Đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các quy định về phòng, chống rửa tiền

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 7/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
 Quang cảnh Phiên thảo luận chiều 7/9. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền 

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo đó, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bên cạnh việc kế thừa, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập, các quy định của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 Chương, 63 Điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền... Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, đối tượng báo cáo bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan và sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, nội dung, các trường hợp từ chối yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin, quy trình, thủ tục, phương thức hợp tác quốc tế, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo ông Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền; đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh, phân tích kỹ hơn về tính cấp bách, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần nhấn mạnh sự cần thiết, quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền theo hướng bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế, cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với các hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; qua đó góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bố cục của dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế đã hợp lý hơn, hiện gồm 4 chương và 63 điều (giữ nguyên số chương và tăng 10 điều, bỏ 1 điều).

Các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục rà soát thêm nội dung có liên quan trong một số Hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, cập nhật đồng bộ với dự án Luật Giao dịch điện tử dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung của dự thảo Luật như: Đối tượng báo cáo; cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ; các biện pháp trì hoãn giao dịch; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền; vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống rửa tiền. 

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị, Điều 36 về hình thức báo cáo, nên bổ sung một khoản quy định xây dựng báo cáo tự động để có thể báo cáo kịp thời những hành động đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền. Tại Điều 47 về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, đại biểu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Ngân hàng Nhà nước với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công an, Hải quan, các Bộ Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng để phòng, chống rửa tiền. Trường hợp cần thiết, các cơ quan chức năng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hạ chuẩn giá trị giao dịch để phục vụ công tác điều tra.

Đặc biệt, tại Điều 48 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, đại biểu cho rằng, cần bổ sung 4 khoản với các nội dung gồm: Các ngân hàng phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền; đầu tư cơ sở vật chất để cải thiện, nâng cấp hệ thống lưu giữ chứng từ; xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục; tham mưu cho Chính phủ xây dựng bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân thủ theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ bị chế tài nghiêm khắc về mặt dân sự, thậm chí hình sự.

Bày tỏ sự đồng tình đối với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu một số vấn đề góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền để Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung. Về các đối tượng báo cáo tại Điều 4, theo dự thảo luật lần này, tại điểm 1 khoản 1 Điều 4 đối với các hoạt động của tổ chức tài chính áp dụng luật này chỉ đề cập đến một loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo rà soát để làm rõ ngoài bảo hiểm nhân thọ còn có các loại hình bảo hiểm nào khác có thể lợi dụng để rửa tiền không, vì hiện nay các hình thức kinh doanh bảo hiểm rất đa dạng, với số vốn rất lớn, tránh bỏ lọt đối tượng để có thể lợi dụng để rửa tiền.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 7/9. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện với hệ thống pháp luật 

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Theo đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, đây là dự án Luật có tính chuyên ngành sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam.

Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cần được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật. Đối với những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung thêm 2 điều; sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Phụ lục 4 Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đóng góp ý kiến vào nội dung quy định về đình chỉ thời gian, thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu rõ: Dự thảo Luật có quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ và quyền hạn đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Về vấn đề này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ tính chất đây là biện pháp quản lý hay biện pháp xử phạt hành chính, nếu chỉ là biện pháp quản lý thì cần nêu rõ cơ sở đề xuất. 

"Vì việc áp dụng các biện pháp đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến sử dụng băng tần bị đình chỉ, có ý nghĩa như một chế tài xử phạt. Nếu đây là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thì đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong mối quan hệ với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi theo quy định tại khoản c điểm 1 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động có thời hạn là một trong những biện pháp xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên cơ sở để áp dụng biện pháp này phải là hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ", đại biểu lý giải. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến cụ thể về đối tượng, phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và một số nội dung cụ thể như: Về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động của một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; về phương thức cấp phép, cấp lại giấy phép đấu giá sử dụng băng tần để sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh và kết hợp phát triển kinh tế... Trong đó, một số ý kiến đáng lưu ý là vấn đề cải cách hành chính để đáp ứng các nhu cầu, tránh cơ chế "xin - cho" chính sách đối với một số vùng, doanh nghiệp, chính sách xã hội phát triển mạng 5G...

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều