Chung sức, đồng lòng xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của khu vực

(Mặt trận) - Chung sức, đồng lòng xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của khu vực - Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên vào sáng ngày (10/1) tại Trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Quang cảnh buổi làm việc 

Tiếp và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác của Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các Đảng bộ trực thuộc; Thường trực các huyện, thành ủy của tỉnh.

 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh Thái Nguyên

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng đã báo cáo một số kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của Thái Nguyên sau 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh. Theo đó, trước diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch COVID-19; áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất gia tăng cùng với hậu quả của đại dịch COVID-19, nhưng Thái Nguyên vẫn vững vàng trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả, tự hào là an toàn khu trong đại dịch. Kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,51% vào năm 2021, cao gấp 2,5 lần bình quân chung của cả nước; năm 2022 đạt 8,59%, cao hơn bình quân chung cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 931,7 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt gần 31 tỷ USD; đứng thứ 4 cả nước.

 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thu ngân sách năm 2022 đạt trên 19.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2021 và vượt 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác thu hút đầu tư được quan tâm, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ chỉ số và xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính, Chuyển đổi số ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn 2021- 2022, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án lớn, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có một số dự án giao thông quan trọng mang tính liên kết, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho cả vùng. Toàn tỉnh có 119/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 86,9%); 04/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh phấn đấu, sẽ có thêm ít nhất 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2023. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm chỉ đạo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) toàn tỉnh chỉ còn 4,49% (giảm 1,65% so với năm 2021). Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được tăng cường, bảo đảm sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh vững mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo chương trình, kế hoạch công tác và quy định của Điều lệ Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các cuộc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm; kịp thời xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng viên theo đúng quy định.

Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác dân vận đã bám sát nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới là: Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân còn chiếm tỷ trọng nhỏ; quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp; đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Công tác phát triển đảng viên còn gặp nhiều khó khăn. Năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Còn có cán bộ, đảng viên chưa thực hiện tốt việc nêu gương, vi phạm kỷ cương hành chính, đạo đức, lối sống, để xảy ra vi phạm đến mức phải kỷ luật. Việc lãnh đạo, triển khai thực hiện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở một số cấp ủy còn lúng túng. Công tác nắm bắt và dự báo tình hình Nhân dân; phối hợp giải quyết các kiến nghị, đề xuất, bức xúc của Nhân dân ở cơ sở có nơi chưa kịp thời. Công tác dân vận của chính quyền ở một số địa phương, đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo về tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh 

Tiếp đó, đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã báo cáo về tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Theo đó, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý điều hành của nhà nước, đánh giá cao Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa, tạo sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, nghị quyết của Trung ương.

Nhân dân cũng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành, linh hoạt hiệu quả của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Nhân dân cũng bày tỏ lo lắng về giá xăng dầu biến động mạnh, thị trường chứng khoán bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro… và mong muốn Đảng, Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp để Thái Nguyên sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Về công tác phòng chống tiêu cực, Nhân dân cũng bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đồng thời mong muốn Đảng, nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công khai việc xét xử những vụ án lớn.

Đại diện cho các địa phương trong tỉnh, đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên đã báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp; đồng thời bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi của cán bộ, Nhân dân TP. Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung khi được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, chúc Tết.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ vui mừng khi về thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Tổng Bí thư gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh nhà lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư cũng bày tỏ vui mừng, nhận thấy sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của Thái Nguyên trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2021 và năm 2022. Trong điều kiện đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, vừa tập trung phòng, chống dịch, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa chăm lo phát triển kinh tế - xã hội; tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đối với một tỉnh miền núi mà đạt được những thành quả này là rất đáng khích lệ. Đặc biệt, mặc dù là một tỉnh miền núi, song Thái Nguyên đã và đang là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác "chuyển đổi số" trên cả 3 lĩnh vực (Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số) đã và đang có tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số và là tỉnh dẫn đầu trong việc thực hiện hiệu quả Đề án 06.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tỉnh Thái Nguyên 

Thay mặt lãnh đạo Đảng,Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022. Nhắc lại những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo của tỉnh, Tổng Bí thư chỉ đạo tỉnh cần đi sâu phân tích rõ nguyên nhân của những hạn chế đó, đề ra các giải pháp, quyết tâm khắc phục cho bằng được trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư cho rằng, đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2020-2025, tỉnh cần nhận thức rõ thuận lợi và khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và lưu ý thêm một số vấn đề: Đảng bộ cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương để từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; có sự phân công, phân nhiệm trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả"; nêu cao tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác mà Đảng bộ đã đề ra.

Tập trung ưu tiên các nguồn lực và tổ chức thực hiện thật tốt, có hiệu quả 5 định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế hài hoà với phát triển văn hoá, xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của các dân tộc; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân. Tỉnh cần hết sức chú ý kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng quân sự địa phương vững mạnh toàn diện; tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác của Trung ương chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên 

Song song với đó, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về "Những điều đảng viên không được làm", gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trước hết là phải có các giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế như trong Báo cáo của tỉnh đã nêu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và mong rằng: Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng "Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn", cùng với khát vọng phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã ra để Thái Nguyên sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và của cả nước, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thu Hà - Mạnh Thắng 
(thainguyen.gov.vn)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều