Chân dung nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà – người bị kết luận sai phạm rất nghiêm trọng

Với 35 năm công tác tại BIDV, ông Trần Bắc Hà từng đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam. Quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông Bắc Hà với giới tài chính ngân hàng là điều không thể phủ nhận. Hai lần ông Bắc Hà dính tin đồn bị bắt là hai lần thị trường chứng khoán lao dốc chìm trong màu đỏ.

 Ông Trần Bắc Hà- nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV

Con đường quan lộ của ông Bắc Hà

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, tại Hà Tây. Nguyên quán: Ân Thanh, Hoài Ân, Bình Định. Ông Bắc Hà tốt nghiệp cử nhân Tài chính kế toán.

Năm 1981, ông bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV

Sau 10 năm công tác, tháng 7.1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.

Tháng 10.1999, ông trở thành Phó Tổng giám đốc BIDV.

Từ 15.5.2003 đến 31.12.2007, ông Trần Bắc Hà là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV.

Tháng 1.2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV.

Đến 1.9.2016, ông chính thức nghỉ hưu.

Như vậy, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV. Ông Trần Bắc Hà đã kinh qua nhiều vị trí chủ chốt và từng là người có quyền lực nhất ở BIDV.

BIDV là một trong bốn "ông lớn" của ngành ngân hàng hiện nay, có tầm ảnh hưởng đến thị trường tài chính.

Dưới thời của ông Trần Bắc Hà, BIDV đã chính thức niêm yết cổ phiếu BID trên sàn chứng khoán và trở thành một công ty đại chúng. Đây cũng là đợt IPO lớn nhất năm 2011.

Cuối tháng 1.2014, tổng cộng 2,8 tỷ cổ phiếu BID đã chính thức được niêm yết trên HOSE và BIDV là ngân hàng thứ 9 thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ông chủ quyền lực 2 lần dính tin đồn bị bắt

Trong suốt thời gian qua, ông Trần Bắc Hà đã 2 lần vướng phải tin đồn bị bắt. Đỉnh điểm là vào ngày 9.8.2017, toàn bộ 11 cổ phiếu ngành ngân hàng đều chìm trong máu đỏ khi tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Chỉ trong một ngày, 2 tỷ USD vốn hoá “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán.

Trước đó, tin đồn ông bị bắt vào tháng 2.2013 từng gây xáo động tới tài chính tiền tệ thời điểm bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ trong chỉ 1 phiên giao dịch. Sau sự việc trên, vị Chủ tịch của BIDV cho rằng những kẻ tung tin đồn có thể đã kiếm được 500 – 700 tỷ đồng sau những biến động trên thị trường tài chính.

Bị ung thư và vắng mặt

Cuối tháng 1.2018, tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm, mặc dù được HĐXX triệu tập 3 lần nhưng ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang vẫn vắng mặt.

Trước khi phiên tòa buổi chiều diễn ra, chủ tọa thông báo nhận được đơn của ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HĐQT BIDV. Trong đơn, ông Hà cho biết sức khỏe yếu, bị bệnh ung thư nên không thể tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng và có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

"Tôi giữ nguyên lời khai với cơ quan điều tra trước đây", ông Hà viết trong đơn. Ngoài ông Hà, các nhân vật khác trong BIDV cũng có đơn xin vắng mặt do bị bệnh, trong đó có 2 phó tổng giám đốc”. 

Trong đơn gửi đến HĐXX ông Trần Bắc Hà ghi đi tái khám vào ngày 8.1, trùng ngày mở phiên tòa xét xử. Đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX làm điều tra làm rõ tại Cục Xuất nhập cảnh xem có phải ông Trần Bắc Hà đi nước ngoài chữa bệnh hay không.

Ghế nóng BIDV ngày càng nóng

Kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ tháng 9.2016 tới nay, “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT vẫn còn bỏ trống. Thời gian qua, ông Trần Anh Tuấn là thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. Đến tháng 5.2018, ông Trần Anh Tuấn có đơn xin từ nhiệm.

Sau đó, ông Bùi Quang Tiên, vừa được HĐQT bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT thay cho ông Trần Anh Tuấn. Tuy nhiên, ông Tiên năm nay cũng đã 59 tuổi, tức chỉ còn 1 năm nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu trong khi HĐQT hiện thời của BIDV có nhiệm kỳ từ 2017 – 2022.

Từ ngày 28 đến 30-5, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 26. Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng BIDV nêu trên có trách nhiệm của NHNN.

Theo P.V /Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều