Cần đảm bảo tính nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng

Hiện Việt Nam đã, đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về thành phố xanh thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế.
 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 7/1 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị đánh giá kỹ những tác động của kinh tế thế giới và trong nước, để từ đó đề ra những chính sách tạo động lực cho phát triển đất nước.

Đặc biệt, quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn, tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

Tập trung phát triển đô thị xanh, thông minh

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình), Quy hoạch trình Quốc hội đã thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch một cách có hệ thống trên cơ sở đánh giá thực trạng quốc gia, tuân thủ các định hướng, chiến lược phát triển có liên quan.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị nên xem xét, điều chỉnh một số mục tiêu, trong đó mục tiêu “phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế” nên điều chỉnh thành “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh, thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.”

Nữ đại biểu cho rằng, hiện Việt Nam đã, đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về thành phố xanh thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào chất lượng, tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu.

Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số, đó là số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đổi mới công nghệ tăng trung bình 15-20% trong giai đoạn 2021-2030 và tăng 5-10%/năm đến năm 2050 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vốn đang tiến triển chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Về phát triển vùng và liên kết vùng, đại biểu đoàn Ninh Bình đề nghị nên chú trọng đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, cực tăng trưởng.

Về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển, bổ sung thêm một số chỉ tiêu về phát triển xã hội, môi trường của từng vùng. Ngoài ra, bổ sung mục tiêu liên kết phát triển vùng toàn diện, hiệu quả là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, việc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là cần thiết, song cần làm rõ hơn một số nội dung để việc tổ chức, thực thi đạt hiệu quả cao.

Ông phân tích, nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành có nước có thu nhập cao thì cần chọn phương án tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến kinh tế-xã hội thời gian qua, việc chọn phương án tăng trưởng cao thì tính khả thi không cao.

Từ nhận định này, đại biểu đoàn Quảng Trị nhấn mạnh, quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Cần sự liên kết chặt chẽ giữ các vùng

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia…

Song đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho rằng, Quy hoạch mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế-xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng.

Do đó, đại biểu đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh đồng bộ liên kết vùng; có cơ chế điều phối quản trị vùng nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và dự báo tình hình trong nước thế giới để xem xét cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển của đất nước bổ sung thêm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để các địa phương làm căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh. Đồng thời làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch.

Về danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, đại biểu đoàn Yên Bái đề nghị làm rõ cơ sở nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án.

Từ đó, rà soát, nghiên cứu, tính toán kỹ danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện đảm bảo các dự án này phải đáp ứng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật. Đảm bảo các dự án đưa vào quy hoạch phải là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, có tác động lớn đến ngành vùng liên vùng.

“Cần có thêm những phân tích, đánh giá về khả năng cân đối, huy động để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của giai đoạn này; có những giải pháp chiến lược, căn cơ, bài bản, khả thi để huy động nguồn lực cho đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước,” đại biểu nêu ý kiến. 

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, hiện nay, việc phát triển đường sắt đô thị trong hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng phát triển, nhưng các đô thị của những vùng động lực này cần phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, về hành lang kinh tế cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc-Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu phải gắn với kinh tế cửa khẩu.

Theo đó, phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu. Vì kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận./.

Theo Vietnam+

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều