Cắt giảm thủ tục, huy động được dòng tiền nhàn rỗi trong dân

(Mặt trận) - Sáng 23/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức họp góp ý vào dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì cuộc góp ý.

Dự thảo dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương và 137 điều. Trong đó, dự thảo tập trung sửa đổi một số vấn đề cơ bản như điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp, đồng thời sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Dự thảo Luật sửa đổi nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán là từ 30 tỷ đồng trở lên (quy định tại Luật hiện hành là 10 tỷ đồng),

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi mô hình tổ chức của sở giao dịch chứng khoán; làm rõ nghĩa vụ giám sát của sở giao dịch chứng khoán và quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư đối với trường hợp công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý…

Dự thảo Luật bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đối với mức phạt, dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đối với tổ chức và 1,5 tỷ đối với cá nhân.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế nhận định, thực tế hiện nay, có nhiều dòng tiền từ nước ngoài chi phối vào chứng khoán, Luật đưa ra cần đảm bảo cho chứng khoán Việt Nam an toàn và hiệu quả. Việc bảo vệ thông tin phải đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh.

Đặc biệt, thủ tục về thời gian cần đi cùng với xu hướng giảm thiểu các quy trình thực hiện, giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp và phải mang tính đột phá trong các thủ tục để nhà đầu tư thuận lợi trong quá trình tham gia thị trường chứng khoán.

“Muốn đất nước phát triển nhanh thì luật phải cởi mở, đáp ứng với nhu cầu cải cách và tránh hiện tượng thay đổi liên tục thời gian ban hành bộ luật ra thị trường”, ông Trần Đình Thiên đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, từ năm 2006 đến nay, chủ trương, đường lối của Đảng đối với chính sách, pháp luật về kinh tế đã có nhiều sự thay đổi, chính vì vậy cần phải sửa đổi Luật Chứng khoán sao cho phù hợp với thực tiễn và tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật để huy động được dòng tiền nhàn rỗi trong dân.

“Luật ban hành cần cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân, để việc lưu thông tiền tệ được thông suốt”, ông Đỗ Duy Thường nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến đề xuất việc sửa Luật Chứng khoán về nội dung giải quyết tố cáo cần phù hợp với Luật Tố cáo năm 2018.

Ông Chiến nêu kiến giải, tại Điều 133 Luật Chứng khoán 2006 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn. Đối với vụ việc phức tạp thì thời gian giải quyết tố cáo có thể kéo dài nhưng không quá chín mươi ngày, kể từ ngày thụ lý đơn.

Trong khi đó Luật Tố cáo năm 2018, tại Điều 30 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

“Luật Chứng khoán 2006 quy định cứng thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày thì Luật Tố cáo năm 2018 quy định uyển chuyển, khoa học hơn, phân ra làm nhiều trường hợp. Do vậy cần sửa nội dung về thời hạn giải quyết tố cáo trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để phù hợp với Luật Tố cáo năm 2018”, ông Nguyễn Văn Chiến kiến giải.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các thành viên Hội đồng Tư vấn về kinh tế, Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia vào dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), từ đó phát huy tiếng nói của Mặt trận tham gia góp ý vào các văn bản Luật trước khi được ban hành.

Từ những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học của các Hội đồng tư vấn, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến những vấn đề còn vướng mắc trong dự thảo, từ đó có thêm căn cứ, cơ sở hoàn thiện dự thảo luật để khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) được ban hành sẽ nhận được sự đồng thuận trong nhân dân.

 

Hương Diệp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều