Chuyển từ 'Tư duy sản xuất nông nghiệp' sang 'Tư duy kinh tế nông nghiệp'

(Mặt trận) - Ngày 25/3, tại Cần Thơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bình thường mới - Vai trò của Mặt trận và đội ngũ trí thức”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh dự và phát biểu tại hội thảo.
 Quang cảnh hội thảo “Phát triển bền vững ĐBSCL, bình thường mới - Vai trò của Mặt trận và đội ngũ trí thức”. 
Phát huy vai trò của Mặt trận và đội ngũ tri thức

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, khu vực ĐBSCL chiếm 47% diện tích; 55% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu cùng 70% diện tích và sản lượng thuỷ sản cả nước.

Ngoài ra theo ông Hiển, khu vực này có vị trí địa lý kinh tế và chính trị quan trọng vì nằm trong khu vực ASEAN, có lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu và giao thương quốc tế. Hệ thống cảng nối liền giữa các địa phương trong vùng và TP HCM. Vùng ĐBSCL được xác định là một trong những vùng trọng điểm phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của các tỉnh phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), những lợi thế tự nhiên của ĐBSCL sẽ thay đổi, trong đó, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ bị tác động nhiều nhất, hệ thống sản xuất và thế mạnh của ngành nông nghiệp phải được điều chỉnh tương thích.

Trong khi đó, năm 2021 là năm cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19.

“Điều này, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là sức khoẻ của nhân dân”, ông Hiển nhấn mạnh và cho rằng, ĐBSCL cần linh hoạt thích ứng với điều kiện “bình thường mới”.

Đánh giá về vai trò, vị trí của vùng ĐBSCL, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, thành viên Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ cho biết: Việc tổ chức hội thảo nêu trên là cầu nối phát hiện và kiến nghị những giải pháp hay, khả thi và hiệu quả để Chính phủ và lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững trong điều kiện “bình thường mới” thích nghi Covid-19.

Đồng thời, qua đây kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp hơn cho sự phát triển của vùng.

Riêng với trường Đại học Cần Thơ, theo ông Toàn, đây là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, đóng góp hiệu quả vào việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, phát triển khoa học phục vụ kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia.

Một trong các nội dung được ông Toàn yêu cầu tiếp tục “làm sâu sắc hơn”, đó là phân tích vai trò và đề xuất các giải pháp cho công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư… để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện thích nghi với diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp kéo dài.

Theo ông Toàn, cần đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp đa dạng đáp ứng thị trường trong điều kiện BĐKH và bình thường mới hướng đến phát triển bền vững; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; định hướng phát triển hợp tác giữa các địa phương với các viện, trường; vấn đề bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai để phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL…

Quyết tâm của hệ thống Mặt trận cùng tham gia phát triển ĐBSCL

 Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.  
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ cho biết, thông qua hội thảo để kiến nghị những giải pháp hay, khả thi và hiệu quả Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong khu vực, góp phần phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện bình thường mới thích nghi Covid-19.

“Kết quả hội thảo đã làm rõ thêm về vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội để phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới. Khẳng định đội ngũ trí thức đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian sắp tới”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: Các địa phương đã bám sát quan điểm mục tiêu, các giải pháp tổng thể được nêu tại NQ số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và NQ 120 của Chính phủ thực hiện quy hoạch, xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương phải đồng bộ với quy hoạch phát triển vùng, cần xác định rõ nơi nào, ngành nào có lợi thế mạnh hơn để phát triển kinh tế và liên kết tốt hơn như phát biểu của PGS.TS Đào Ngọc Cảnh đã gợi mở để cùng phát triển, "không ai bị bỏ lại phía sau".

Phát huy tiềm năng và thế mạnh để phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH phát triển bền vững, bảo tồn phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của ĐBSCL.

Gắn kết quá trình phát triển bền vững vùng ĐBSCL chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và rộng hơn là tiểu vùng sông Mê Kông thông qua các kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng, từ đó thu hút vốn, con người, công nghệ, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm, dịch vụ vùng.

Để phát triển bền vững khu vực, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Bên cạnh đầu tư của Chính phủ, các địa phương cần chủ động huy động nguồn lực trong doanh nghiệp và nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với BĐKH vùng, xem đây là khâu đột phá trong việc phát triển bền vững vùng.

Tăng cường ứng dụng KHCN, khai thác thành tựu CNTT để đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến mục tiêu ĐBSCL trở thành Trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, hiệu quả, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Đặc biệt các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất cho MTTQ các tỉnh, thành phố với vai trò tập hợp, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong phát triển bền vững các nội dung thiết thực; tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt trong việc phát huy chất xám của đội ngũ tri thức.

Cần có chính sách đặc thù đối với vùng để thực hiện nhiệm vụ giữ đất lúa, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực và nâng cao đời sống nhân dân. Cần có chính sách căn cơ và toàn diện nhằm phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội của vùng, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển chung của vùng.

 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận các ý kiến đại biểu và phát biểu tại hội thảo.  
Từ những ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh tới vai trò của hệ thống MTTQ các tỉnh, thành phố trong vùng, càng phải thể hiện quyết tâm cùng với hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố tham gia quá trình phát triển bền vững vùng ĐBSCL bình thường mới. 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cần phải: Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm, hiểu rõ tầm quan trọng của sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, tạo sự chuyển biến về nhận thức, dẫn đến các thay đổi về tư duy và hành động.

Triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động nhân dân tích cực tham gia vào chuyển đổi quy mô sản xuất lớn, phát triển chuỗi giá trị cho toàn vùng chuyển từ “Tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “Tư duy kinh tế nông nghiệp”.

Phối hợp với chính quyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong làm ăn kinh tế của nhân dân. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt những quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH.

Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người dân trong sản xuất và tiêu dùng hàng hoá…Thông qua phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả” để khơi dậy tinh thần sáng tạo của nhân dân tham gia đóng góp sáng kiến, ý tưởng phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tiếp tục phát huy có hiệu quả Nghị quyết 06 ngày 23/7/2020 về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác dụng của đại dịch Covid-19 nhằm khơi dậy sự tham gia của đội ngũ trí thức, doanh nghiệp… sự phát triển kinh tế xã hội thích ứng với tình hình mới. Giám sát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu vận động người dân chủ động giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết thêm: Từ những ý kiến của Hội thảo chúng tôi sẽ nghiên cứu để tiếp tục tham gia cho ý kiến đóng góp vào các dự thảo Nghị quyết, Quyết định, Chương trình của Quốc hội, Chính phủ nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo ASXH; bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL...

Quốc Trung

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều