Cần tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc sửa đổi bổ sung Luật này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành.
 Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH Hưng Yên) cho biết: Tại khoản 1, Điều 15 của dự thảo quy định: Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản; cũng tại khoản 2, Điều 15 của dự thảo quy định: Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm và các hình thức dân sự phù hợp khác. Trong khi đó, khoản 1 Điều 119 Bộ Luật dân sự quy định: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.  

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, như vậy đối chiếu cùng với Điều 119 Bộ Luật Dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các Luật liên quan như: Bộ Luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp… nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với nội dung Hợp đồng bảo hiểm, nhiều đại biểu nhất trí cao với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về nội dung quy định tại khoản 2, Điều 16 của dự thảo: "Phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung về điều khoản loại trừ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm" là chưa hợp lý, gây khó cho cả Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, đặc biệt đối với các hình thức bán bảo hiểm qua phương tiện điện tử hoặc các sản phẩm bảo hiểm đơn giản như du lịch, xe máy,…

Tại khoản 3, Điều 16 của dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý (trường hợp này đang được quy định trong Luật hiện hành).

Mục đích của các cá nhân khi mua bảo hiểm là để được bù đắp những tổn thất, khắc phục thiệt hại, rủi ro ngẫu nhiên. Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 16 dự thảo Luật, trong trường hợp mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, ví dụ chủ xe cơ giới vô ý vi phạm pháp luật thì sẽ bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ lý do tại sao lại loại bỏ trường hợp “vi phạm pháp luật do vô ý” đang được quy định trong Luật hiện hành.

Theo quy định tại mục b, khoản 2 Điều 19 của dự thảo, trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của Doanh nghiệp bảo hiểm thì Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng, không bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua hợp đồng bảo hiểm.

Quy định này gây bất lợi cho người mua bảo hiểm, vì trên thực tế phạm vi về nghĩa vụ kê khai rất đa dạng, trong đó có nhiều trường hợp mặc dù khai không đầy đủ nhưng không ảnh hưởng đến đối tượng, nội dung hợp đồng bảo hiểm.

Do vậy, nếu quy định như trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm có thể lạm dụng quy định để gây khó khăn, thậm chí từ chối chi trả bồi thường cho khách hàng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đề nghị nên nghiên cứu, cân nhắc quy định nêu trên để đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật, cân bằng lợi ích giữa các bên.

Tại khoản 2, Điều 39 dự thảo Luật quy định: Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi, hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của họ có thể chỉ định người thụ hưởng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 13, Điều 3 dự thảo Luật: người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhóm.  

Như vậy, khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật quy định người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ có quyền chỉ định người thụ hưởng là chưa phù hợp với quy định tại khoản 13, Điều 3 Dự thảo Luật, quyền này thuộc về người mua bảo hiểm.

Nhiều ĐBQH đề nghị nghiên cứu sửa đổi lại quy định tại khoản 2, Điều 39 như sau: Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH Lâm Đồng) cho rằng, tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; nguyên nhân chính là doanh nghiệp bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chưa hiểu hết các điều khoản loại trừ trách nhiệm.  

Từ thực tiễn đó, trong dự thảo cần có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải thích rõ điều kiện loại trừ bảo hiểm và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong việc đọc kỹ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, mang tính khả thi hơn về việc "giải thích hợp đồng bảo hiểm" để tránh những vướng mắc khi thực thi.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, để nâng cao chất lượng kinh doanh bảo hiểm, khắc phục tình trạng nhiều đại lý cung cấp cho khách hàng không đúng quyền lợi bảo hiểm và hạn chế bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng giữa chừng. "Dự thảo luật cần có những quy định điều chỉnh, tăng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm; đồng thời cần quy định về trình độ văn hóa đối với những người tham gia đại lý bảo hiểm, gắn với quy định về thời gian đào tạo đối với những người tham gia làm đại lý bảo hiểm", đại biểu Trương Xuân Cừ nêu ý kiến.

Một số địa biểu cho rằng, trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số bất cập nhưng dự thảo luật chưa đề cập điều chỉnh, như việc một số ngân hàng quy định điều kiện vay vốn phải có hợp đồng bảo hiểm của chính ngân hàng đó, trong khi nguyên tắc tham gia bảo hiểm là tự nguyện; hay một số doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cháy nổ, tàu cá, trong khi đây là các loại bảo hiểm bắt buộc.

Chương IV quy định về bảo hiểm vi mô (gồm 2 Điều 114 và 115), còn chưa rõ ràng, quy định về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ tại Dự thảo Luật còn khái quát, lỏng lẻo, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro, trong khi đó, lĩnh vực này có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông, nếu có rủi ro thì tác động lớn đến xã hội.

Ngoài ra, cần đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian vừa qua, phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này.

Theo V.Tôn/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều