Chống hàng giả là bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất chân chính

(Mặt trận) - Ngày 30/8, tại Hải Phòng, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp tăng cường đấu tranh chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội thảo.
 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo 
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, sau 13 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được đông đảo tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng. Doanh nghiệp hướng tới chữ tín trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, từ hàng tiêu dùng phổ thông đến thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sản phẩm điện tử cao cấp; các hành vi vi phạm xuyên biên giới. Bởi vậy, đề ra các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nhằm tăng niềm tin, để người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, đảm bảo thị trường minh bạch, bền vững là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng Cục QLTT (Bộ Công Thương) tham luận, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Trong đó, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất ở Việt Nam còn được sản xuất từ nước ngoài đưa về trong nước tiêu thụ. Những mặt hàng thường bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm hàng thời trang, hàng tiêu dùng, điện tử viễn thông, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, xe máy; thuốc và thực phẩm chức năng làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khoẻ, cơ hội chữa bệnh của người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính và uy tín nền kinh tế.

Theo thống kê từ Cục Nghiệp vụ, Tổng Cục QLTT, những vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỉ lệ cao. Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ cũng nêu rõ, nguyên nhân hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có “đất sống” do lợi nhuận từ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn, ý thức người tiêu dùng chưa cao, còn tâm lý sính hàng ngoại. Đặc biệt, thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Bùi Trường Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội dẫn chứng về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như từ năm 2021 đến nay, doanh nghiệp đã phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét 79 lượt, đơn vị có hành vi sao chép, làm nhãn hiệu hàng hoá tương tự, có thể gây nhầm lẫn nhãn hiệu bia HABECO đã được bảo hộ.

Hiệp hội Gas Việt Nam nêu thực trạng, tình trạng sang, chiết gas trái phép không chỉ gây thiệt hại đối với người tiêu dùng, uy tín thương nhân, mầm mống gây ra những vụ cháy, nổ, hành vi này còn gây thất thu thuế của Nhà nước.

Đại diện Công ty Honda Việt Nam nêu rõ, sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả từ tem, nhãn mác nhãn hiệu sản phẩm, phụ tùng, kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, phụ tùng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda rất tinh vi, được bán tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến an toàn chất lượng sản phẩm, quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, Hội thảo cung cấp các góc nhìn từ doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong thực trạng đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các giải pháp được đưa ra thể hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để người tiêu dùng được sử dụng hàng hoá chất lượng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, những kiến nghị, giải pháp tại Hội thảo cũng như kiến nghị, giải pháp của doanh nghiệp, người dân về đấu tranh chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Công thương tập hợp, tiếp thu trước khi đề xuất, kiến nghị Chính phủ có các chính sách đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất chân chính.

HẢI DƯƠNG

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều