Cụ thể hóa những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 3 -9/10/2022 đã thành công tốt đẹp sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng về: tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát huy dân chủ, trí tuệ, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đại biểu dự Hội nghị đã thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các tờ trình, báo cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao thông qua các Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị.

Phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương thống nhất ban hành Kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
        
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, chúng ta phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, không được để bị động, bất ngờ; bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh của hệ thống y tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính - ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát huy và tạo lập các động lực tăng trưởng mới trong trung hạn và dài hạn...

Theo dõi thông tin trên báo chí, nhiều cán bộ, đảng viên, trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân nhận xét, hội nghị đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại ATP (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, “Hậu quả từ đại dịch COVID-19 vẫn nghiêm trọng. Vì vậy, trong ngắn hạn, chúng tôi rất trông đợi Đảng, Nhà nước có thêm các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ tài chính khác nhau, như phân bổ các khoản vay trả góp và miễn thuế để ngăn chặn sự suy giảm thanh khoản, giảm thiểu thiệt hại về doanh thu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dần dần khi các biện pháp hạn chế được giảm bớt, các chính sách sẽ tập trung vào giai đoạn đổi mới và tăng trưởng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tồn tại. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phát huy khả năng sáng tạo và linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh mới, nhạy bén trong việc tận dụng các cơ hội thị trường; tư duy dám chấp nhận rủi ro, huy động tối đa nguồn lực để có thể đáp ứng yêu cầu của các đối tác”.

Ban hành 3 Nghị quyết

Cùng với thảo luận và thống nhất các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận những giải pháp nhằm cụ thể hóa những nội dung cốt lõi, những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao cho rằng, đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội... Trên cơ sở đó, Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Quan tâm, theo dõi Hội nghị, Trung tá Nguyễn Văn Niêm (55 tuổi Đảng, ở Khương Trung, Đống Đa, Hà Nội, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) rất tâm đắc khi Hội nghị lần này nhất trí cao tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Bởi phương thức lãnh đạo của Đảng ta không phải ''nhất thành bất biến'' mà thay đổi cùng với sự thay đổi của nhiệm vụ, của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn mà Đảng lãnh đạo. Nếu phương thức lãnh đạo đúng, hoạt động của Đảng sẽ được thể hiện hiệu quả trong thực tiễn, được nhân dân thừa nhận. Uy tín chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng từ đó được nâng lên.

Đồng tình với chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đảng viên Nguyễn Duy Phương, Tiến sỹ, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Lao động Xã hội cho rằng: những kinh nghiệm tốt, những bài học hay của thời kỳ trước, chắc chắn sẽ được Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát triển. Những gì không còn phù hợp, Đảng ta sẽ có những điều chỉnh. Đó cũng là cốt lõi tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm làm hệ thống trong sạch, vững mạnh.

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Trung ương yêu cầu bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm yêu cầu Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Trung ương xác định tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Trung ương nhất trí cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về vấn đề đặc biệt quan trọng này. Việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhiệm vụ chính trị quan trọng

Một nội dung lớn được thảo luận là định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, với kinh nghiệm và thực tiễn phong phú, các đồng chí Ủy viên Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị vào dự thảo Định hướng Quy hoạch.

Trung ương thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.

Trung ương yêu cầu nội dung của Quy hoạch phải xác định rõ và đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây... Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Kết luận về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bài học đắt giá

 Các đại biểu dự phiên bế mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Về công tác nhân sự, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông vận tải tại Kỳ họp thứ 4.

Căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đây là điểm mới tại Hội nghị này, lần đầu tiên, Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương do các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của Đảng, chính quyền địa phương và cá nhân đồng chí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, "Đây là sự việc rất đau xót, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng buộc chúng ta phải làm. Và đây cũng là bài học đắt giá mà mỗi đồng chí chúng ta cần phải rút kinh nghiệm thật sự sâu sắc; từ đó càng phải gương mẫu, càng phải nêu gương hơn nữa trong việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, phải thực sự là những tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng và noi theo".

Cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng vào quyết tâm, tinh thần đổi mới của Đảng. Ông Nguyễn Văn Vẹn, cựu chiến binh, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương cho biết, trong những năm gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã có nhiều đổi mới, đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông ấn tượng rất mạnh về việc Trung ương tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ có vi phạm ngay ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị. Đây là mất mát rất lớn nhưng đồng thời cho thấy sự nghiêm minh của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo cựu chiến binh Nguyễn Văn Vẹn, nhân dân, cán bộ hưu trí ở tỉnh Bình Dương rất phấn khởi và đặt trọn niềm tin vào Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông mong muốn, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mạnh hơn nữa, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, phải xử lý thật nghiêm.

Có thể thấy, tại Hội nghị Trung ương lần này, hầu hết các vấn đề cần bàn và quyết định đều rất quan trọng, khó, phức tạp và nhạy cảm. Nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, cần tiếp tục được thực hiện ở tầm mức mới với những quyết tâm mới, quyết sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

 

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều