Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam

Ngày 21/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Khẳng định những đóng góp quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam đối với quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong 67 năm qua, Chủ tịch nước đề nghị các cấp Hội của Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, kiện toàn bộ máy các cấp hội và nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ người dân và đóng góp vào sự phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hội Luật gia Việt Nam được thành lập năm 1955, từ chỗ chỉ có 40 hội viên, hiện nay Hội đã có gần 70.000 hội viên là những luật gia lão thành với nhiều kinh nghiệm quý báu về chuyên môn và thực tiễn, các luật gia trẻ đầy hoài bão, đã và đang công tác tại các cơ quan Nhà nước thuộc các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, cùng thực hiện mục tiêu là phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam (ban hành năm 2000), hơn 20 năm qua, Hội đã có sự phát triển vượt bậc cả về chất lượng và số lượng, đã góp ý trên 39.000 lượt vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; 119 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Với thế mạnh là tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, Hội đã tổ chức trên 991 nghìn cuộc phổ biến giáo dục pháp lý cho hơn 62 triệu lượt người; thực hiện 750 nghìn vụ tư vấn pháp luật miễn phí thông qua 113 trung tâm của Hội trên cả nước.  

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao Hội Luật gia Việt Nam về những thành tích đạt được, đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tổ chức và hoạt động của hội, trong đó, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 56 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị, Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo lãnh đạo các cấp hội thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, trọng tâm là Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị, phát huy vai trò của tổ chức chính trị nghề nghiệp, bảo đảm hoạt động hiệu quả theo đúng tôn chỉ mục đích.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước khẳng định, sau gần 70 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định lịch sử của Hội Luật gia Việt Nam luôn đồng hành, gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung, quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật của chế độ ta nói riêng. Hội đã trở thành tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp vững mạnh; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, đóng góp vào xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chủ tịch nước cũng đánh giá, cùng với phát triển đồng bộ tổ chức chức cấp hội tại 63 tỉnh, thành phố, chất lượng hội viên của Hội ngày càng được nâng cao, có chuyên môn và ý thức chính trị vững vàng. Hội đã tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó đã góp phần xây dựng được Luật trọng tài thương mại (2010), Luật trưng cầu ý dân (2015); tham gia thực nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”; đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, công tác đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế được Hội triển khai hiệu quả, đặc biệt là đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có nhiều hội thảo quốc tế về biển Đông để làm rõ quan điểm và chủ quyền đúng đắn của Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị Hội đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vận dụng luật pháp, kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho hội nhập, đảm bảo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đất nước. Chủ tịch nước đề nghị Hội cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu, giúp MTTQ Việt Nam trong phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa Đảng, đoàn Hội Luật gia Việt Nam với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ban bộ, ngành Trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hội. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thống nhất; tổ chức hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đúng hướng, có chất lượng, hiệu quả trong phạm vi toàn quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Hội Luật gia tiếp tục mới nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho hội viên và nhân dân, nâng cao tôn trọng pháp luật và tuân thủ pháp luật. Tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, nhất là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, qua đó phát huy vai trò là thành viên của Ban Cải cách tư pháp Trung ương.

 Đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Hội cũng cần đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật và làm việc pháp lý của nước ta, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chủ động đổi mới nội dung sinh hoạt, nâng cao chất lượng các nghiệp vụ hướng về cơ sở, phục vụ nhân dân.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế thì cần tranh thủ sự ủng hộ của các luật gia, bạn bè quốc tế đối với nước ta; có chương trình vận động các luật gia Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia đóng góp cho đất nước. Cùng với mở rộng quy mô và chất lượng hội viên, các cấp hội cần quán triệt hơn nữa các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, đẩy mạnh phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Hội Luật gia Việt Nam chủ động đề xuất tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên của Hội để đóng góp xây dựng “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và cho biết, sắp tới có hội nghị tổ chức ở 3 vùng cả nước, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mong muốn nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, qua đó góp phần tuyên truyền giới thiệu cho hội viên về Đề án quan trọng này.

* Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm nơi làm việc của Tạp chí Đời sống và Pháp luật, thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Tạp chí Đời sống và Pháp luật. Ảnh: CTV
Đánh giá Tạp chí Đời sống và Pháp luật là cơ quan báo chí tốt, có lượng bạn đọc đông đảo, thông tin chính xác, phong phú, có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến xã hội, Chủ tịch nước đề nghị Tạp chí Đời sống và Pháp luật luật tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, cùng với đó, lưu ý đến những vấn đề mà xã hội quan tâm như tấm gương người tốt việc tốt, các vấn đề bảo vệ pháp luật, cải cách tư pháp...

Chủ tịch nước cũng yêu cầu phóng viên, biên tập viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật luật phải nêu gương trong hoạt động tác nghiệp báo chí đúng pháp luật và yêu cầu toà soạn phải tiếp tục nỗ lực đổi mới hình thức và chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đảm bảo nguồn thu nhập cho cán bộ, phóng viên để có thể tiếp tục cống hiến với nghề.

Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị Ban Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật mở thêm một số mục để đi đầu trong việc tuyên truyền xây dựng Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh hơn nữa các vấn đề chính trị, thời sự.

Tại buổi thăm và làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà lưu niệm cho Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Theo Quang Vũ (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều