có nghĩa là làm tất cả nhưng phải làm để thể hiện tính nghiêm minh, răn đe.

Băn khoăn về việc dự thảo Luật giao Thanh tra Chính phủ thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập từ giám đốc sở trở lên, bà Lê Thị Thuỷ cho rằng với lực lượng hiện có, chỉ kiểm soát khối các bộ, ngành thuộc Chính phủ đã quá nhiều nên làm đến các sở thì khó mà làm xuể.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị quy định theo hướng Thanh tra Chính phủ kiểm soát trong phạm vi những người do Thủ tướng bổ nhiệm; tương tự với thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện. Như thế vừa phân cấp, vừa gắn trách nhiệm, nếu ai làm không tốt thì phải chịu trách nhiệm./.

Vì sao Chính phủ chọn đánh thuế 45% giá trị tài sản bất hợp pháp?

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong điều kiện thực tế của Việt Nam, cơ quan chức năng chưa kiểm soát được hết tài sản, thu nhập của toàn xã hội, có những trường hợp tài sản cán bộ hình thành nhờ cho, biếu, tặng, làm thêm hợp pháp… Như vậy loại tài sản, thu nhập này có thể không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, nhưng không khẳng định đó là tài sản bất hợp pháp, thì việc cơ quan chức năng áp dụng biện pháp thu thuế là hợp lý.

Dự thảo Luật đã coi đó như một khoản thu nhập vãng lai, chưa được kê khai và người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế. Phương án này không loại trừ trách nhiệm hình sự, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án, chứng minh được tài sản, thu nhập đó do phạm tội mà có thì vẫn tịch thu theo quy định.

Vì sao chọn mức thuế suất 45%, Tổng thanh tra lý giải, theo tính toán tham khảo từ Bộ Tài chính, mức thuế suất này tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần, giao động từ 5% đến 35%) và tiền phạt từ một đến 3 lần (được lấy trung bình là 2 lần) số tiền thuế trốn theo quy định.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều