Cần Thơ: Động lực phát triển toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

(Mặt trận) - Ngày 10/8, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề "Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chủ trì Hội nghị; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng dự Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Hội nghị.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm, định hướng của Trung ương, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình có hiệu quả của các bộ, ban, ngành cùng với nỗ lực liên kết phát triển của các tỉnh, thành phố bạn và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thành phố Cần Thơ đã có sự phát triển nhanh chóng, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.

Qua 7 tháng đầu năm 2018, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng cao, tăng 8,01% so với cùng kỳ; thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 70 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 1,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,6%; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng năm 2018 đạt trên 28 ngàn tỷ đồng, tăng 7,43% so cùng kỳ…

TP. Cần Thơ đã và đang xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, an toàn, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư...

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 103/2018/NĐ-CP, quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ. Nghị định này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự hỗ trợ, giúp đỡ vô cùng to lớn mà Trung ương, Chính phủ đã dành cho TP. Cần Thơ. Đồng thời, tạo nên một tiềm năng to lớn cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới...

Hoan nghênh, đánh giá cao kết quả trên của Hội nghị cũng như các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, điều này thể hiện sự tin tưởng rất lớn vào tương lai của Cần Thơ.

“Nếu không có sự hiện diện của nhà đầu tư thì Cần Thơ đã không có được những thành quả như hôm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Và nếu không cùng những nhà đầu tư hôm nay thì cũng không thể đạt được tầm nhìn những thập niên tới”. Theo Thủ tướng, tầm nhìn đó là một Cần Thơ giàu bản sắc, có khả năng truyền cảm hứng về sức bật và sự vươn lên mạnh mẽ, làm động lực phát triển toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ trước đến nay, Cần Thơ chưa bao giờ là thủ đô, cố đô, thành đô của cả nước, nhưng Cần Thơ được nhân dân công nhận là Tây Đô, một cái tên đã xuất hiện khoảng 100 năm. Điều đó nói lên đặc điểm trên mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội và tầm ảnh hưởng lớn lao, không chỉ phạm vi địa lý của một thành phố.

“Ở nước ta, đã có những thành phố đáng sống, hay những thành phố biển đáng sống thì Cần Thơ có tiềm năng trở thành một thành phố sông nước, một đô thị sinh thái đáng sống”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành du lịch, cần phải chuyển mình, cộng hưởng với các ngành, lĩnh vực khác, thắt chặt mối liên kết chuỗi giá trị, tạo sức lan tỏa kinh tế cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để hiện thực hóa điều này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Cần Thơ cần phải năng động, có tầm nhìn đổi mới, là đối tác đồng hành đáng tin cậy, sẵn sàng đặt cược tiền bạc, công nghệ và tương lai doanh nghiệp vào địa phương, vùng đất văn hóa sông nước, thơ ca này.

Theo Thủ tướng, hầu hết các hoạt động kinh tế của người dân nơi đây gắn với sông nước, miệt vườn: “Có ai qua chợ Lê Bình / Xin cho tôi gửi chút tình nước non”, Thủ tướng nhắc lại câu ca dao để nói về đặc trưng văn hóa của vùng đất Tây Đô.

Thủ tướng chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND TP. Cần Thơ và các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Cần Thơ tiếp tục khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 81 triệu đồng, gấp 1,4 lần cả nước và sức mua của nền kinh thuộc tốp đầu cả nước. Tầng lớp trung lưu mới nổi tăng nhanh, làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của xã hội. “Chúng ta nhìn thấy lượng ô tô trên đường phố, đậu trên các vỉa hè, dừng đỗ trước các hiệu đồ ăn nhanh, cho thấy đời sống xã hội nhộn nhịp và hối hả hơn”, Thủ tướng nhận xét và cho rằng, nhà đầu tư có thể đón bắt điều này để phát triển dịch vụ, khách sạn, du lịch và các loại hình chế biến, nâng giá trị sản phẩm.

Thủ tướng nhìn nhận, Cần Thơ sẽ phát triển đột phá nhờ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và một số hệ thống giao thông huyết mạch khác. Khi hoàn thành, thời gian đi lại từ TPHCM tới Cần Thơ sẽ được rút ngắn lại còn 90 phút từ 180 phút hiện nay. Những dự án này, cùng với các dự án đường biển khác, sẽ tạo cho Cần Thơ trở thành một trung tâm trên các mặt thông qua giao thông, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Đặc biệt, nhấn mạnh chủ trương mở cửa bầu trời, Thủ tướng nêu rõ vai trò quan trọng của Cảng hàng không Cần Thơ và mong muốn nối các chuyến bay trực tiếp từ Cần Thơ tới các nước, các vùng của Việt Nam thông qua các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways… Như vậy, với giao lưu đường không, đường thủy, cùng với các sản phẩm ở đây, trong tương lai, Cần Thơ sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, náo nhiệt, như một trung tâm trên các mặt thông qua giao thông. Để có được điều đó, Thủ tướng cho rằng, cần môi trường đầu tư kinh doanh tốt, như một hấp lực đối với nhà đầu tư, có vai trò rất quan trọng.

Vì vậy, Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư phối hợp với chính quyền, cùng phấn đấu, cùng hợp tác để phát triển đạt được tầm nhìn trong những thập niên tới. Nhà đầu tư phải nói đi đôi với làm. “Chính phủ trân trọng các nhà đầu tư chuẩn mực, nhưng cũng kiên quyết loại bỏ những nhà đầu tư trục lợi, lợi dụng lỗ hổng trong quản lý, không tập trung vào phát triển mà trốn thuế, chuyển giá, phá hoại môi trường”, Thủ tướng nêu rõ.

Với Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, quản lý tốt hơn các quy hoạch. Theo đó, quy hoạch của Cần Thơ đến năm 2025 là trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng cũng mong muốn Thành phố tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, phát huy nếp nghĩ, cách làm tốt như thời gian qua, đó là chính quyền đối thoại với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhà đầu tư thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cắt băng khánh thành Tổ hợp Đại học FPT và Công viên Phần mềm.

Cũng trong ngày 10/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham dự lễ khánh thành giai đoạn 1 Tổ hợp Đại học và Công viên Phần mềm FPT tại TP. Cần Thơ.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có khát vọng, tầm nhìn, đặt mục tiêu trở thành đại học lớn, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam, phấn đấu đưa thương hiệu Đại học FPT lên tầm khu vực và thế giới. Phân hiệu Đại học FPT tại Cần Thơ sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đặc biệt là nhân lực số cho các lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long. Khẩu hiệu “Khát vọng đổi thay” của Đại học FPT cần được áp dụng vào phân hiệu này, làm sao khoảng cách giữa người nông dân và thị trường tiêu thụ gần hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trồng cây lưu niệm.

Dịp này Thủ tướng cũng nhắn nhủ tới sinh viên Đại học FPT, cần không ngừng trau dồi tri thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, hình thành tư duy đổi mới, sáng tạo, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng mới, trở thành công dân toàn cầu mang văn hóa Việt Nam. “Các em phải là người tiên phong trong công cuộc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số trên chính quê hương của mình”.

Thủ tướng mong muốn sinh viên Đại học FPT tự giác học tập, rèn luyện, tự tin sáng tạo và hội nhập, tự hào là thanh niên Việt Nam làm tốt lời dạy của Bác Hồ, xứng đáng với truyền thống cha ông. Sinh viên Đại học FPT không chỉ học để giải quyết việc làm mà phải trở thành những nhà khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đến thăm và tặng quà Mẹ VNAH Lê Thị Bình (có 2 con là liệt sĩ, đồng thời là gia đình tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho địa phương) ngụ tại phường An Phú, quận Ninh Kiều và thăm bà Nguyễn Phương Thuý là thương binh 61%, ngụ tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.   

Hương Diệp (tổng hợp)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều