Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền

(Mặt trận) - Ngày 12/4, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã dự và phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tại Việt Nam đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân năm 2022.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Năm qua, PAPI đã thành công trong việc tiếp cận và lấy ý kiến của 16.117 người dân trên 18 tuổi. Đây là một con số kỷ lục của nghiên cứu PAPI kể từ năm 2009. Trong số đó, gần 1.200 là người tạm trú tại 12 tỉnh, thành có tỉ suất nhập cư ròng dương, góp phần bảo đảm tính đại diện hơn của mẫu khảo sát PAPI, bổ sung dữ liệu từ một trong những nhóm người dân yếu thế nhất đó là người tạm trú ở các địa phương tiếp nhận nhập cư nội địa.  

Hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, 14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có những tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới của đất nước.

"Từ năm đầu tiên thực hiện nghiên cứu tới nay, PAPI luôn coi sự hài lòng của người dân là một chỉ số quan trọng để phản ánh chất lượng, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, sự tham gia của người dân trong việc giám sát hoạt động của chính quyền; gần 200,000 lượt người dân đã có cơ hội đánh giá hiệu quả công tác quản trị, điều hành, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền, PAPI đã trở thành một trong các chương trình nghiên cứu xã hội học lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam, ghi dấu những chuyển biến trong nền quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia và địa phương cũng như quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong hơn một thập kỷ qua", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong năm 2022 vừa qua, PAPI tiếp tục củng cố vị trí của mình trong sự quan tâm của công chúng, của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Nhà nước một cách ấn tượng. Một nửa số tỉnh, thành phố của cả nước đã tổ chức hội nghị cấp tỉnh, phân tích kết quả của tỉnh mình và thảo luận các giải pháp; đa số các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động, chỉ thị mới nhằm cải thiện hiệu quả thực thi chính sách của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã trong những năm tiếp theo.

Chương trình PAPI còn tiếp tục triển khai các sáng kiến nhằm tăng cường cam kết của chính quyền địa phương đối với việc nâng cao chất lượng nền hành chính công. Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân (CPII) được đề xuất và hỗ trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cho giai đoạn 2021-2025 đã hướng tới việc thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ địa phương, thông qua việc hợp tác với các tỉnh, thành phố có quan tâm và cam kết triển khai các giải pháp tại cơ sở. Sáng kiến sử dụng trang thông tin điện tử Công khai thông tin đất đai (congkhaithongtindatdai.info) làm cầu nối các cổng thông tin chính thức về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảng giá đất do chính quyền địa phương ban hành, đồng thời chia sẻ các kết quả nghiên cứu thực chứng về công khai thông tin đất đai, góp phần cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin đất đai của người dân Việt Nam.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, đối với MTTQ Việt Nam, Chỉ số PAPI là những con số “biết nói”, chuyển tải thông điệp từ cảm nhận, suy nghĩ và ý nguyện của người dân, là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

"Là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, MTTQ Việt Nam có đóng góp tích cực trong việc tham gia và hỗ trợ PAPI vì mục tiêu của chương trình nghiên cứu có mối quan hệ chặt chẽ với quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận, trong đó có việc góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở mới được ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2023", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước triển khai rộng khắp, dẫn tới những biến động chưa có tiền lệ trong hệ thống bộ máy Nhà nước, nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, Chỉ số PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới nền quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn.

“Trong thời gian tới, PAPI sẽ tiếp tục góp phần giúp hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mang tính dân chủ, xây dựng, khoa học và thực tiễn hơn. Chương trình nghiên cứu PAPI sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế tại Việt Nam để có thể tiếp nối các thành tựu của 14 năm qua, đóng góp vào quá trình đổi mới sáng tạo trong khu vực công và sự phát triển của Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Quảng Ninh đứng đầu Bảng xếp hạng PAPI toàn quốc và dẫn đầu ở 4/8 trục nội dung

Báo cáo tổng quan về kết quả đo lường chỉ số PAPI năm 2022 nêu rõ, 16.117 người dân trên toàn quốc đã bày tỏ quan điểm vào 8 chỉ số nội dung. Trong đó, chỉ số nội dung 1 phản ánh việc tham gia của người dân ở cấp cơ sở; chỉ số nội dung 2 phản ánh việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; chỉ số nội dung 3 phản ánh trách nhiệm giải trình với người dân; chỉ số nội dung 4 phản ánh Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; chỉ số nội dung 5 phản ánh thủ tục hành chính công; chỉ số nội dung 6 phản ánh việc cung ứng dịch vụ công; chỉ số nội dung 7 phản ánh việc quản trị môi trường; chỉ số nội dung 8 phản ánh hoạt động quản trị điện tử.

Đối với chỉ số "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương", các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có xu hướng đạt kết quả tốt hơn. Trong khi đó, các tỉnh đạt điểm thấp hơn tập trung nhiều hơn ở khu vực Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đáng khích lệ là có 18 tỉnh/thành phố đạt mức điểm cao hơn đáng kể, và khoảng điểm của cả nước tăng nhẹ so với năm 2021. Phân tích sâu hơn cho thấy việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân vẫn còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh/thành phố. Người dân cho rằng giá bồi thường thu hồi đất thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường.

Số liệu cũng cho thấy chưa có tỉnh/thành phố nào thực hiện tốt việc phổ biến và thực thi đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, chỉ có khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho biết đã nhận được thông tin họ cần. Mức độ tin tưởng của người dân vào việc lập danh sách hộ nghèo còn thấp ở hầu hết các tỉnh/thành phố, trong khi chưa có cải thiện rõ rệt nào trong công khai thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã so với năm 2021.

Đối với việc "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", báo cáo cũng nêu rõ, Chỉ số nội dung này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền. Theo đó, xu hướng đáng lưu ý nhất là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của các cấp chính quyền địa phương có phần giảm sút trong năm 2022, sau khi tăng liên tục trong giai đoạn từ 2015 đến 2021. Dù chiến dịch phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ khắp cả nước, chưa tới 75% số người trả lời ở tất cả các tỉnh/thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng. Ở 42 tỉnh/thành phố, tỉ lệ này chỉ ở mức dưới 50%.

Tương tự kết quả của những năm trước, hiện trạng ‘chung chi’ để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh/thành phố. Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi GCNQSDĐ đã phải chi ‘lót tay’ giảm ở 34 tỉnh/thành phố. Tỉ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40% đến 80% ở 42 tỉnh/thành phố, tương tự kết quả năm 2021.

Đối mặt với hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, người dân chỉ bắt đầu tố giác khi số tiền bị vòi vĩnh lên tới khoảng từ 20 triệu VNĐ đến 43 triệu VNĐ. Điều này phản ánh mức độ ‘chịu đựng’ tham nhũng của người dân.

Với Chỉ số nội dung 4, khác với kết quả ở ba chỉ số trước, nhiều tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long vươn lên nhóm ‘cao’; trong khi nhiều tỉnh/thành phố thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên lại ở trong nhóm ‘thấp’. So với kết quả năm 2021, 7 tỉnh/thành phố (gồm Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Bà rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Điện Biên) có mức gia tăng về điểm đáng kể trong năm 2022.

Đáng chú ý, điểm Chỉ số PAPI 2022 có xu hướng hội tụ hơn, cho thấy nhiều tỉnh/thành phố không có tiến bộ đáng kể so với năm 2021. Số liệu cho thấy, 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’ và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung ‘Quản trị điện tử’. Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung ‘Quản trị môi trường’, 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’, và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung ‘Cung ứng dịch vụ công’…

Theo số liệu điều tra, tỉnh Quảng Ninh vẫn dẫn đầu ở chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”; “Trách nhiệm giải trình với người dân”; “Thủ tục hành chính công”; “Quản trị điện tử”. Tỉnh Thanh Hoá dẫn đầu trong chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”. Tỉnh Bình Dương dẫn dầu trong chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Tỉnh Vĩnh Phúc dẫn đầu trong chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”. Tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu trong chỉ số nội dung “Quản trị môi trường”.

Hương Diệp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều