Chất lượng không khí ở đô thị có xu hướng tốt lên trong tháng 3/2020

Trong tháng 3/2020, mặc dù tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn ra khá phổ biến tại khu vực nội thành Hà Nội, nhưng mức độ ô nhiễm có giảm hơn so với 2 tháng đầu năm. Tại các đô thị khác, chất lượng không khí đều duy trì ở mức tốt và trung bình. 

Đó là kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục tại Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa do Tổng cục Môi trường quản lý;10 trạm (tại Hà Nội) do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý; 2 trạm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh của Đại sứ quán Mỹ .

Phố Lê Thái Tổ (Hà Nội) đoạn Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vắng vẻ ngày 4/4/2020. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định; Những biến động của yếu tố thời tiết trong giai đoạn giao mùa, cùng với việc giảm lượng phương tiện tham gia giao thông và một số hoạt động sản xuất, dịch vụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã có những tác động đáng kể đến chất lượng không khí. Thời gian tới cần tiếp tục theo dõi diễn biến chất lượng không khí, đặc biệt từ sau ngày 28/3 khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hạn chế các phương tiện vận chuyển hành khác liên tỉnh, giảm tần suất hoạt động các phương tiện giao thông công cộng… và từ ngày 1/4 cách ly xã hội, hạn chế tối đa các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tạm dừng các hoạt động giao thông công cộng như xe buýt, taxi, dịch vụ xe chở khách…. Qua đó, có thể sẽ có những đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất, giao thông tới chất lượng không khí của các khu vực đô thị.

Tháng 3 là thời gian giao mùa với những thay đổi rõ rệt của thời tiết ở miền Bắc. Nhiệt độ trung bình ngày tăng cao hơn, tuy vẫn còn xuất hiện những đợt không khí lạnh ở miền Bắc, nhưng kèm theo là những ngày mưa ẩm, không còn kiểu thời tiết khô hanh, cộng với với việc hạn chế, giảm thiểu các hoạt động sản xuất, giao thông… khiến chất lượng không khí tại Hà Nội và một số đô thị trên cả nước có sự thay đổi theo xu hướng tốt lên. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vẫn tiếp tục diễn ra tại Hà Nội nhưng mức độ ô nhiễm đã giảm.

Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI cho thấy, tại Hà Nội, có 13/31 ngày chất lượng không khí ở mức kém (101 - 150) - không tốt cho nhóm nhạy cảm, tập trung từ 6-17/3. Vẫn có 2 ngày 9 và 16/3 chất lượng không khí ở đa số các trạm ở mức xấu (151-200)-những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Hà Nội vẫn có những ngày có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt giới hạn cho phép từ ngày 7-9/3 do sáng sớm trời âm u, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ tăng trong ngày khá cao, riêng ngày 9/3, nhiệt độ lên tới 32 độ C. Ngày 16/3, tình trạng sương mù kéo dài nên chỉ số bụi PM2.5 trong ngày (24 giờ) cao nhất tháng 3, vượt gấp 2 lần giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.

Nhiều khu vực nội thành Hà Nội có thông số bụi PM2.5 trong ngày vượt giới hạn cho phép, tập trung chủ yếu từ ngày 6-17/3. Do các trường đại học, trung học phổ thông… trên địa bàn thành phố đều nghỉ, lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng giảm hơn trước nên những tác động ô nhiễm do hoạt động giao thông cũng giảm hơn trước. Khoảng thời gian từ sau ngày 20/3 đến cuối tháng 3, giá trị thông số PM2.5 trung bình trong ngày tại các trạm giảm, chất lượng không khí chủ yếu nằm ở mức trung bình và tiếp tục có xu hướng được cải thiện hơn. Thời điểm có giá trị thông số bụi PM2.5 cao nhất trong ngày tập trung vào đêm và sáng sớm do sương mù nặng nhất, các hạt bụi không thể khuếch tán trong không khí.

Theo Minh Nguyệt (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều