Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ: Một số nơi thực hiện quá máy móc

Ở một số nơi, cán bộ thực hiện một cách máy móc Chỉ thị 16/TTg, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng khiến người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đang được người dân ủng hộ, thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, hiện ở một số nơi, cán bộ cơ sở và chính quyền địa phương thực hiện một cách máy móc, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Cảnh chen chúc tại một tiệm bánh mì ở đường Quang Trung- TP Đà Nẵng sáng 1/4.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng”.

Theo đó, chiều 31/3, Bộ GTVT gửi Công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các sở GTVT dừng mọi hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh trong vòng 15 ngày.

Công văn này có hiệu lực ngay từ 0 giờ ngày 01/04. Lập tức, Sở Giao thông- Vận tải các địa phương đề xuất với UBND tỉnh, thành phố dừng các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp quản lý bến xe, bến cảng đã thực hiện ngay quy định này khiến người dân không kịp trở tay.

Trong khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có độ trễ hơn 1 ngày (có hiệu lực từ 15 giờ ngày 01/04) để người dân có thời gian chuẩn bị, còn quy định của Bộ GTVT là có hiệu lực chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi ban hành văn bản nên nhiều người kẹt lại tại các địa phương do không có phương tiện đi lại.

Người dân Đà Nẵng tương trợ khó khăn cho nhau trong lúc dịch bệnh bùng phát.

Bà Phạm Thị Như Hồng, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, ngày hôm qua, UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu phải đưa người đàn ông 43 tuổi lang thang trong bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố vì người này không đón được xe về quê Quảng Trị, không tìm được nhà trọ, khách sạn nào để lưu trú.

 “Ông đó tên Hân, sinh năm 1977. Họ bảo là từ Quảng Trị vô đã 4,5 ngày rồi nhưng bến xe thì không có, nhà nghỉ cũng không có, lại không tìm được việc làm. Phường với Công an đưa về trụ sở ở tới 15 giờ mới đưa xuống Trung tâm Bảo trợ xã hội. Bởi mình còn phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và các thủ tục liên quan”, bà Hồng cho hay.

Cũng vì không có phương tiện đi lại nên có người rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Tại các khu cách ly tập trung ở thành phố Đà Nẵng, nhiều người đến ngày 01/04 là hết thời hạn cách ly tập trung nhưng không tìm được phương tiện trở về nhà. Ra ngoài thì không có khách sạn, nhà trọ nào nhận khách lưu trú.

Anh Đồng Văn Hùng, ở TP Hồ Chí Minh có con gái đang ở trong khu cách ly tại TP Đà Nẵng cho biết, anh và nhiều người cùng hoàn cảnh không thể tìm được phương tiện cho con trở về nhà sau khi hết thời gian cách ly:

“Vé máy bay thì không có. Ngày mai là hết hạn cách ly, người ta cho ra rồi. Bây giờ từ Đà Nẵng vào chỉ còn 1 chuyến mà chỉ của hãng Việt Nam Airline thôi. Còn những hãng khác đã hủy hết. Nếu có hỗ trợ cũng chỉ hỗ trợ những người đặt vé trước của Vietnam Airline thôi, chứ vé bây giờ đã hết rồi”, anh Hùng nói.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ “cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa”. Thế nhưng, chính quyền cơ sở ở một số nơi hiểu chưa đúng với tinh thần này đã thực hiện một số biện pháp quá mạnh tay không cần thiết, gây trở ngại trong cuộc sống người dân.

Văn bản số 2089/UBND ngày 31/3 của TP. Đà Nẵng về việc triển khai cụ thể chỉ thị 16/CT-TTg có nêu: "đối với các của hàng ăn uống và bán qua mạng hoặc bán mang đi, chỉ được phép hoạt động đến 0h00 ngày 2/4/2020". Theo đó, sáng nay (2/4), tại nhiều cửa hàng bán bánh mì ở TP Đà Nẵng đã diễn ra cảnh chen lấn khi mua bánh mì, đồ ăn sáng. Việc thành phố Đà Nẵng cấm bán hàng mang về, bán qua mạng đang gây ra những phản ứng trái chiều.

Chị Nguyễn Thị Hai, ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng nêu ý kiến: “Theo tôi, việc TP Đà Nẵng cấm người dân không được bán hàng ship mang về là bất cập. Buổi sáng người ta đi mua đồ ăn sáng sẽ xúm xít vào các cửa hàng bánh mì. Như sáng nay, tôi thấy cửa hàng bánh mì Đồng Tiến ở đường Quang Trung tầm khoảng 50 người chen chúc nhau chứ không đứng xa 2 mét như quy định của Chính phủ. Người bán bánh mì cũng rất chật vật. Những người ở các khu nhà trọ, khách sạn, chung cư... không thể mua đồ về để nấu được. Chính vì vậy họ rất cần những người bán đồ ăn sẵn để mua về ăn”.

Người dân mong rằng, cán bộ địa phương và chính quyền cơ sở cần hiểu đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch Covid-19, nhưng hạn chế những đảo lộn sinh hoạt không cần thiết của người dân. 

Theo Thanh Hà/VOV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều