Chơi Xuân, xin đừng mãi kéo dài

Tâm lý "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" sẽ làm cho việc bắt tay vào công việc chậm trễ, kém hiệu quả.

Hôm nay (10/2, tức mùng 6 Tết) là ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay. Thế nhưng với rất nhiều người, tâm lý vui Tết, chơi Tết sẽ vẫn còn kéo dài bởi tâm lý "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Điều này sẽ làm cho việc bắt tay vào công việc chậm trễ, kém hiệu quả.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu công chức, viên chức không đi lễ trong giờ hành chính, không dùng xe công đi lễ hội, nhưng việc này vẫn xảy ra và người ta tìm mọi cách để "lách luật", để việc này được êm thấm. Những ngày đầu sau khi đi làm trở lại, công sở "vắng hoe", còn đền, đình, chùa thì người "đông như nêm". Việc “dùng chùa” giờ hành chính để du Xuân, cầu tài lộc năm nào cũng xảy ra, mà chẳng thể nào khắc phục triệt để.

 Ảnh minh hoạ.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là do nước ta có quá nhiều lễ hội. Hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ, từ cấp qui mô quốc gia đến làng, xã diễn ra vào những ngày đầu Xuân. Những năm gần đây, lễ hội có xu hướng bùng nổ về cả quy mô và số lượng; số người dự hội ngày càng đông. Các lễ hội lớn, lại diễn ra nhiều ngày như: Chùa Hương, Yên Tử... mỗi ngày thu hút vài vạn người.

Sự thuần khiết của lễ hội với những hoạt động tín ngưỡng, vui chơi lành mạnh ngày càng mai một vì đa phần các lễ hội đã nhuốm màu sắc trục lợi. Ban tổ chức các lễ hội tìm mọi cách để tăng nguồn thu. Còn người đi dự lễ hội thiếu kiến thức, đi với tâm lý đám đông, trong tâm trí chỉ cầu mong đạt được hai chữ "danh, lợi", mong "thăng quan, tiến chức", khiến không ít người rơi vào sự cuồng tín.

"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", đây là thói quen khó bỏ và đã len lỏi vào nhiều cơ quan công quyền. Hệ lụy của nó là việc lãng phí thời gian, không kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân…

Sau Tết, nhiều cơ quan công sở vẫn còn hương vị ngày Tết nên không ít cán bộ, công chức sử dụng thời gian này để gặp gỡ, chúc tụng nhau, tranh thủ giờ làm việc thăm hỏi người thân, bạn bè. Không ít nơi cán bộ, công chức sử dụng rượu, bia tại công sở, vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, dẫn đến sa sút tinh thần lao động…

Thực trạng này cho thấy tình trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm ở một số công sở; thủ trưởng các cơ quan công sở ngại va chạm cho nên thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm.

Còn nhớ, năm ngoái, trong buổi giao ban đầu năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động bình thường, không để tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi".

Tại các địa phương, bộ ngành, tinh thần ấy cũng được chỉ đạo quyết liệt, trong các công điện, các cuộc họp với yêu cầu kiểm tra, giám sát kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Một số địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện nền nếp làm việc tại các cơ quan công quyền trong những ngày đầu năm để kiểm tra xem các cơ quan có làm việc nghiêm túc hay không.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đạt tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực ASEAN, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước này. Theo con số mà Tổng cục Thống kê công bố mới đây, bình quân mỗi lao động Việt Nam làm ra gần 1.000 USD, trong khi đó con số tương ứng của Singapore là hơn 130.000 USD, Malaysia là hơn 46.000 USD. Năng suất lao động của Thái Lan gấp 17 lần của Việt Nam, Indonesia gấp hơn 13 lần, còn Philippines gấp gần 8 lần.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp như: cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu…, thì việc ý thức kém với công việc của người lao động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của người Việt Nam thua cả người Lào.

Tình trạng bớt xén giờ làm việc, đi sớm về muộn, "sáng cắp ô đi, tối cắp về", rồi tâm lý hội hè, ăn chơi kéo dài, làm việc lấy lệ, làm cho xong... sẽ chẳng bao giờ giúp cho năng suất lao động của người Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực.

Vì vậy, cán bộ, công chức và người lao động trong cả nước hãy loại bỏ tâm lý "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Kỳ nghỉ Tết sắp hết, hãy chuẩn bị tinh thần và sức lực thật tốt để bắt tay ngay vào công việc trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.

Trong những ngày làm việc đầu năm mới, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức cần nghiêm túc thực hiện, tuân thủ đúng quy định, động viên cán bộ, công chức chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc, đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm thời gian làm việc; chỉ đạo giải quyết công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm chất lượng. Nghiêm cấm tình trạng sử dụng rượu, bia trong công sở và trong giờ làm việc.

Ngày Xuân xin đừng mãi kéo dài - hãy dành cho công việc tất cả niềm say mê và tinh thần nghiêm túc nhất thì chúng ta mới mong gặt hái được những "quả ngọt" cho những Mùa Xuân tiếp theo!.

Theo Mai Hồng/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều