Cảnh báo: Mưa lũ dị thường, cần sẵn sàng phao cứu sinh, cứu hộ cá nhân

Trong nhiều giờ qua, mưa lũ đặc biệt lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, vượt mức lũ lịch sử 21 năm, cần sẵn sàng ứng phó.

Mưa lũ gây sạt lở đất, cướp đi hàng chục sinh mạng người dân và chiến sĩ quân đội. Ảnh: PCTT

Cần sẵn sàng bên người áo phao, nhu yếu phẩm thiết yếu

Tại cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lũ tại miền Trung, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) ngày 18.10 cảnh báo về đợt lũ khẩn cấp tại Quảng Bình và Quảng Trị có thể vượt đỉnh lũ lịch sử của năm 1999, mưa lũ khiến nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung là rất lớn.

Trong nhiều giờ qua, các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-180mm/9 giờ.

Do mưa lớn, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra trên các sông tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đều ở mức tương đương và cao hơn lũ lịch sử. Sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng đã xảy ra nghiêm trọng tại hai tỉnh trên.

Lực lượng quân đội đang cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. Ảnh: Hưng Thơ

Thậm chí, lũ cuốn, sạt lở đất đã xảy ra cả ở những khu vực không ai ngờ đến, vùi lấp hàng chục chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, Quân khu 4.

Tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ sáng 18/10, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị các địa phương cảnh báo, hướng dẫn người dân chuẩn bị và sử dụng áo phao hoặc các dụng cụ có thể làm vật nổi. Sạc pin điện thoại, pin dự phòng, đèn pin; dự trữ, bảo vệ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh trong tình huống ngập lụt, chia cắt dài ngày; đảm bảo an toàn, nhất là về điện; chủ động dọn dẹp, tiêu hủy xác súc vật, vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.

Lưu ý phóng viên khi tác nghiệp

Theo BCĐ Trung ương về PCTT, do mưa lớn dài ngày cấu trúc địa chất, dòng chảy sông suối bị thay đổi, hình thái thiên tai rất bất ngờ, khó dự đoán, nên tai nạn thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Do vậy, các cơ quan khi cử phóng viên báo chí tác nghiệp cần lưu ý: Ưu tiên hàng đầu là tính mạng con người. Các phóng viên cần bảo vệ tính mạng của mình là trên hết, không tác nghiệp "bằng mọi giá".

Khi thực hiện tác nghiệp tại khu vực xảy ra mưa lũ, không cố cho xe vượt qua hoặc tác nghiệp tại các vị trí đang có nguy cơ sạt lở, đường đang bị ngập sâu, chảy xiết, không có hướng dẫn đảm bảo an toàn. Các xe không được sát nhau, phải cách nhau tối thiểu 20m.

"Khi đỗ xe, hoặc đứng tác nghiệp phải quan sát xung quanh, cả taluy dương và âm và cả chỗ đang đứng. Nếu thấy không an toàn phải di chuyển ngay. Không tác nghiệp một mình, mà phải đi theo nhóm và có dây chắc chắn liên kết với nhau để hỗ trợ khi cần thiết" – Phó BCĐ Trung ương về PCTT Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Hoài cũng lưu ý: Khi tác nghiệp, phóng viên cần mang theo tư trang gọn gàng để cơ động nhanh gọn, không được đi guốc hoặc dép không có quai hậu. “Luôn có áo phao và nên có lương khô và nước uống, đèn pin. Điện thoại nên có dự phòng, không được để hết pin, nên có hai nhà mạng, nhất là nhà mạng có phủ sóng vùng rừng núi.

Theo Vũ Long/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều