Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7/2018

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với 8 đối tượng.

Ảnh minh họa

8 đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng gồm:

1- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

2- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

3- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

4-  Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

5- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

6- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.   

7- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

8- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, kinh phí điều chỉnh đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1/10/1995; hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg; người hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP và công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng do ngân sách nhà nước đảm bảo. Số đối tượng được điều chỉnh tại thời điểm tháng 6/2018 ước là 1,224 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2018 (6 tháng) là 566 tỷ đồng.

Kinh phí điều chỉnh đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/10/1995 trở đi, kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP do quỹ bảo hiểm bảo đảm. Số đối tượng được điều chỉnh tại thời điểm tháng 6/2018 ước là 1,863 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2018 (6 tháng) là 9.110 tỷ đồng.

Kinh phí điều chỉnh đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng thì kinh phí điều chỉnh được tổng hợp từ nguồn kinh phí địa phương.

Kinh phí điều chỉnh đối với quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg; công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg thì do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Theo Báo Chính phủ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều