Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020

(Mặt trận) - (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/NQ-MTTW-UB ngày 22 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)         

Hội đồng chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Ảnh: Báo Lao động

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam) đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP), như: Tham gia tích cực vào việc xây dựng và tuyên truyền các quy định về PCTNLP; tăng cường giám sát, phản biện xã hội; thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch để phòng chống tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTNLP của MTTQ Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Nhiều cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc tham gia PCTNLP, sự phối hợp hành động PCTNLP trong hệ thống Mặt trận chưa thật sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; kết quả đạt được chưa cao.

Hiện nay, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn diễn ra rất nhức nhối ở nhiều cấp, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, tiếp tục làm xói mòn đạo đức xã hội, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; làm giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Chính vì thế, PCTNLP luôn là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia thường xuyên, thực hiện kiên trì, kiên quyết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó phải có sự vào cuộc tích cực của MTTQ Việt Nam.

Để góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTNLP giai đoạn 2018 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam).

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam trong phòng ngừa, đấu tranh PCTNLP; tạo chuyển biến tích cực và thống nhất về nhận thức của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống MTTQ Việt Nam về công tác PCTNLP phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

- Cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên về công tác PCTNLP; phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế  của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác PCTNLP.

- Tăng cường phối hợp và thống nhất hành động trong hệ thống Mặt trận và giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận với các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác PCTNLP.

2. Yêu cầu

2.1. Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam phải bảo đảm thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xác định rõ các mục đích, yêu cầu đặt ra trong công tác PCTNLP của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng như các giải pháp và các điều kiện bảo đảm thực hiện.

2.2. Việc thực hiện Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; phát huy sự chủ động vào cuộc của MTTQ Việt Nam các cấp và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bám sát thực tiễn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đoàn kết, ổn định, tăng cường đồng thuận xã hội và tránh bị lợi dụng.

2.3. Việc thực hiện Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam phải gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 04-NQ/TW và Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW ngày 19/01/2017 của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện pháp luật về PCTNLP

MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng về PCTNLP, về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp đấu tranh PCTNLP, về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống MTTQ Việt Nam và Nhân dân về công tác PCTNLP, tích cực tham gia đấu tranh PCTNLP. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, giải pháp của Đảng về PCTNLP; tuyên truyền, phổ biến các văn bản về PCTNLP như: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến PCTNLP.

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCTNLP như: Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTNLP phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền trực tiếp pháp luật về PCTNLP cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Mặt trận và Nhân dân; phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về PCTNLP nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các giải pháp PCTNLP trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Chú trọng việc vận động Nhân dân  tham gia chủ động, tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực PCTNLP.

2. MTTQ Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào việc xây dựng, phản biện xã hội nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để PCTNLP

MTTQ Việt Nam các cấp nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về PCTNLP và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính; tài chính công; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các dự án BOT, BT…nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những “khe hở” dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí.

Trong năm 2018, tập trung cụ thể hóa vai trò giám sát của người dân, nhất là trong việc giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, những dấu hiệu bất minh trong thu nhập, tài sản, nhà đất....Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường giám sát của MTTQ Việt Nam với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức, đảng viên về đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tham gia xây dựng và phản biện xã hội đối với Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi),  Luật Tố cáo (sửa đổi); hướng dẫn và tổ chức để toàn hệ thống Mặt trận thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của các luật sau khi Quốc hội thông qua.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện nghiêm túc việc góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các báo cáo công tác PCTNLP hằng năm của các cơ quan nhà nước cùng cấp; đưa các chuẩn mực về nếp sống cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên sinh sống trên địa bàn vào quy ước, hương ước của khu dân cư; nghiên cứu việc áp dụng những yếu tố tích cực trong đạo đức tôn giáo để góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thay thế cho Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản về thực hiện dân chủ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng Dự án Luật giám sát và phản biện xã hội để kiến nghị Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 – 2027).  

3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam

Từ năm 2018, MTTQ Việt Nam các cấp ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch giám sát hàng năm theo các quy định của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, tăng cường các hoạt động giám sát đột xuất để góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí. MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường và đổi mới phương thức giám sát đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, các vụ việc mà dư luận và Nhân dân quan tâm, bức xúc.

MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng nội dung cụ thể giám sát cải cách hành chính, nhất là việc giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tham gia tổ chức và giám sát hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo PCTNLP; giám sát việc công khai các kết luận thanh tra.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để Nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật và giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và việc sách nhiễu với Nhân dân.

Rà soát, kiện toàn, đổi mới tổ chức và hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo hướng sát với điều kiện và yêu cầu thực tế tại địa phương; kiến nghị sửa đổi cơ chế, quy định để tạo điều kiện và phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, để Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực sự là “tai, mắt” của Nhân dân, là những hình thức hữu hiệu để MTTQ Việt Nam, Nhân dân đấu tranh PCTNLP ở cơ sở. 

4. Xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí trong hệ thống Mặt trận

MTTQ Việt Nam các cấp sử dụng hiệu quả các kênh thông tin, phản ánh về tham nhũng, lãng phí của MTTQ Việt Nam các cấp, của báo chí; xử lý kịp thời các đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, các phản ánh, đề nghị của các cơ quan, tổ chức về tham nhũng, lãng phí gửi đến MTTQ Việt Nam các cấp. Quý I năm 2018,
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến của người dân, MTTQ Việt Nam các cấp kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết để Nhân dân biết.

5. MTTQ Việt Nam các cấp chủ động, phối hợp với các cơ quan báo chí trong đấu tranh với tham nhũng, lãng phí

Phát huy vai trò các cơ quan báo chí, trước hết là các cơ quan báo chí của hệ thống Mặt trận trong việc tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia PCTNLP; phát huy những nhân tố tích cực trong PCTNLP; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí thông qua các tin, bài, phóng sự. Báo chí của hệ thống Mặt trận phải là những diễn đàn đấu tranh PCTNLP của Nhân dân, kịp thời phản ánh về các hành vi, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, phản ánh tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết và đồng lòng của Nhân dân kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí. Mở chuyên mục về PCTNLP trên các phương tiện truyền thông của hệ thống MTTQ Việt Nam.

 Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với các cơ quan báo chí, trọng tâm là các cơ quan báo chí thuộc hệ thống Mặt trận trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và phản ánh thông tin về PCTNLP. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam tổ chức thực hiện tốt giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

6. Đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để thực hiện có hiệu quả công tác PCTNLP

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam theo hướng: phát huy vai trò chủ động, tích cực của mỗi thành viên, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống Mặt trận và tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận trong công tác PCTNLP.

Tổ chức các hội thảo để đánh giá đúng và đề xuất các giải pháp nhằm giảm các biểu hiện hành chính trong công tác Mặt trận để cán bộ Mặt trận sát dân, hiểu dân; để Nhân dân tin cậy, phản ánh kịp thời với MTTQ Việt Nam về các vụ việc, biểu hiện tham nhũng, lãng phí.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương phân công và bố trí cán bộ, phương tiện làm việc phù hợp cho bộ phận làm đầu mối tham mưu và thực hiện công tác PCTNLP của MTTQ Việt Nam ở cấp mình.

Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và các bảo đảm để tăng cường hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư theo hướng thống nhất hành động của các đoàn thể, tập hợp và phát huy vai trò những người tiêu biểu, người có uy tín ở cơ sở để động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Thường xuyên tổ chức các hình thức tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ cho cán bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về đấu tranh PCTNLP nói riêng. Đặc biệt quan tâm việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và các kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận các cấp. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan thanh tra, Viện kiểm sát, Ủy ban kiểm tra Đảng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCTNLP cho cán bộ làm công tác Mặt trận và các thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong hệ thống Mặt trận; xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong sạch, vững mạnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam là căn cứ để Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng và thực hiện các kế hoạch PCTNLP cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.

Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch để thực hiện Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam, cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; quan tâm tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trong hệ thống tổ chức, cơ quan mình; xác định kết quả thực hiện Chương trình PCTNLP là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua. Việc xây dựng kế hoạch PCTNLP cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy và chính quyền cùng cấp.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp phải xác định PCTNLP là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; chủ động, tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm cá nhân trong PCTNLP, cam kết thực hiện các chuẩn mực về về sự liêm chính, gương mẫu và mạnh dạn phê bình, tự phê bình và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

3. Các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hằng năm có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam; định kỳ 6 tháng, hằng năm có báo cáo việc thực hiện Chương trình gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Sau 3 năm thực hiện, các cơ quan, tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho những năm tiếp theo.

4. Thành lập bộ phận tham mưu để giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình PCTNLP do một đồng chí Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phụ trách, có một số thành viên là đại diện lãnh đạo một số ban, đơn vị của Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định.

5. Kinh phí xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình được thực hiện theo quy định của pháp luật.

6. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam định kỳ hằng năm nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam; tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTNLP; tổ chức tổng kết việc thực hiện Chương trình PCTNLP của MTTQ Việt Nam vào Quý IV năm 2020.

 

 

TM. ỦY BAN TRUNG ƯƠNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

Trần Thanh Mẫn

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều