Chủ tịch nước: TP Hồ Chí Minh cần tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân

Sau hai cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn các huyện Hóc Môn và Củ Chi, chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc làm việc với UBND Thành phố về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành tại buổi làm việc phân tích kỹ những khó khăn, tồn tại của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, nhất là các vấn đề đang là bức xúc của cử tri và người dân như: Ùn tắc giao thông, ngập úng khi có mưa lớn, triều cường dâng cao; chưa đầu tư xứng đáng cho chuyển đổi số; khai thác chưa hiệu quả không gian ngầm; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; công tác quản lý đất đai chưa phát huy tốt hiệu quả cho phát triển nhanh, bền vững. Lãnh đạo các bộ, ngành, các đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều giải pháp với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các thách thức, rào cản của Thành phố, nhất là về hạ tầng để Thành phố có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Bên cạnh việc đề xuất Trung ương dành cho Thành phố Hồ Chí Minh một cơ chế tự chủ về tài chính ngân sách ở mức độ cao hơn so với hiện nay; các ý kiến cũng góp ý với Thành phố tăng cường mở cửa, hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài; rà soát, loại bỏ quy hoạch treo. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để theo kịp các nước trong khu vực; coi đây là hướng phát triển trọng yếu trong thời gian tới. 

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần cuộc làm việc nhằm tổng hợp, thu thập các ý kiến, đề xuất Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đột phá theo hướng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dựa trên nền tảng sức mạnh của khoa học công nghệ, sức trẻ để từ đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng và quy mô kinh tế.

Vấn đề đặt ra là làm sao để không tốn kém nhiều ngân sách, tiền bạc nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có thể là thành phố sạch, đẹp, văn minh, an toàn hơn, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước đánh giá, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ vượt qua đại dịch COVID-19, đà tăng trưởng được phục hồi tốt với một chương trình phục hồi kinh tế - xã hội toàn diện, có 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm.

Phân tích sâu những thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải, Chủ tịch nước cho rằng, vị trí vai trò đầu tàu tăng trưởng của Thành phố đối với phía Nam và cả nước đang suy giảm dần do tốc độ tăng trưởng giảm mạnh. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng bất cập so với yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đặc biệt là công tác quy hoạch. Hạ tầng giao thông ngày cảng quá tải nghiêm trọng hơn; chống kẹt xe, chống ngập,... chưa có tiến bộ; bất cập về xã hội, môi trường ngày càng nghiêm trọng, kể cả tắc nghẽn, ngập nước, quá tải. Thành phố cũng chưa phát huy được thế mạnh của một trung tâm khoa học-công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng phát triển, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều công trình dự án bị “nghẽn” nhiều năm, nhất là các dự án bất động sản. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp.

Đánh giá cao những góp ý, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi làm việc về những giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến việc đảm bảo ổn định, kiểm soát tốt vĩ mô có tầm quan trọng đặc biệt đối với một siêu đô thị, đông dân như tại đây. Chủ tịch nước cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu những vấn đề đang là bức xúc của người dân Thành phố, nhất là bất cập trong quy hoạch.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ việc cung ứng lao động và đào tạo lao động; khôi phục và phát triển khu vực doanh nghiệp; thường xuyên “đối thoại, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, của từng dự án”; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân hùng hậu của thành phố phát triển, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Thành phố.

Theo Chủ tịch nước, người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh chịu áp lực lạm phát nặng nề hơn hơn so với các địa phương khác vì thế, cần rất chú ý đến các chương trình, dự án hay sáng kiến phục vụ an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế trong xã hội. 

Thành phố cũng cần tiếp tục cải cách cả chính sách và hệ thống công vụ rộng hơn để tạo những thay đổi rõ nét về môi trường kinh doanh. Cải thiện cơ chế chính sách và hạ tầng liên quan đến nền tảng số và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính quốc tế; phát triển kinh tế số-chuyển đổi số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục theo đuổi một cách có chiến lược, bài bản và hiệu quả mô hình nền kinh tế sáng tạo, Chủ tịch nước đề nghị.

Chủ tịch nước nhận xét, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội với nhiều kết quả cụ thể nhưng vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mà thành phố chưa tận dụng tốt, chưa triển khai một cách đồng bộ.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tán thành với ý kiến tại buổi làm việc về nhu cầu cần có một cơ chế, chính sách mới chắp cánh cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng, khung khổ chính sách mới cần giúp Thành phố tháo gỡ được ngay những nút thắt về cơ sở hạ tầng, tắc nghẽn đô thị, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... trên địa bàn.

Việc ban hành cơ chế đặc thù không phải là ưu ái mà thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cả nước; đồng thời, tạo ra thế và lực để giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của người dân, Chủ tịch nước nói.

Đặc biệt lưu ý đến yêu cầu giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xử lý những bất cập về quy hoạch; xây dựng Thành phố thành mô hình kiểu mẫu về không xả rác bừa bãi; huy động sự vào cuộc của mọi người dân; coi đây là trách nhiệm thường xuyên của chính quyền cơ sở. Gợi ý có thể lấy thành phố Thủ Đức làm mô hình thí điểm thành phố không có rác, thành phố an ninh, an toàn, Chủ tịch nước đề nghị các lực lượng chức năng, nhất là Công an Thành phố cần xử lý tốt, kịp thời hơn mọi loại tội phạm; phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của lực lượng Công an trong việc đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Cùng với đó là tiếp tục nâng cấp các nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm văn hóa để đáp ứng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều