Cuốn sách của Tổng Bí thư: Trị tận gốc tham nhũng

Từ thực tiễn sinh động và quá trình nghiên cứu công phu, từng bước đúc rút một số vấn đề có tính lý luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, phát biểu, kết luận (gọi chung là bài viết) quan trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Với hơn 620 trang, cuốn sách có ba phần. Phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; gồm bài tổng quan Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!; bốn bài phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022; nội dung phát biểu kết luận tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo do đồng chí làm Trưởng ban.

Với tiêu đề Nhất quán phương châm: phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, phần thứ hai gồm 14 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng từ những năm đầu đổi mới (1986) đến nay và tám bài về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có những bài được viết từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt là phần thứ ba, tập hợp 96 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và các chính khách, học giả nước ngoài ủng hộ và thể hiện niềm tin sâu sắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Suy thoái đạo đức, lối sống - cái gốc của tham nhũng

Trong cuốn sách, tư tưởng của bài tổng quan như sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các bài viết, bài phát biểu, kết luận của Tổng Bí thư và tập trung trả lời một số câu hỏi lớn như: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Ðảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học rút ra từ thực tiễn? Ðặc biệt là phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới?

Với những bài viết phân tích sâu sắc, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, cuốn sách như một bức tranh toàn cảnh về thực trạng, đặc biệt là quyết tâm, cách làm và hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng những nhiệm kỳ gần đây. Qua đó, người đọc sẽ hiểu tham nhũng là gì mà được ví như “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; là thứ giặc nội xâm rất nguy hiểm, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ. Ðọc kỹ từng bài viết sẽ thấy rõ quan điểm của Tổng Bí thư về tham nhũng, tiêu cực ngày càng sâu sắc và có nhiều điểm mới, như mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp, sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đó có một bộ phận cán bộ cấp cao; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ðây mới là cái gốc của tham nhũng. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.

Ðó là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.

Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa

Các bài viết của Tổng Bí thư giúp người đọc nhận diện đúng về tham nhũng, tiêu cực hiện nay, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà còn cả khu vực ngoài nhà nước và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Ðể phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng với phương châm xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động tích cực phòng ngừa, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Việc thi hành kỷ luật đảng phải tiến hành đồng bộ với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; đồng thời tăng cường công khai, minh bạch, giám sát kiểm soát quyền lực, nhất là trong các cơ quan nhà nước.

Thực tế cho thấy làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất là tiền đề quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Chính vì thế, việc lựa chọn một số bài viết tiêu biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng từ những năm đầu đổi mới đến nay để đưa vào cuốn sách đã giúp người đọc hiểu rõ hơn tư tưởng nhất quán và tầm nhìn của tác giả đối với nhiệm vụ then chốt này.

Chính hiện thực đất nước hơn 35 năm đổi mới, nhất là những đòi hỏi từ cuộc sống hiện nay, chính quá trình trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Ðảng bộ thành phố Hà Nội, của Quốc hội và của Ðảng từ Ðại hội XI đến nay, với tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của một nhà nghiên cứu lý luận chính trị luôn hết lòng vì dân, vì nước đã thôi thúc tác giả có những bài viết sâu sắc, tâm huyết. Trước hết, đó là sự kiên định một vấn đề có tính nguyên tắc: Sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định tạo ra những thành công của công cuộc đổi mới.

Ðảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; phải kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong nội bộ, có những việc phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục; có khi giải quyết xong vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác. Song điều có ý nghĩa quyết định là, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại,...

Không phải đến khi ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của Ðảng mà từ thời công tác tại Tạp chí Cộng sản, tác giả đã luôn trăn trở, phê phán, đấu tranh quyết liệt với các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Ðó là những căn bệnh sợ trách nhiệm; lợi dụng quyền hạn để xoay xở, bòn rút của công,... Tám bài viết ở thập niên 70 của thế kỷ trước đến các bài gần đây in trong cuốn sách này đã thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong các giai đoạn cách mạng và càng làm càng rút ra được nhiều kinh nghiệm hay để làm tốt hơn của Tổng Bí thư đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó càng thể hiện rõ nhân cách, phong cách của một người lãnh đạo có tâm, có tầm được toàn Ðảng, toàn dân hoan nghênh ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với gần 100 hình ảnh, minh họa gắn với các sự kiện, hoạt động của Tổng Bí thư và các thành viên Ban Chỉ đạo, được trình bày theo phong cách báo chí, hiện đại, cuốn sách thêm sinh động, hấp dẫn.

Cách làm, kết quả đáng khích lệ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là chất liệu phong phú, quý giá để Tổng Bí thư có những bài viết sinh động, sâu sắc và thuyết phục. Ngược lại, chính những bài viết ấy sẽ định hướng, thúc đẩy chúng ta đánh bại thứ giặc nội xâm nguy hiểm này. Ðó là một phần ý nghĩa và giá trị thiết thực của cuốn sách.

Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo Bắc Văn/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều