Chủ tịch tỉnh làm Hiệu trưởng: Chuyện xưa nay chưa từng có

Việc ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa được giao kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng ĐH Hạ Long đang gây xôn xao dư luận.

Ngày 18/5, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng hiện đang là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng ĐH Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, dư luận có không ít ý kiến trái chiều cho rằng việc này không phù hợp.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc Chủ tịch một tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng một trường ĐH chẳng khác nào "vừa đánh trống vừa thổi còi". Việc này hoàn toàn không nên, xưa nay chưa từng có.

 

Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh giữ chức vụ Hiệu trưởng ĐH Hạ Long do Phó chủ tịch tỉnh Đặng Huy Hậu ký. 

“Tỉnh có thể nói họ làm đúng luật. Đúng ở chỗ Hiệu trưởng một trường có thể do Hội đồng trường đề nghị. Hội đồng trường có đề nghị lên UBND thành phố để ông Thắng được làm Hiệu trưởng. Nhưng trong Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng quy định người làm hiệu trưởng một trường đại học phải có kinh nghiệm quản lý đại học trước đó. Một trường đại học có rất nhiều công việc, từ thi cử, tuyển sinh, công tác cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học, nếu chưa có kinh nghiệm thì sẽ làm thế nào. Chưa kể, Chủ tịch tỉnh phải làm rất nhiều việc, thời gian đâu để sát sao với công tác hiệu trưởng”?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, địa phương giải thích bổ nhiệm ông Thắng làm Hiệu trưởng để xây dựng và phát triển trường. Song nếu đúng mục đích muốn trường phát triển, đáng ra Chủ tịch tỉnh nên là người đứng ra chỉ đạo tìm một người có kinh nghiệm quản lý giáo dục về đảm nhiệm.

Là người có gần 20 năm quản lý ngành giáo dục đại học, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, việc Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng trường ĐH ở địa phương “là do thói quen, muốn để cử người cấp trên đảm nhiệm một công việc ở cấp thấp hơn. Nhưng trong trường hợp không thể tìm được người thay thế, tình thế bắt buộc mới phải làm vậy”.

TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, quan điểm Hiệu trưởng chỉ đảm nhiệm vấn đề đường lối, chuyên môn đã có Hiệu phó lo là hoàn toàn sai. Bởi hiện nay vấn đề đường lối, chính sách của một trường đại học sẽ do Hội đồng trường quyết định. Hiệu trưởng là người được tuyển dụng để làm việc thực tế, yêu cầu làm việc chuyên nghiệp, không có chuyện hiệu trưởng danh dự.

“Hiệu trưởng phải làm những công việc rất bếp núc của một trường đại học, là người miệng nói tay làm, chứ không phải chỉ đứng chỉ đạo. Nếu muốn tham gia vào trường, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chỉ nên tham gia vào Hội đồng trường như một thành viên. Việc ông Thắng làm Chủ tịch tỉnh vừa là cấp trên của trường, nhưng Hiệu trưởng lại là cấp dưới của Hội đồng trường, như vậy nếu có sai phạm hay vấn đề gì cần xử lý, kỷ luật, Hội đồng trường phải báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến, tức báo cáo cho chính ông Thắng. Điều này chỉ nghe đã thấy vô lý”, TS. Lê Viết Khuyến nói.

Cũng theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Luật giáo dục hiện hành quy định, Hiệu trưởng các trường đại học phải kinh qua công tác quản lý nhà trường. “Tôi có 19 năm làm Phó Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, khi nghỉ hưu, có trường ĐH dân lập muốn mời tôi về làm hiệu trưởng, nhưng tôi không dám nhận lời. Bởi dù có quản lý, nhưng quản lý ở cấp Bộ, không trực tiếp làm việc ở các trường, tính chất công việc khác nhau, làm không thể tốt bằng các thầy trực tiếp quản lý tại trường. Nên nghe việc một người chưa từng có kinh nghiệm quản lý giáo dục lên làm hiệu trưởng, không hiểu sẽ làm thế nào”, TS. Khuyến băn khoăn.

TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, việc bổ nhiệm này có những biểu hiện của bệnh thành tích, các đơn vị muốn một lãnh đạo cấp cao có uy tín làm lãnh đạo. Như vậy sẽ có những thuận lợi nhất định cho đơn. Song đây là lối tư duy cũ cần thay đổi.

“Nếu tạo ra tiền lệ, có lẽ không chỉ các trường đại học mà cả các cơ quan khác cũng noi theo mời các sếp lớn làm thủ trưởng đơn vị. Đây là bệnh hình thức phải kiên quyết đả phá”, TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh"./.

 

Theo Điều 20 của Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định:

Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học.

Tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật;

Đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

 

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều