Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, xuất bản

Chiều 8/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản năm 2022.
 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Hội nghị nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa”; nắm bắt, đánh giá tình hình hoạt động báo chí, xuất bản trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời gian qua; chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng về báo chí, xuất bản

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương một số kết quả, dấu ấn quan trọng, nổi bật của công tác báo chí, xuất bản thời gian qua; đồng thời khẳng định, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý đã tiếp tục đổi mới kịp thời, quyết liệt hơn, bám sát tình hình thực tiễn, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả, thống nhất một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin là Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục được tăng cường; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và được quan tâm đầu tư nghiêm túc cả về nhân lực và tài lực. Báo chí, xuất bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, thời gian tới, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản, cơ quan Hội và các cơ quan báo chí, xuất bản cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tạo sự thống nhất cao về các đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động cung cấp thông tin, kiến thức, cập nhật những chính sách, quyết sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, xuất bản…

Theo đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của hệ thống báo chí, xuất bản là bám sát, nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng về báo chí, xuất bản đã được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản, người làm công tác báo chí, xuất bản nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nghiên cứu kỹ, cụ thể hóa tinh thần, nội dung Nghị quyết, xác định nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, xuất bản theo nội dung Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bằng những chương trình, kế hoạch sát thực tế; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Đảng, đảng viên trong cơ quan báo chí, xuất bản, nhất là người đứng đầu cấp ủy; tích cực hưởng ứng xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, nhà xuất bản.

Cùng với đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản; tiến hành sơ kết, tổng kết, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực báo chí, xuất bản để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định hiện hành; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển đảm bảo thiết thực hiện quả; chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, xuất bản…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung thông tin tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 và nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022); nghiên cứu, chuẩn bị các hoạt động cách mạng thiết thực ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025)…

Định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, xuất bản đã thảo luận, trao đổi một số nội dung nhằm tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời; nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền để định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; đồng thời đề xuất một số vấn đề cần quan tâm về cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí, xuất bản trong tình hình mới.

Theo báo cáo, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện tuyên truyền kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện trọng đại của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, công tác bảo vệ chủ quyền, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội.

Đặc biệt, báo chí, truyền thông thông tin công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển du lịch và phục hồi các thị trường nội địa; vận động người dân không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch trước bối cảnh xuất hiện biến thể mới; tự nguyện, tích cực tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo vệ thành quả chống dịch để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tiếp tục được tăng cường; số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài đã tăng lên đáng kể, nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận. Hình thức thông tin báo chí thường xuyên đổi mới, đa dạng, nhiều tin, bài kèm theo hình ảnh động, sử dụng Infographic và được thiết kế ấn tượng… được lan tỏa trên nhiều nền tảng số khác nhau, tăng khả năng tiếp cận của người dân.

Các nhà xuất bản có nhiều nỗ lực, cố gắng khôi phục lại quy trình xuất bản bị gián đoạn trong khoảng thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Các nhà xuất bản đã bám sát định hướng, chủ động, sáng tạo, đầu tư khoa học, bài bản, xuất bản nhiều bộ sách, đầu sách phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương, góp phần tích cực thông tin, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quyết định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ...

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2022, một số ấn phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, ra mắt, giới thiệu và nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của độc giả, học giả trong nước và bạn bè quốc tế; góp phần nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Các nhà xuất bản chủ động đề ra các nội dung, giải pháp đầu tư, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, đặc biệt bám sát, tạo điểm nhấn cho từng mảng đề tài; đa dạng hóa xuất bản phẩm với chất lượng tốt, hình thức phong phú, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của đất nước, ngành và địa phương. Các xuất bản phẩm kịp thời tuyên truyền về phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước..., góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản, hiện 13 nhà xuất bản được hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong thời hội nhập.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều